Phim truyền hình "thất sủng": Vì đâu nên nỗi?

Phim truyền hình "thất sủng": Vì đâu nên nỗi?

VH- Không chỉ chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng loạt gameshow, chương trình truyền hình thực tế…, mà chính chất lượng tụt dốc đã và đang góp phần khiến cho phim truyền hình Việt mất dần “đất sống”.

Đảm nhận vai trò Trưởng BGK phim truyền hình tại giải thưởng Cánh diều 2016 - đạo diễn Nguyễn Đức Thuần chia sẻ sau khi xem hơn 550 tập phim, nhiều thành viên của BGK không khỏi “mệt mỏi” vì bên cạnh số ít tác phẩm xem được thì phần lớn phim vẫn rơi vào “những căn bệnh trầm kha” mà nhiều phim truyền hình Việt hiện nay mắc phải như đề tài “nghèo nàn”, quẩn quanh hết trong môi trường thành thị thì lại đến nông thôn với các hình ảnh nhàm chán mà hầu như phim nào cũng thấy: giám đốc công ty, gái quê lên thành phố lập nghiệp, yêu đương hận thù của trai gái… Hiếm lắm mới có vài tác phẩm khai thác những vấn đề “nóng” của xã hội (như báo chí, cảnh sát hình sự, truy bắt tội phạm…) kịch bản của tác phẩm này được người trong nghề đánh giá cao nhưng tiếc thay diễn viên lại đóng “chưa tới” nên phim chưa tạo được hiệu ứng mạnh. Một vấn đề khác cũng cần “báo động” là phim truyền hình Việt hiện có tiết tấu quá chậm, mạch phim dàn trải, cứ đều đều, thiếu cao trào để bật lên tính cách, ngôn ngữ của nhân vật; có phim NSX không biết nghĩ gì mà cả một tập chỉ toàn cảnh ồn ào, la hét, rồi nhân vật độc thoại nội tâm, hồi tưởng quá khứ miên man…; nhiều lúc xem cứ tưởng kết rồi nhưng lại “thòng” tiếp, từ đó làm người xem chán chường kinh khủng.
Nói về chuyện phim truyền hình “càng dài, càng dai lại càng… dở”, nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương (người có kinh nghiệm viết hơn 20 kịch bản phim truyền hình; hiện nhiều phim của chị đang chiếu trên các đài lớn như HTV, Vĩnh Long…) giải thích thông thường một bộ phim khi lên sóng thì 10 tập đầu rơi vào tình trạng “cúng cụ” (nghĩa là chiếu cho khán giả chú ý, chưa thu hút được quảng cáo), vì vậy khi viết kịch bản phim nhiều NSX yêu cầu từ tập 11 trở đi phải “kéo” làm sao cho phim hấp dẫn, lôi cuốn cho đến tận tập thứ 40 thì mới “gỡ vốn”. Thế nhưng nếu các nhà biên kịch chắc tay có nhiều kinh nghiệm đủ sức làm được theo yêu cầu trên thì những tác giả trẻ, thiếu vốn sống, xem nghề viết kịch bản như một công việc “kiếm thêm” thì làm sao đủ “tâm lẫn tầm” để làm cho tập phim nào cũng hấp dẫn. Từ đây dẫn tới chuyện để “khỏa lấp” các cảnh trong phim, họ không ngại đưa vào những tình huống thừa như bàn chuyện phiếm, “nấu cháo” điện thoại, họp hành dài lê thê hay lạm dụng các chi tiết như độc thoại, hồi tưởng, khóc la… mặc dù biết rõ những cảnh này “nếu công chúng nhỡ không xem thì cũng chẳng sao”.
Nổi bật bà Hương nhớ lại cách đây không lâu, có một cô bé chưa tròn 16 tuổi mạnh dạn đề nghị với bà cho “hợp tác viết kịch bản”. Khi bà hỏi thì em này trả lời đã cộng tác viết kịch bản với rất nhiều phim; đáng chú ý nếu khoảng 2, 3 năm trước em viết không công cho “người ta” để rút kinh nghiệm, thì bây giờ được trả một tập từ 200-500 ngàn đồng. Nghe đến đây bản thân bà Hương không khỏi “sốc” vì phát hiện suốt thời gian dài em đã bị các “nhóm viết kịch bản phim” (từ 5-10 người trẻ, non kinh nghiệm, thường chia nhau một người viết một khúc phim rồi gom lại thành một tập) lợi dụng. Trong khi mỗi tập phim từ trước đến nay thông thường bà Hương được trả 10 triệu đồng/tập mà người ta lại trả cô bé vài trăm ngàn như vậy thì quả thật là một sự bóc lột sức lao động tàn nhẫn. Hơn hết bà khẳng định một cô bé như em thì hiểu gì về nghề nghiệp, cuộc sống tình cảm, muôn mặt của xã hội phức tạp… mà dám đi viết kịch bản phim?! Và cũng chính sự xuất hiện ngày càng nhiều người trẻ không có vốn sống như cô bé trên, cũng như các nhóm viết kịch bản non tay ra đời, nhiều NSX “liều mạng” làm phim với kịch bản “yếu” của những đối tượng này… đã đẩy phim truyền hình ngày một tiến dần đến sự tàn lụi thảm thương.
Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long nhận định năm 2016 là một năm tồi tệ của thị trường phim truyền hình. Cụ thể, tại TP.HCM rất nhiều NSX đã bị nhà đài cắt giảm số lượng; nhiều đạo diễn, diễn viên có thương hiệu gắn bó với phim lâu năm đã phải “tìm hướng khác” nếu không muốn bị “ngồi chơi xơi nước” dài dài. Qua đó, bà Long cho biết những “chứng bệnh” khiến phim truyền hình Việt ngày một “đì đẹt” thì thời gian qua người làm nghề ai cũng thấy rõ, tuy nhiên do áp lực làm sao để tiết kiệm tối đa thời gian, tiền bạc... không ít NSX vẫn “cố đấm ăn xôi”- làm phim hời hợt, thiếu sự đầu tư chăm chút. Phim truyền hình vốn hiện đã cạnh tranh không lại với các gameshow, chương trình ca hát, hài nhảm vốn dĩ nhiều “chiêu trò, đánh bóng” rồi nay lại thêm kịch bản dở, nhiều phim y chang nhau về đề tài, cách diễn sáo rỗng...; nếu các đơn vị sản xuất vẫn không sớm chịu chấn chỉnh thì phim truyền hình không chỉ đang dần bị đẩy khỏi các khung “giờ vàng” như hiện nay mà tương lai sắp tới còn đồng loạt “chết ngất” cũng là viễn cảnh có thể lường trước được.


Quang Khải

Ý kiến bạn đọc