Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Xem phim trực tuyến mùa Covid-19: Nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền

Thứ Tư 22/04/2020 | 10:31 GMT+7

VHO-Nhu cầu thưởng thức các loại hình giải trí trực tuyến tăng mạnh trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là nhu cầu xem phim của người dân trong những ngày giãn cách xã hội. Sự phổ biến ngày càng rộng rãi của các dịch vụ truyền hình trực tuyến cho thấy người Việt đang sẵn sàng chi tiền cho việc thưởng thức các nội dung chất lượng, có bản quyền.

Phim “Em chưa 18” được quảng bá trên kênh truyền hình trực tuyến có bản quyền Netflix thời gian qua đã thu hút

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng tìm cách để được xem lậu những bộ phim không có bản quyền, dù chất lượng kém và kèm theo nhiều quảng cáo “bẩn”.

Người tiêu dùng sẵn sàng trả phí bản quyền?

Chuyện lẽ ra là đương nhiên, nhưng vẫn là một vấn đề nan giải khi tại Việt Nam, vấn nạn xâm phạm bản quyền xảy ra như cơm bữa. Xem “chùa”, xem lậu… được không ít người coi như một thói quen.

Thực tế cho thấy các nền tảng phim online đang được ưa chuộng trong bối cảnh phải thực hiện cách ly xã hội. Ở nhà nhiều nên người tiêu dùng chủ yếu sử dụng các dịch vụ này từ nhà riêng, số liệu thống kê lên tới 97%, theo khảo sát của Q&Me. Trong số các loại hình giải trí trực tuyến được ưa chuộng, phim điện ảnh, phim truyền hình dài tập có số lượng người xem cao nhất. Truyền hình trực tuyến tăng trưởng mạnh rõ ràng là xu thế khi các rạp chiếu phim đã đóng cửa. Tình hình này cũng khiến các nhà sản xuất, phát hành buộc phải đổi mới phương thức chiếu phim bằng cách khai thác trên các nền tảng số thay vì chờ đợi các rạp hoạt động trở lại.

Giới chuyên môn cho rằng, dịch bệnh thách thức hệ thống phát hành phim truyền thống nhưng mở ra cơ hội cho hình thức phát hành phim thông qua các nền tảng số hóa. Ở thị trường quốc tế, hàng loạt các phim đã ra rạp từ trước cũng đã được đưa lên mạng và dịch vụ xem truyền hình theo yêu cầu mà không cần chờ đến 90 ngày (3 tháng) như trước đây. Khán giả chỉ cần trả phí từ 18-20 USD cho các nền tảng mạng Netflix, Amazon’s Prime Video, Apple TV Plus, Google Play, YouTube, Fandango, Vudu... sẽ có 48 giờ thưởng thức nhiều bộ phim mới. Không chỉ đưa các phim điện ảnh đã chiếu rạp gần đây lên nền tảng số có thu phí, một số hãng sản xuất còn đưa cả phim mới, chưa từng phát hành ở các rạp lên mạng như một cách chống thất thu.

Rõ ràng đây là cơ hội có một không hai cho các loại hình giải trí phim ảnh trực tuyến có thu phí. Theo tính toán của giới chuyên môn, xu hướng hiện nay cho thấy, kể cả sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, thị trường phim trên nền tảng số sẽ tiếp tục ngày càng được mở rộng. Việc gia tăng lượng khán giả sẽ giúp cho nhà sản xuất mở rộng nguồn thu ở thị trường này. Đây cũng là xu thế phát triển của ngành điện ảnh thế giới mà Netflix là tiên phong. Hiện những trang phim thu phí trong nước như Film+, Danet, FPT, Clip TV... và các trang lớn Netflix, Iflix có nhiều gói thu phí khác nhau, thấp nhất từ 50 ngàn đồng/tháng.

