Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Điện ảnh Việt: Vẫn cần những chính sách đặc thù

Thứ Hai 23/10/2017 | 12:22 GMT+7

VH- Chiều 20.10 tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm “Điện ảnh Việt Nam- Thực trạng và một số vấn đề đặt ra hiện nay”.

Nhiều vấn đề cấp thiết liên quan đến sự tồn tại và phát triển của ngành điện ảnh đã được các nhà quản lý, các nghệ sĩ điện ảnh, nhà làm phim, đơn vị sản xuất, phát hành và rạp chiếu đã nêu lên tại buổi tọa đàm. Các ý kiến cho rằng, điều cấp thiết hiện nay là phải sửa đổi Luật Điện ảnh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt. 
 Không thích nghi được môi trường công nghiệp mới
Đại diện Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã nêu bức tranh tổng quan về thị trường của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh (Công ty BHD, Phó Chủ tịch Hiệp hội), thị trường điện ảnh Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ khi doanh thu phòng vé những năm qua tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ, bình quân từ 20- 25%/năm. Việt Nam cũng đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, hiện tại khu vực điện ảnh nhà nước lại đang trong tình trạng không thích nghi được với môi trường công nghiệp mới, thua lỗ, cổ phần hóa, đóng cửa… Điện ảnh tư nhân mới được Nhà nước mở cửa cho phát triển từ đầu những năm 2000, vốn chưa nhiều, tiềm lực chưa đủ mạnh. Trong khi đó, các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam với vốn lớn, bề dày kinh nghiệm và đang có nhiều biểu hiện chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam để thống lĩnh thị trường.
Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất phim, trong đó có 15 doanh nghiệp đã sản xuất từ hai bộ phim trở lên. Kinh phí sản xuất một bộ phim tại Việt Nam khoảng từ 5 tỉ đến hơn 30 tỉ đồng. Trước và đầu những năm 2000, mỗi năm có từ 5 - 10 phim Việt Nam được sản xuất, chủ yếu là phim nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, từ năm 2004 trở lại đây, chủ yếu là phim tư nhân sản xuất. Năm 2014 có khoảng 25 phim, 2015 khoảng 40 phim, 2016 khoảng 60 phim, trong 10 tháng đầu năm 2017 có khoảng 45 phim Việt Nam.
Việc các công ty nước ngoài nắm giữ đa số thị phần trong ngành điện ảnh tại Việt Nam dẫn đến các đơn vị này chỉ nhìn vào lợi nhuận để phát hành phim mà không xét đến chất lượng phim cũng như đã có những hành vi chèn ép các nhà sản xuất phim Việt. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia nêu ý kiến, rất đáng lo ngại khi hệ thống phát hành phim và chiếu bóng ở gần như 63 tỉnh, thành đều không còn, hoặc bị tê liệt, ngoại trừ một số trung tâm lớn. “Điện ảnh Việt hiện đang phải đối diện với những nguy cơ lớn. Trước mắt và nhìn thấy rất rõ là “cái chết” của các đơn vị chiếu phim nhỏ lẻ khi không có điều kiện trang trải kinh phí. Mặt khác, thị trường điện ảnh Việt dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng nếu vẫn tồn tại trong tình cảnh phụ thuộc như hiện nay thì rất nguy hiểm…”, ông Nguyễn Danh Dương nói.
Cần những chính sách phù hợp cho điện ảnh
Nhiều ý kiến thẳng thắn, Việt Nam đang lúng túng trong cả mục tiêu và phương pháp phát triển điện ảnh. Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, điện ảnh là ngành đặc thù riêng, do đó các chủ trương, chính sách đều phải xuất phát trên cơ sở những đặc thù này. Việc thực thi sửa đổi Luật Điện ảnh sẽ giải quyết được rất nhiều bất cập đang xuất hiện trong thị trường điện ảnh Việt Nam.
“Phát hành phim, sản xuất phim cho người Việt để định hướng cho tư tưởng, tình cảm, đạo đức, những định hướng giá trị văn hóa, đạo đức của con người Việt Nam. Trước bối cảnh hiện nay, Luật Điện ảnh cần phải sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn thực tế, tạo điều kiện để điện ảnh phát triển…”, bà Hoàng Thị Hoa khẳng định.
Đồng tình với những nhận định về khó khăn của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho biết, trong số 630 phòng chiếu phim trong cả nước với khoảng 100 ngàn ghế ngồi thì có đến 65% số phòng chiếu của các doanh nghiệp nước ngoài. Những kiến nghị từ Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã được Cục Điện ảnh ghi nhận và làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài, khuyến cáo những đơn vị này cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Theo ông Đỗ Duy Anh, nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến sự phát triển của điện ảnh Việt sẽ được tháo gỡ, điều chỉnh dựa trên những yếu tố đặc thù khi Luật Điện ảnh được sửa đổi.
Đề cập đến một vấn đề khác của điện ảnh Việt, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, do một số phim tư nhân từng bội thu ở phòng vé khiến một bộ phận công luận chưa hiểu thấu đáo đã bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của một dòng phim phục vụ được sản xuất bởi ngân sách nhà nước. Những câu hỏi về sự lỗ lãi của các dự án khiến cho nguồn vốn nhà nước dành cho dòng phim chính thống ngày càng bị cắt giảm. Có những giai đoạn 3, 4 năm liền không có phim nào do nhà nước tài trợ hoặc đặt hàng được thực hiện và công chiếu phục vụ nhân dân.
Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần đưa ra những chính sách điều tiết trong nền công nghiệp điện ảnh mang tính chất hỗ trợ ngành điện ảnh trong nước, không thể để điện ảnh chỉ vận hành theo cơ chế thị trường mở. Về nội dung sửa đổi Luật Điện ảnh, Hiệp hội này cũng kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định hỗ trợ, bảo vệ sản xuất, phát triển ngành điện ảnh Việt Nam thông qua các quy định về đảm bảo tỉ lệ doanh thu cố định mà nhà sản xuất phim Việt Nam được hưởng, đảm bảo có lợi nhuận đủ tái đầu tư sản xuất. Đảm bảo số giờ chiếu, suất chiếu tối thiểu tại mỗi cụm rạp để phim Việt Nam có cơ hội đến với khán giả…
Theo bà Hoàng Thị Hoa, các ý kiến tại tọa đàm sẽ được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận và đề xuất cho việc sửa đổi Luật Điện ảnh thời gian tới. 

 Nếu sản lượng phim Việt đang tăng thì phim Việt ra rạp lại đang gặp vô vàn khó khăn. Thực tế cho thấy phim Việt hiện nay chỉ chiếm khoảng 20-30% thị phần về doanh thu khổng lồ từ điện ảnh. Tuy nhiên con số này có thể tăng lên đến 40-50% nếu như có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính sách nhà nước cũng như được cạnh tranh song phẳng, không bị chèn ép hoặc bị áp đặt những điều kiện không công bằng so với phim ngoại. Mặt khác, số liệu này cũng có thể giảm xuống chỉ khoảng 10% nếu tình trạng cạnh tranh, chèn ép hiện tại vẫn cứ tiếp tục xảy ra. 
(Tin từ Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam)

Hà Phương

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top