Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc cổ phần hóa VFS(Bài 4): Đối thoại công khai, lãnh đạo và nghệ sĩ "va nhau nảy lửa"

Thứ Tư 20/09/2017 | 12:42 GMT+7

VH- Chiều qua 19.9 tại Trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội), cuộc đối thoại công khai giữa Ban lãnh đạo công ty với các nghệ sĩ, phóng viên báo chí xung quanh “số phận” của VFS sau cổ phần hóa đã kéo dài tới gần 4 tiếng đồng hồ. Không một câu hỏi nào bị bỏ qua, tuy nhiên nhiều phần lý giải của nhà đầu tư chiến lược vẫn không thể xoa dịu được nỗi niềm của các nghệ sĩ, cũng như băn khoăn từ báo giới.

Trực tiếp chủ trì, điều hành cuộc đối thoại là ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải thủy, nhà đầu tư chiến lược hiện đang nắm giữ 65% cổ phần của VFS sau cổ phần hóa. 
 1. Cảm nhận rõ ràng nhất ở cuộc đối thoại là cả đôi bên đều mong muốn đập bỏ “thành trì” cũ vốn đã quá trì trệ và khủng hoảng của VFS giai đoạn trước cổ phần. Tuy nhiên, rõ ràng không kém là cách thức “đập bỏ, xây mới” như mục tiêu cổ phần hóa đặt ra nhằm cứu VFS lại được cả hai bên thực hiện chẳng đến đâu. Báo chí được phen chứng kiến những tranh luận kịch liệt và gay gắt. Đại diện nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Thủy Nguyên khẳng định, sẽ nói thẳng, nói thật, công khai tất cả những vấn đề liên quan đến hoạt động của hãng phim sau cổ phần hóa.
“Các nghệ sĩ không ai chống lại chủ trương cổ phần hóa. Có điều, những gì chúng tôi mong đợi sau cổ phần cho đến nay dường như vẫn là con số không…”, đạo diễn Quốc Tuấn bức xúc. Cam kết trả lương, đầu tư làm phim, vực dậy sức sống của hãng… từ nhà đầu tư chiến lược sau gần ba tháng công ty cổ phần chính thức hoạt động vẫn không thấy dấu hiệu thay đổi nào tích cực.
Trước cam kết sẽ tập trung tiềm lực để phát triển điện ảnh, Trưởng phòng Sản xuất và Hợp tác phim Lê Hồng Sơn đặt câu hỏi: Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc sẽ theo định hướng nào? Lãnh đạo tìm việc hay anh em nghệ sĩ phải tự tìm việc về làm? “Chúng tôi cần có nhà đầu tư chiến lược là người có tâm, có tầm và cả tiềm lực kinh tế. Nếu yêu cầu nghệ sĩ tự kéo việc về hãng thì chúng tôi lấy đâu tư cách pháp nhân và điều kiện đâu mà làm?”, ông nói.

Cuộc đối thoại công khai giữa lãnh đạo VFS và các nghệ sĩ


Ông Nguyễn Thủy Nguyên trần tình, hơn hai tháng sau cổ phần, ban lãnh đạo “toát mồ hôi” mà khối lượng công việc phải giải quyết vẫn chồng chất. Tình trạng kinh doanh hiện tại ở VFS đang rất tồi tệ. Năm 2015 lỗ hơn 7 tỉ, 2016 lỗ 15 tỉ và 6 tháng đầu năm 2017, Hãng tiếp tục lỗ 4,7 tỉ đồng. “Tuy nhiên chúng tôi đang rất cố gắng để khắc phục tình cảnh bi đát của Hãng phim, bằng nhiều con đường cả xa, cả gần. Thế nhưng, cần sự hợp tác của tất cả. Ai mang được phim về, chúng tôi tạo mọi điều kiện về trang thiết bị, máy móc, lương thưởng… Lãnh đạo công ty sẽ nghiên cứu xây dựng các đường hướng, chính sách lâu dài; kết nối với các Đài Truyền hình, tìm kiếm đạo diễn, biên kịch, quay phim tài năng, mua kịch bản “hot”… Thậm chí, nếu được cho phép, địa chỉ số 4 Thụy Khuê có thể được đầu tư trở thành nơi sản xuất, phát hành, chiếu phim với cụm rạp hiện đại, quy mô…”.
Tuy nhiên, nhà đầu tư chiến lược cũng mở ngoặc, trước khi triển khai được những đường hướng phát triển lâu dài nói trên, phải tính đến các giải pháp tình thế, các dự án nhỏ lẻ, cấp thấp. Thậm chí, “nếu các xã, phường, dòng họ mà thuê viết kịch bản hay làm phim thì cũng làm, miễn là ra tiền!”.
Tuy nhiên, lý giải của ông Nguyễn Thủy Nguyên lập tức va phải sự phản ứng của các nghệ sĩ. Đạo diễn Nguyễn Duy Thành nói thẳng, vấn đề trước mắt khiến anh em nghệ sĩ bức xúc chính là những cam kết chưa được thực hiện của nhà đầu tư chiến lược. Lương thấp tận đáy, các phòng chuyên môn bị xáo trộn và dồn ép, thậm chí có bộ phận còn bị yêu cầu không đến cơ quan để đỡ tốn tiền điện…