Mặc dù số lượng khán giả sẵn sàng trả phí bản quyền để xem phim chất lượng cao đang tăng nhưng mọi chuyện không hoàn toàn theo chiều hướng thuận lợi, khi việc chấp nhận chi tiền để xem phim có bản quyền vẫn chưa là thói quen của số đông người tiêu dùng. Giai đoạn đầu khi thực hiện tại Việt Nam, những trang phim thu phí rất chật vật vì người Việt vốn từ xưa đến nay đã quen xem miễn phí. Một số khảo sát cũng cho thấy tình hình này đang dần được cải thiện, trong một vài năm gần đây, thói quen trả tiền để có thể thưởng thức các nội dung giải trí có chất lượng của khán giả đang tăng dần lên.

Nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền từ mỗi cá nhân

Thông tin 12 bộ phim Pháp có bản quyền được trình chiếu miễn phí cho khán giả Việt trong một tháng là một tin vui cho những tín đồ phim ảnh trong những ngày “ai ở đâu ngồi yên ở đó”. Viện Pháp tại Việt Nam và Công ty BHD hợp tác đưa đến cho khán giả cơ hội trải nghiệm miễn phí 12 tác phẩm điện ảnh Pháp, phụ đề tiếng Việt trên DANET- hệ thống xem phim trực tuyến VOD với bản quyền chính thức trong suốt cả tháng, kết thúc vào ngày 30.4.

Tuy nhiên, cơ hội được xem miễn phí những bộ phim có bản quyền như vậy không nhiều. Việc phải móc hầu bao để có thể xem lâu dài các bộ phim yêu thích vẫn là lựa chọn duy nhất dành cho công chúng. Bên cạnh đó, tại thị trường phim Việt hiện nay, sau khi các rạp chiếu tạm đóng cửa, các hãng phát hành gần như ít có kế hoạch đưa phim mới lên mạng với lí do phía sản xuất bán bản quyền là để chiếu rạp chứ không chiếu trên các nền tảng khác. Một vấn đề đặt ra là phim Việt hoàn toàn có thể được đưa lên nền tảng số thu phí sớm hơn bình thường nếu nhà sản xuất đạt được thỏa thuận mua bán bản quyền cùng các nền tảng này. Mặt khác, phần lớn các trang phim Việt có thu phí hiện vẫn cần được hỗ trợ nguồn kinh phí để duy trì mà chưa thể tự hoạt động nhờ vào nguồn thu từ số lượng người đăng ký còn hạn chế. Mức phí thu thấp, nguồn quảng cáo không đáng kể, kho phim chưa phong phú…, nhiều vấn đề đặt ra để các nền tảng phim trực tuyến chính thống phải khắc phục để có thể thuyết phục người xem chịu chi trả.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh yếu tố chính thuyết phục người xem là chất lượng và số lượng phim được cập nhật trên các nền tảng trực tuyến thì vẫn có một chướng ngại vật tồn tại lâu nay, đó là ý thức tôn trọng bản quyền. Một khảo sát nhỏ do phóng viên Văn Hóa thực hiện cho thấy, số người chịu chi tiền để xem phim có bản quyền không nhiều bởi đa số khán giả cho rằng nếu vẫn có thể xem phim không mất tiền, dù có quảng cáo chen ngang, chất lượng phát không ổn định… thì vẫn hơn việc phải trả một khoản tiền để được xem phim trên các kênh có bản quyền chính thức.

Trong bối cảnh người người, nhà nhà vi phạm quyền tác giả như một thói quen, không dễ thay đổi trong một sớm một chiều, các chuyên gia bản quyền cho rằng, công cuộc chiến đấu gian nan với vấn nạn này vẫn còn dài, mà một trong những yếu tố then chốt có thể tạo nên thay đổi chính là việc nâng cao nhận thức từ mỗi cá thể. Vấn đề này đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đề cập tại nhiều hội thảo. Theo đó, hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan đã từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực thi trong nước và quá trình hội nhập quốc tế. Các cam kết tham gia các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam và các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang từng bước được thực hiện, bảo vệ được quyền lợi của công dân Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ pháp lý quốc tế khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra ở các lĩnh vực với những hình thức và mức độ vi phạm khác nhau. Vì vậy, ngoài các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, đẩy mạnh giải pháp công nghệ thì còn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền từ mỗi người dân...”, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cho biết. 

 TÂM ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top