Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Phim Việt hóa nở rộ, mừng hay lo?

Thứ Hai 20/04/2020 | 10:58 GMT+7

VHO- Phim Việt hóa hay còn gọi là phim remake - làm lại từ các phim nổi tiếng của nước ngoài thời gian gần đây đang có chiều hướng nở rộ và nhận được sự quan tâm của khán giả. Bên cạnh việc mang lại màu sắc đa dạng cho thị trường phim trong nước, nhất là trong thời điểm khan hiếm những kịch bản hay, thì việc xuất hiện ngày càng nhiều bộ phim remake lấn át cả phim thuần Việt, liệu có nên mừng?  

Trên sóng truyền hình, phim Nhà trọ Balanha đang thu hút khán giả nhờ sự hài hước, thú vị đến từ hành trình theo đuổi ước mơ, lập nghiệp của những người trẻ.


 “Nhà trọ Balanha”, phim Việt hoá từ tác phẩm “Welcome to Waikiki” của Hàn Quốc đang thu hút khán giả màn ảnh nhỏ 

Quá nhiều “đất” sống dành cho phim remake 
Đây là phim được Việt hóa từ tác phẩm Welcome to Waikiki của đài JTBC - Hàn Quốc, do Khải Anh đạo diễn. Trước Nhà trọ Balanha đã có hàng loạt sản phẩm Việt hóa kịch bản nước ngoài như: Mùi ngò gai, Dù gió có thổi, Gia đình là số 1, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ, Cả một đời ân oán, Hậu duệ mặt trời,… Cũng như trên truyền hình, ở mặt trận màn ảnh rộng, dòng phim Việt hóa cũng không kém cạnh với hàng loạt bộ phim được remake như Em là bà nội của anh (bản quyền của Hàn Quốc với tựa gốc Miss Granny), Tèo em (Việt hóa từ Due Date - tác phẩm của điện ảnh Hollywood), Bạn gái tôi là sếp (chuyển thể từ ATM: Er Rak Error của Thái Lan), Tháng năm rực rỡ (Việt hóa từ Sunny của Hàn Quốc), Sắc đẹp ngàn cân (làm lại từ kịch bản của Hàn Quốc),… 
Chưa nói đến chuyện thành công hay thất bại từ những bộ phim được làm lại, nhưng có thể thấy rằng, sở dĩ phim Việt hóa có “đất” sống là bởi chúng ta đang quá thiếu những kịch bản hay, trong khi nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày một đa dạng, thì việc làm lại những bộ phim đã từng thành công ở phiên bản chính coi như một hướng đi có triển vọng. Theo đó, việc khai thác những kịch bản đã tạo được dấu ấn từ phiên bản gốc luôn gây sự tò mò, háo hức cho khán giả. Người xem thường đặt câu hỏi liệu phiên bản Việt hóa có hấp dẫn hơn không, có thành công hơn không,… ngay cả sự tò mò ấy cũng đã tạo được hiệu ứng truyền thông từ khi phim rục rịch chọn diễn viên. 
Trở lại câu chuyện kịch bản phim Việt hay đang quá khan hiếm, các chuyên gia điện ảnh cho rằng, công tác xây dựng kịch bản hiện đang là lỗ hổng lớn. Theo đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn, “Muốn có bộ phim hay trước hết phải có kịch bản hay. Ở các phòng Biên tập của các hãng phim đang chất đống kịch bản nhưng lại không sử dụng được. Ta có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hấp dẫn”. Chính vì vậy, theo đạo diễn kỳ cựu này, đó cũng là một trong những lý do tại sao các hãng phim của ta săn lùng mua kịch bản nước ngoài để Việt hóa. Tuy nhiên, không phải phim nào cũng thành công, ngoài một vài phim như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ hay bộ phim Người phán xử với lượng khán giả kỷ lục thì cũng đã có khá nhiều bộ phim Việt hóa bị thất bại cả phương diện nghệ thuật lẫn thương mại. PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TP.HCM cho biết, trở lực đầu tiên mà những người làm phim phải đương đầu là kịch bản. Kịch bản phim truyện những năm qua không hiếm, nhưng thực sự thiếu những tác phẩm có chất lượng, hài hòa tối ưu giữa giá trị văn học với nghệ thuật thể hiện ngôn ngữ điện ảnh. “Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ, đề tài của phim truyện đã bao gồm nhiều mảng màu của đời sống hơn: Từ lịch sử truyền thống đến đấu tranh giữa thiện và ác, từ cái tôi cá nhân đến nhãn quan xã hội, từ tình yêu đến hận thù, từ truyện cổ tích được làm sáng lại tới những bức xúc trong đời sống đương đại… Bao quát là thế, nhưng đề tài vẫn thiếu tập trung, thậm chí tản mạn”, PGS.TS Trần Luân Kim nhận định. 
Chỉ nên xem phim remake như là giải pháp tình thế 
Theo các nhà làm phim, việc remake lại các bộ phim đã nổi tiếng tưởng dễ nhưng hóa ra lại là thử thách lớn, bởi việc vượt qua hay ngang bằng được cái bóng của phiên bản gốc là điều không hề dễ dàng. Điển hình gần đây là phim Hậu duệ mặt trời, một bộ phim truyền hình đình đám của Hàn Quốc năm 2017. Ngay khi phim kết thúc, ở Việt Nam đã rục rịch thông tin làm lại bộ phim này khiến khán giả hồi hộp mong chờ lẫn lo âu nghi ngại bởi bản gốc quá tuyệt vời. Khi phiên bản Việt lên sóng, dàn diễn viên tuy được khen ngợi về ngoại hình nhưng cách diễn xuất lẫn các tình tiết đều chưa đạt, thậm chí là nhiều “sạn”. Tuy nhiên, phim vẫn được công chúng theo dõi và bàn tán sôi nổi, nhất là khi hình ảnh người quân nhân Việt Nam được tái hiện đầy khí phách, can trường trên màn ảnh… Trước đó, các bộ phim Anh em nhà bác sĩ, Người mẫu, Sắc đẹp ngàn cân,… cũng bị đánh giá thua xa phiên bản gốc. 
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi remake lại thì những tình tiết, câu chuyện, bối cảnh, ẩm thực, văn hóa trong bản gốc phải được thay đổi cho phù hợp, trở thành câu chuyện thuần Việt, gần gũi, chân thật và mang hơi thở thời đại, khán giả xem tin tưởng đó là câu chuyện xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi làm được những điều này, thì cũng chỉ mới giải quyết được câu chuyện làm phong phú món ăn tinh thần cho khán giả, điểm tô cho bức tranh phim Việt thêm đa màu sắc. Bởi một khi phim remake trở thành dòng phim lấn át phim thuần Việt, thì liệu chúng ta nên mừng hay lo? Trước thực tế ngày càng bùng nổ phim Việt hóa, một đạo diễn hốt hoảng thốt lên rằng: Điều gì sẽ xảy ra nếu như phim Việt đa số chỉ là mua kịch bản gốc hoặc phiên bản phim nước ngoài? Câu trả lời là, phim remake chỉ là giải pháp tình thế, không thể trông vào đó để phát triển cho thị trường phim Việt. Nhiều người trong giới vẫn chờ mong và tin rằng đến lúc Việt Nam sẽ có nhiều biên kịch giỏi, tài năng thì phim Việt hóa sẽ phải “nhường sân”, thậm chí các nước sẽ mua kịch bản từ phim ta.


THÙY TRANG 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top