Trọng dụng "nhân tài" ở Đà Nẵng:​ “Nếu là tôi, tôi sẽ không hoàn lại tiền vì TP vi phạm trước”

VH-Lần đầu tiên TP Đà Nẵng tổ chức gặp mặt với các học viên thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) do Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cùng ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng chủ trì, diễn ra vào cuối tuần qua.

Trọng dụng

 Các học viên bày tỏ nguyện vọng tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP Đà Nẵng

 Trong buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh với các “nhân tài”: “Khi đã dấn thân vào đề án thì các học viên phải xác định là cống hiến. Đừng đứng núi này trông núi nọ. Đi làm nhưng thấp thỏm, luôn luôn liếc nhìn cơ hội khác là không ổn”. Cũng theo ông Thơ, hiện nay có nhiều “nhân tài” làm việc với động cơ chưa trong sáng, chưa tâm huyết, chưa thực sự dấn thân. “Các bạn thuộc diện ngân sách thành phố (TP) bỏ kinh phí ra để đào tạo từ bậc đại học đến tiến sĩ, ra trường được vào vị trí ngay. Ngoài việc học hành giỏi giang thì các bạn cũng cần nghĩ rằng đây là một chính sách đặc biệt của TP, các bạn cần có một thái độ khác chứ không phải như công chức, viên chức bình thường trong bộ máy hành chính”, ông Thơ nhấn mạnh.

Về phía các học viên, các ý kiến đều cho rằng thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu của họ về công tác tổ chức cũng như nhu cầu thiết yếu nhất như nhà ở, chung cư. Có những điều từ thực tế khác với các điều khoản trong hợp đồng khiến cho nhiều học viên hết sức lúng túng. Học viên Lê Hữu Thành (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, bản thân anh cũng như nhiều học viên khi trở về TP là đã xác định sẽ cống hiến nhưng nhiều người lại không được bố trí công việc kịp thời, công bằng nên tỏ ra nản chí. “Dư luận cho rằng nhiều học viên đang phản bội vì TP đã chi tiền cho đi học nhưng lại không về làm. Tuy nhiên, bản chất là một hợp đồng lao động, có yêu cầu đầu ra… Khi chúng tôi về thì TP cần bố trí công việc phù hợp với năng lực. Lương bổng không quan trọng bằng giao công việc gì cho chúng tôi. Đó là điều quan trọng nhất chứ không phải chức vụ và lương bổng”.

“Tạo điều kiện cho các học viên an cư thì mới lạc nghiệp, cống hiến. Khi ký hợp đồng, thành phố có điều khoản tạo điều kiện cho thuê chung cư nhưng không buộc phải có gia đình, là hộ nghèo… Học viên về công tác có nhu cầu thuê nhà chung cư thì Sở Xây dựng lại yêu cầu các tiêu chí trên. Việc cấp nhà chung cư là rất cần cho các học viên ngoại tỉnh về Đà Nẵng”, học viên Nguyễn Thị Liên, công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP cho biết là đã trao đổi nhiều lần với Sở Xây dựng về vấn đề này nhưng vẫn không được giải quyết. “Vừa rồi một loạt bác sĩ xin ra khỏi đề án, nhiều bạn đã hoàn tiền cho thành phố. Nếu là tôi, tôi không hoàn tiền cho thành phố vì thành phố vi phạm hợp đồng trước. Đề nghị Chủ tịch TP chỉ đạo xử lý việc này”, ông Chiến nói.

Bên cạnh đó một số học viên bày tỏ sự lo lắng khi học viên thì nhiều trong khi biên chế lại ít. Nhiều học viên hiện chưa được vào biên chế thế nhưng đã có thông báo cuối năm 2018 các đơn vị phải chấm dứt hợp đồng tại cơ sở hành chính. Nếu luân chuyển chỗ làm thì sẽ không phù hợp với chuyên ngành mà các học viên đã được đào tạo. Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng thừa nhận, câu chuyện biên chế thực sự đang rất nan giải và hiện nay còn khoảng 50 học viên thuộc đề án chưa vào công chức, 105 người chưa vào viên chức. “Trong năm nay sẽ có chỉ tiêu khoảng 70, 80 người vào viên chức. Chúng tôi rất mong muốn các bạn học viên đề án sẽ thi vào. Còn chỉ tiêu viên chức thì vẫn còn đủ sức giải quyết cho tất cả”, ông Đồng cho biết.

