Người trẻ “se sợi kết tâm” cho hát Bội

VHO- Trong bối cảnh hiện nay, hát Bội cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác đang rơi vào tình trạng mai một vì không còn nhiều người theo đuổi, truyền bá và gìn giữ. Việc bảo tồn vốn đã loay hoay, việc quảng bá lại càng khó trăm bề khi không ít ý kiến cho rằng: Thời này ai còn xem hát Bội? Hát Bội đã hết thời…!

Người trẻ “se sợi kết tâm” cho hát Bội - Anh 1

 Nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP.HCM hỗ trợ nhóm sinh viên làm phim ngắn “Trăm năm một cõi”

 Ấy thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn nhiều bạn trẻ đang cố gắng, nỗ lực cùng chung tay lan tỏa để nghệ thuật hát Bội đến gần hơn với công chúng.

Lưu giữ mạch nguồn truyền thống

Hát Bội xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỷ XII. Trong các loại hình giải trí như Đờn ca tài tử, Cải lương… thì hát Bội ra đời sớm nhất, có yêu cầu khó nhất và có tính nghệ thuật cao, thế nhưng lại đang đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu khán giả, thiếu nguồn nhân lực. Tuy nhiên, những giá trị của nghệ thuật hát Bội vẫn mãi còn đó và không thể mất đi một cách dễ dàng. Với mong muốn bảo tồn và gìn giữ di sản nghệ thuật độc đáo này và trên hết là hành trình mang hát Bội song hành cùng thế hệ trẻ, nhóm sinh viên Đại học FPT TP.HCM thuộc dự án Se sợi kết tâm đã ấp ủ ý định thực hiện loạt hoạt động với tên gọi Trăm năm một cõi.

Bạn Nguyễn Hữu Trường, Trưởng dự án Se sợi kết tâm cho biết, được tìm hiểu tài liệu, được nghe những nghệ nhân lão làng kể về hát Bội và nỗi đau đáu khi không còn nhiều người muốn nối nghề, nhóm đã ấp ủ ý định thực hiện dự án quảng bá, thay đổi nhận thức của người trẻ về loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, nhóm cũng từng có trải nghiệm tiếp xúc với nghệ thuật hát Bội qua các môn học, các sự kiện do trường tổ chức, từ đó dần hình thành mối quan tâm và động lực để các bạn theo đuổi dự án.

Hoạt động chính của Se sợi kết tâm là công chiếu bộ phim ngắn mang tên Trăm năm một cõi có chủ đề liên quan đến hát Bội và hành trình kết nối giữa các thế hệ. Đó là câu chuyện về phía sau cánh màn sân khấu, về hai chữ “kế thừa”, những thắc mắc lựa chọn nghề gia truyền, những kỳ vọng ở thế hệ trước gửi lại thế hệ sau. Phim có sự quy tụ những nghệ sĩ lão làng trong lĩnh vực hát Bội như: Nghệ sĩ Bảo Châu, Hoàng Tuấn; diễn viên Trịnh Tấn, Ngọc Quyên... cùng sự phối hợp của Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP.HCM. Bên cạnh đó, triển lãm cùng tên sẽ mang đến cho khán giả cảm nhận chân thật, gần gũi nhất với nghệ thuật hát Bội qua những sản phẩm như trang phục, mặt nạ; Gánh hát lưu diễn muôn phương với tập sách ảnh cùng tên; những tác phẩm của nền tảng giáo dục Vang vọng trống chầu và sản phẩm Bội ký của bạn trẻ Nguyễn Phương Vy…

Có thể thấy, từ sự rung cảm trước loại hình âm nhạc dân tộc, người trẻ đã và đang nỗ lực mang đến những góc nhìn mới để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng.

Mưa dầm ắt sