Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Phim Việt hóa: Vừa xem vừa lo!

Thứ Sáu 11/08/2017 | 13:24 GMT+7

VH- Sự ra đời của những bộ phim mang danh Việt hóa nhưng từ cảnh quay, góc máy, cách diễn của diễn viên... chẳng khác nào “phim nước ngoài nhưng lại do diễn viên người Việt thế vai” đã và đang khiến những người làm nghề vô cùng lo ngại.

Vừa ra mắt rầm rộ tại các rạp, bộ phim Sắc đẹp ngàn cân (kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm đình đám 200 Pounds Beauty một thời của Hàn Quốc) quy tụ rất nhiều trai xinh gái đẹp của làng điện ảnh nước nhà khiến người xem không khỏi thất vọng tràn trề bởi trước khi tác phẩm này ra mắt dù nhà sản xuất (NSX) đã nhiều lần chia sẻ những tâm tư trong chuyện Việt hóa kịch bản phim, mạch phim làm sao để khiến người xem gần gũi với tinh thần Việt, hồn cốt Việt nhất có thể… thế nhưng khi phim ra đời, tác phẩm khiến công chúng không khỏi thất vọng. Cụ thể từng cảnh phim lộng lẫy được chăm chút đầu tư, đến dàn diễn viên với trang phục bắt mắt, góc quay, nhạc phim… được các chuyên gia nhận định là “bê nguyên xi” phiên bản gốc, tuy nhiên với cách diễn xuất của các diễn viên của ta còn khá “đơ” và gượng gạo (kém xa sự tự nhiên của diễn viên nước bạn) nên khán giả xem xong thì buồn nhiều hơn vui vì “phiên bản lỗi” này.
Trước bước thụt lùi của Sắc đẹp ngàn cân so với phiên bản gốc lần này, ngay lập tức trên các trang mạng xã hội đã diễn ra những cuộc “khẩu chiến” quyết liệt xoay quanh bộ phim. Cụ thể bên cạnh các ý kiến “chê” cũng không ít khán giả lên tiếng bênh vực, biện minh như: Vì phiên bản gốc quá hay nên bản Việt khó vượt qua được cái bóng tác phẩm, chuyện Việt hóa một tác phẩm không hề đơn giản bởi nếu lồng ghép những yếu tố Việt vào phim không tinh tế rất dễ làm tác phẩm “biến dạng”… Trường hợp bộ phim Em là bà nội của anh cũng được chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc nhưng được giới chuyên môn lẫn khán giả đánh giá cao bởi xem phim công chúng thấy được hình ảnh con người Việt trong đó. Doanh thu của phim này cũng đứng hàng đầu những tác phẩm Việt ăn khách nhất thời gian qua thì dư luận không khỏi ngậm ngùi và thừa nhận cái tài của người chuyển thể kịch bản cũng như đạo diễn trong chuyện Việt hóa tác phẩm là vô cùng quan trọng. Qua đó bày tỏ sự lo ngại với hàng loạt bộ phim đình đám của nước ngoài đã và đang được nhiều NSX Việt mua bản quyền để về nước làm lại trong thời gian tới, không khéo làn sóng mua kịch bản rầm rộ này rơi vào những người làm nghề “non tay” thì điện ảnh Việt chắc chắn sẽ bội thực bởi những tác phẩm mang danh kịch bản đã được Việt hóa, diễn viên người Việt đóng nhưng văn hóa, con người trong phim “rặt một mùi ngoại quốc” từ đây giới trẻ Việt hay bạn bè quốc tế xem phim sẽ học được gì hay hiểu gì về con người Việt, lối sống và truyền thống văn hóa Việt đây?
Nói về chuyện trào lưu phim Việt hóa, phim Việt hợp tác với nước ngoài sản xuất đang có xu hướng bùng nổ mạnh từ điện ảnh cho đến phim truyền hình, nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng “cái tầm” của người chuyển thể kịch bản, cũng như đạo diễn rất quan trọng, bởi NSX đã có “gạo loại tốt” nhưng “người nấu” vụng về thì khó tài nào có thể cho ra “cơm ngon” được. Đã đến lúc các NSX phải biết “chọn mặt để gửi vàng”, làm phim mang danh là chuyển thể của nước ngoài nhưng phải chịu khó đầu tư nhiều hơn nữa ở mặt lồng ghép triệt để các yếu tố Việt vào thì sản phẩm mới không mang danh sao chép, mới hy vọng có nét độc đáo, hấp dẫn riêng… Đối với các phim truyền hình Việt hợp tác sản xuất với nước ngoài, dù trong quá trình hợp tác vốn của chúng ta thấp hơn đối tác nước bạn nhưng chúng ta cần phải thể hiện “lòng tự tôn” dân tộc qua những cảnh quay dù là chi tiết nhỏ nhất. Điển hình như tuyệt đối không thể nhượng bộ quá đáng theo kiểu một bữa cơm trong phim diễn ra tại Việt Nam, người Việt Nam dùng bữa mà trên bàn toàn rượu và các món truyền thống của nước bạn được. Nếu không thể để các món thuần Việt lên cảnh của phim thì ít ra mỗi bên một nửa chứ không thể để “người ngoài” làm chủ - thâu tóm hoàn toàn việc quảng bá phong tục tập quán nước họ trong những bộ phim hợp tác như vậy được. Trong khi đó, đạo diễn -NSND Đào Bá Sơn cho rằng thời điểm hiện nay chúng ta phải hiểu hầu như không có “ranh giới” giữa phim có kịch bản chuyển thể và phim hoàn toàn thuần Việt, bởi tất cả các tác phẩm đều được công chúng, giới chuyên môn đánh giá và đón nhận như nhau nếu cách làm phù hợp, nội dung, thông điệp tốt. Ở đây điều quan trọng khi làm phim chuyển thể là NSX cần phải biết chắt lọc cái hay của kịch bản gốc và thêm thắt, “nêm nếm” những “gia vị điện ảnh” để làm sao phim mang được hơi thở, hồn cốt Việt nhất có thể. Hơn hết hiện không ít NSX (trong đó có những người làm phim có kịch bản chuyển thể) khi nghe những người làm nghề chia sẻ, đóng góp ý kiến về những ưu, khuyết về phim của họ thì sợ các thông tin đó sẽ làm ảnh hưởng tới lượng khán giả tới rạp và doanh thu của phim, tuy nhiên đây chỉ là những ý kiến phân tích mang tính xây dựng để công chúng có thể hiểu rõ hơn về chất lượng, nội dung tác phẩm chứ hoàn toàn không mang mục đích “dìm hàng” gì cả.


Quang Khải

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top