Sau khi nghe tâm tư, nguyện vọng của các học viên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, trong hợp đồng với học viên có cho thuê chung cư nhưng lại áp dụng chính sách chung của thành phố là không đúng. Do đó cần nghiên cứu và điều chỉnh chính sách. “Số lượng chung cư cũng không còn nữa. Nếu có nhu cầu thật sự chính đáng thì tiếp tục xây dựng. Vấn đề này sẽ được báo cáo sớm trong tuần tới”, ông Thơ nói và cho biết TP có thể sẽ dành lô đất 5.000m2 làm khu chung cư cho “nhân tài”. Yêu cầu giám đốc Sở, ngành, quận huyện phải có đề án, trong đó có những đề xuất liên quan đến tuyển dụng, bố trí, quản lý… các học viên đề án tại cơ quan mình.

“Các ngành quản lý phải có sự trọng dụng nhân sự một cách công bằng, khôn khéo thì mới mang lại hiệu quả cho thành phố nói chung và các “nhân tài” nói riêng. Nếu các “nhân tài” chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết, thỏa đáng thì sẽ phát sinh tâm lý tiêu cực, không muốn cống hiến, gây thiệt hại cho thành phố, bởi vì ở thời điểm hiện tại thành phố dám bỏ ra hàng tỉ đồng cho một học viên đi học thì không phải là dễ”, ông Thơ kết luận. 

 ​Cần phải làm gì?

Hiện nay, chỉ có TP Hồ Chí Minh được Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế, chính sách riêng để trả lương cho cán bộ, công chức cao hơn những tỉnh, thành khác. Một số địa phương cũng ban hành các ưu đãi nhưng không đều chỉ thực hiện theo từng giai đoạn, không liên tục gây nghi ngờ cho những người tham gia đề án thu hút nhân tài.

Theo chúng tôi, để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chính sách thu hút, giữ chân nhân tài cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp một cách minh bạch, công bằng để tìm ra những người thật sự có tài, có đức. Tiếp đó, giải quyết nghỉ hưu trước tuổi cho những người đã lớn tuổi nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới. Như vậy, nhằm tạo chỗ trống để tuyển dụng những người đang hợp đồng vào biên chế và giúp họ có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Thứ hai, các ưu đãi “cứng” như lương, phụ cấp... khó thực hiện, đáp ứng trong giai đoạn hiện nay, vì vậy có thể thực hiện ưu đãi “mềm” để giữ chân, thu hút “nhân tài”. Theo đó, bố trí nhà ở hoặc cho vay vốn ưu đãi để mua nhà, xây dựng nhà trẻ, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho bố mẹ, con cái “nhân tài”... Như vậy, vừa giúp họ yên tâm công tác mà còn tạo điều kiện để họ toàn tâm, toàn ý cống hiến cho địa phương nơi mình gắn bó.

Thứ ba, cơ quan chức năng phải cam kết thực hiện cơ chế chính sách lâu dài, liên tục trong thu hút, giữ chân “nhân tài”. Tuyệt đối không thực hiện theo “tư duy nhiệm kỳ”, thường xuyên thay đổi chính sách, chế độ. Điều này không những gây khó khăn cho những người tham gia đề án về đào tạo, thu hút nhân tài mà còn ảnh hưởng đến cả sự phát triển của địa phương, đơn vị vì người tài mất niềm tin.

“Nhân tài là nguyên khí quốc gia”, ở các nước tiên tiến, phát triển trên thế giới đều dựa vào người tài để phát triển đất nước hưng thịnh. Vì vậy, không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương khác cũng cần có chính sách thu hút, giữ chân “nhân tài” nhằm góp phần xây dựng đất nước “sánh vai cùng cường quốc năm châu” như Bác Hồ từng mong muốn.

ThS PHẠM VĂN CHUNG

 MINH CHÂU

 

 

Ý kiến bạn đọc