Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

11 niềm hy vọng: Hiếm nhưng... chưa thuyết phục

Thứ Sáu 11/05/2018 | 10:17 GMT+7

VH- 5 năm hoàn thiện kịch bản; 4 năm cho giai đoạn tiền kỳ và hậu kỳ; 26 tỉ đồng sản xuất… là những con số đủ nói lên tâm huyết của ê kíp sản xuất 11 niềm hy vọng ở một đề tài “xương” trong điện ảnh- bóng đá. Vì “xương” nên là “của hiếm” nhưng lại chưa đủ độ kết dính để làm nên một bộ phim chặt chẽ về logic, kịch tính về số phận và độ “máu lửa” cần có ở đề tài liên quan đến môn thể thao vua có sức thu hút hàng triệu người.

Phim mở đầu bằng trận chung kết giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan. Đáp lại sự hân hoan, chờ đợi chiếc cup của người hâm mộ, đội tuyển VN đã “thất thủ” giữa tin đồn bán độ. Nhân vật chính - Phong (Nhan Phúc Vinh), lúc đó là một cậu bé mê bóng đá đã rơi nước mắt cùng hàng triệu người dân VN trước thất bại của đội nhà. Thất vọng vì trận đấu, bố Phong (Công Ninh) - một cựu cầu thủ bóng đá đã cấm con vĩnh viễn không được chạm vào trái bóng. Đam mê bóng đá, Phong lén lút cùng Hùng (Hoàng Phi) tập luyện và tham gia đội bóng tỉnh ở vị trí đá dự bị. Một ngày nọ, Phong được chọn tham gia huấn luyện cho đội tuyển quốc gia. Cũng từ đó, Phong đối diện với những góc khuất phía sau cầu trường - nơi những cám dỗ vật chất luôn chờ chực.

Dõi theo bộ phim, 5 năm cho kịch bản lại thấy là chưa đủ. Cảm giác thiếu luôn xâm lấn người xem: Thiếu chi tiết đắt giá để tạo điểm nhấn trong cốt truyện; thiếu chiều sâu và độ kết dính để tạo sự chặt chẽ, dồn nén kịch tính, dẫn đến số phận nhân vật mỏng; cá tính không sắc nét; sự đối trọng về cá tính, số phận giữa hai tuyến nhân vật mờ nhạt. Người xem cảm nhận tình yêu bóng đá và năng lực chuyên môn của nhân vật Phong thông qua lời thoại. Những vấn đề tiêu cực trong bóng đá như dàn xếp tỉ số, bệnh ngôi sao của các cầu thủ… cũng chỉ được bộc lộ chủ yếu qua lời thoại. Người xem chưa cảm được tình yêu cháy bỏng với bóng đá của nhân vật chính; chưa thấy những nỗ lực vượt bậc để vươn lên của Phong từ vị trí đá dự bị lên đá chính ra sao. Trong nhiều tình huống, xử lý của đạo diễn khá non, như việc giải oan cho Phong khỏi “nghi án” gian lận tuổi; Nhung (con gái huấn luyện viên - Rima Thanh Vy đóng) đến quán bar để tìm chứng cứ dàn xếp tỉ số của một số cầu thủ với nhóm cá độ bóng đá, bị phát giác và rơi vào nguy hiểm; Phong đến quán bar cứu Nhung, sẵn sàng hy sinh đôi chân cầu thủ để cứu Nhung và bất ngờ công an ập đến bắt giữ nhóm cá độ… Do thiếu tình tiết tạo nút thắt kịch tính, việc cởi bỏ nút thắt cũng dễ dàng theo lối hiền lành mang tính ngẫu nhiên khiến bộ phim bị trôi đi trong sự bàng bạc, nhàn nhạt. Ba “ngôi sao sân cỏ” một thời của bóng đá Việt là Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn và Phan Văn Tài Em cũng xuất hiện trong phim nhưng khá mờ nhạt, không góp công trong việc làm tăng chất lượng phim.