 Đạo diễn Nguyễn Đức Việt, đạo diễn Quốc Tuấn bức xúc khi các đạo cụ của VFS bị mất mát trong quá trình chuyển kho

2. Yêu cầu lý giải nguyên nhân “dồn” bốn phòng chuyên môn: đạo diễn, quay phim, biên kịch và thiết kế mỹ thuật vào một phòng nghệ thuật, các nghệ sĩ được trả lời: “Hiện tại các phòng ban của Hãng đang quá tồi tàn, rác rưởi, ẩm mốc và dột nát. Chúng tôi chủ trương dọn dẹp, cải tạo lại. Không thể tưởng tượng khu đất nằm ngay tại trung tâm lại trong tình trạng như thế này”.
Ông Nguyên cũng cho biết, sẽ không cho thuê dãy phòng này để bán phở, chân gà nướng… như các nghệ sĩ phản ánh với báo chí, bởi “như thế thì đáng được bao nhiêu, chúng tôi không làm!”. Tuy nhiên, các nghệ sĩ lại phải nhìn nhau khó hiểu khi nhà đầu tư chiến lược “tiết lộ” sẽ phá toàn bộ dãy nhà mặt trước phố Thụy Khuê để quảng cáo các tiềm lực của hãng phim (?). Các nghệ sĩ đặt câu hỏi: “Như vậy, không gian sáng tạo, yếu tố làm nên sức sống của Hãng sẽ được bố trí như thế nào?”.
3. Bài toán cơm áo gạo tiền cho đến cuộc đối thoại lần này dường như vẫn chưa được lãnh đạo VFS đưa ra được giải đáp thỏa đáng. Trong khi 10 đạo diễn, 8 quay phim và 5, 6 biên kịch cùng rất nhiều bộ phận, nhân lực khác vẫn đang trông chờ “lời giải đáp” về công ăn, việc làm từ phía ban lãnh đạo thì Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thủy Nguyên vẫn chưa thể đưa ra được một đáp án dứt khoát tại cuộc đối thoại này.
Nhiều nghệ sĩ phản ứng mạnh trước chỉ đạo của lãnh đạo khi cho rằng, chưa có phim thì các nghệ sĩ có thể làm nhiều việc khác để có tiền, thậm chí là bán phở, chạy xe ôm. Đạo diễn Quốc Tuấn gay gắt: “Nghệ sĩ có cái mặt để kiếm tiền. Nếu bây giờ chúng tôi “mất mặt” thì còn kiếm sao được nữa…”. Quay phim Vũ Quốc Tuấn thì nhắc lại cam kết của Công ty rằng sẽ trả lương cho cán bộ công nhân viên đầy đủ ngay sau cổ phần hóa, với mức bình quân 4.800.000 đồng/tháng. Tuy nhiên thực tế là lương tháng 7 trả vẫn được trả như trước cổ phần; sang tháng 8 lại theo kiểu tạm ứng, người có người không và không dựa trên bất cứ nguyên tắc nào.
Trả lời câu hỏi về lộ trình cũng như các căn cứ tính toán trả lương, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên cho biết: “Chúng tôi không thiếu tiền trả lương. Nhưng trả thế nào, cơ chế ra sao thì còn phải tính. Nguyên tắc trả lương sẽ là có làm có hưởng, không làm không hưởng. Hai tháng sau cổ phần chúng tôi chưa có căn cứ nhưng vẫn trả như trước cổ phần, tuy nhiên cổ phần xong thì phải công bằng chứ không thể như cũ...”.
Hai phương án trả lương tạm thời được đưa ra là tính theo giờ công, hoặc theo sản phẩm. “Tôi không bắt các nghệ sĩ làm việc 8 tiếng/ngày, nhưng nói thế không có nghĩa không có sản phẩm. Bây giờ cũng không thể là thời kỳ làm phim vài chục tỷ mà chỉ vài người xem như trước được nữa. Cái gì cũng phải tính đến hiệu quả…”, ông Nguyễn Thủy Nguyên nói.

