Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng các giải pháp cho thị trường vàng

TẠ DŨNG; ảnh: NGÔ HẢI

VHO - Ngày 19.4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I.2024. Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẵn sàng triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu.

Sẵn sàng đấu thầu vàng miếng SJC trong tuần tới

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo, trong đó có nguyên nhân: Các nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng đô la Mỹ giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng; ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng; tâm lý lo ngại tình hình xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông… Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng các giải pháp cho thị trường vàng - ảnh 1

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Họp báo

Về các giải pháp quản lý thị trường vàng, NHNN đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu. Đồng thời, NHNN cũng đang xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24).

Làm rõ hơn các câu hỏi liên quan đến quản lý thị trường vàng của các phóng viên nêu tại buổi họp báo, ông Đào Xuân Tuân, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cho biết, triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC.

"Ngay chiều 19.4, NHNN sẽ thông báo chủ trương đấu thầu vàng tới 15 đơn vị đủ điều kiện để có sự chuẩn bị đấu thầu ngay trong ngày thứ Hai tuần tới”, ông Đào Xuân Tuấn cho biết.

Đối với chính sách quản lý thị trường vàng, ông Tuấn cho biết, NHNN đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Tổng kết Nghị định 24. Tại tờ trình, NHNN và các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp với thực tế.

Với câu hỏi về việc NHNN có tính tới cho nhập khẩu vàng nguyên liệu hay không, ông Đào Xuân Tuấn cho biết, các doanh nghiệp sản xuất có đơn hàng xuất khẩu vẫn được nhập khẩu vàng nguyên liệu và điều này cũng được quy định rõ tại Nghị định 24. Còn đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ trong nước, Vụ Quản lý ngoại hỗi sẽ tổng hợp các ý kiến, đánh giá lại và có báo cáo với lãnh đạo NHNN xem xét.

“Vai trò quản lý thị trường vàng không chỉ riêng NHNN, mà là trách nhiệm chung của các bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Tài chính…. Do đó, để thị trường phát triển lành mạnh, ổn định cần có các giải pháp phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan”, ông Đào Xuân Tuấn bày tỏ.

Định hướng điều hành thời gian tới

Trước diễn biến từ thị trường, cùng với những biến động khó lường từ thị trường thế giới, thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Cụ thể: Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng phù hợp với Luật Các TCTD năm 2024. Rà soát, đánh giá và đề xuất Chính phủ để xem xét kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng các giải pháp cho thị trường vàng - ảnh 2
Quang cảnh họp báo

Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030;.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và NHNN) triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 689/QĐ-TTg; Theo dõi, giám sát tình hình nợ xấu của hệ thống các TCTD…

Ý kiến bạn đọc