Bộ phim chỉ thực sự sống động và cuốn hút người xem ở 12 phút cuối tái hiện trận chung kết giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan với cầu trường rực đỏ màu cờ cùng sự cuồng nhiệt của hàng chục ngàn khán giả. Đây là cầu trường được quay thực và lồng ghép vào phim. Cảm xúc thật của người hâm mộ trong một trận đấu thực tế đã tạo hiệu ứng đẩy cảm xúc của khán giả trong 12 phút cuối lên cao. Do bị phát giác bán độ, Nam (Hiếu Nguyễn) và Bắc bị loại khỏi đội hình thi đấu. Sự nỗ lực của Phong không cứu được đội tuyển Việt Nam trước thất bại áp sát. Chứng kiến tinh thần thi đấu kiên cường vì dân tộc của đồng đội, trong giây phút “ngàn cân treo sợi tóc” của đội tuyển, Nam và Bắc đã xin được thi đấu để lấy lại niềm tin ở người hâm mộ. Ba con người, vốn thuộc hai tuyến nhân vật đối lập về cá tính, quan điểm sống trong phim: Phong- Nam-Bắc đã hòa làm một với tinh thần quyết đấu vì danh dự của đất nước. Bắc “thủ môn bất đắc dĩ” được đưa vào sân đã đẩy được trái bóng “tử” của đội Thái Lan, tạo cơ hội cho Nam dẫn bóng, đưa bóng đến chân sút của Phong. Cú sút bất ngờ của Phong khiến cả cầu trường choáng váng. Cảm xúc vỡ òa. Đó chính là cảm xúc thật từ khán đài rực đỏ trong trận Việt Nam thắng Thái Lan giành HCV trong quá khứ.

Có thể nói, từng thước phim ở 12 phút cuối đã cho khán giả được dịp thưởng thức lại những trận cầu máu lửa nhất, hào hùng nhất trong lịch sử thi đấu của đội tuyển nước nhà. Những khoảnh khắc lịch sử của nhiều thế hệ bóng đá Việt Nam xuất hiện ở cuối phim, những giây phút hào hùng cùng những cái tên như đã trở thành huyền thoại lần lượt được vang lên, khiến người xem nổi da gà.

Xét về nghệ thuật, 11 niềm hy vọng (công chiếu toàn quốc từ ngày 11.5) còn nhiều khiếm khuyết nhưng nó vẫn là bộ phim đáng xem, đáng trân trọng về tâm huyết và nỗ lực của những người thực hiện. Đạo diễn Hồng Ngân, vốn được coi là một trong số ít đạo diễn làm phim đề tài thể thao và thành công ở mảng đề tài này cho biết: “Cái khó của làm phim thể thao là làm sao dựng được những cảnh diễn đậm chất chuyên môn, trong đó diễn viên phải có tố chất thể thao để diễn như thật. Với phim về đề tài bóng đá dựng được đại cảnh thi đấu tạo được cảm xúc cho người xem là rất khó. Tôi chưa xem bộ phim 11 niềm hy vọng nên không đưa ra đánh giá về chất lượng phim nhưng nếu khán giả thật sự xúc động cho dù chỉ là 12 phút cuối phim cũng là một nỗ lực đáng trân trọng của toàn ê kíp và cá nhân đạo diễn Robie Trường”. 

 ​ Tại buổi ra mắt phim, đạo diễn Robie Trường và ê kíp đã bật mí về kỹ thuật quay “đóng băng trên không” tạo một hiệu ứng mạnh về thị giác khiến người xem có cảm giác con người và cảnh vật xung quanh đều bất động và chỉ có máy quay đang quay vòng quanh chủ thể. Kỹ thuật táo bạo này được áp dụng cho một cảnh quay đặc biệt với cú vô lê mang tính biểu tượng do Nhan Phúc Vinh đảm nhận.

 NGUYỆT NHI

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top