 

Đạo diễn Quốc Tuấn

4. Nhắc lại chuyện chuyển kho đạo cụ, phục trang của hãng sang tận Gia Lâm, các nghệ sĩ bất bình khi nhiều đạo cụ thuộc diện quý hiếm đã không được trân trọng. Đạo diễn Nguyễn Đức Việt đưa ra trước cuộc đối thoại hai đạo cụ mà theo ông: “Tôi không giữ lại thì bị đồng nát đã mang đi mất rồi”. Đó là chiếc bi đông và mũ sắt, những đạo cụ đã từng xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng thời kỳ chống Mỹ, nổi tiếng nhất là Biệt động Sài Gòn. Đạo diễn Nguyễn Đức Việt chua xót: “Vậy mà tôi tìm được khi cả hai sắp bị bỏ đi. Không biết rằng trong quá trình vận chuyển thì còn bao nhiêu đạo cụ có số phận bi đát như thế nữa? Với tầm nhìn như vậy, liệu chúng tôi có tin được nhà đầu tư chiến lược sẽ có những đầu tư chuẩn xác để cho ra đời những bộ phim chất lượng hay không?”.
NSND Nguyễn Thanh Vân thì thẳng thắn, “thành tích” nổi nhất của ban lãnh đạo mới sau hai tháng cổ phần là “dọn dẹp nhà kho”. NSND Nguyễn Thanh Vân yêu cầu lãnh đạo giải thích, 20 người được cho là “đang làm việc” có đóng góp như thế nào vào sự phát triển của VFS? Nhiều ý kiến cũng yêu cầu lý giải trong đường hướng phát triển của Công ty cổ phần thì việc làm phim được xác định là chính hay là các hoạt động khác?
Trả lời những thắc mắc này, ông Nguyễn Thủy Nguyên nói, trước mắt, lãnh đạo công ty vẫn kêu gọi anh em nghệ sĩ hỗ trợ, phối hợp về công việc chuyên môn. Có thể là giới thiệu kịch bản tốt, hợp thời, hoặc tìm người đặt hàng… Công ty ở giai đoạn này đang tập trung và rất khẩn trương cho việc khởi quay dự án phim “Người yêu ơi”. “Tuy nhiên, về lâu dài, xác định việc làm phim là chính hay phụ còn tuỳ thuộc tình hình thực tế. Bởi chúng tôi còn kinh doanh nhiều thứ chứ không chỉ duy nhất là làm phim…”.
Cuộc đối thoại dù công khai song vẫn tiếp tục để lại nhiều câu hỏi lớn, không chỉ đối với các nghệ sĩ mà cả giới truyền thông. Vẫn theo ông Nguyễn Thuỷ Nguyên thì: “Vì mới ở giai đoạn đầu nên chưa ai có thể nói được điều gì chuẩn xác. Có điều, tất cả phải cùng đoàn kết và bình tĩnh. Không thể hôm nay kêu cứu, ngày mai lại như chuẩn bị rơi xuống ao đến nơi. Hãy bắt tay với chúng tôi, đừng dồn chúng tôi vào chân tường nữa…”. 


Bảo Ngân-ảnh Trần Huấn

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top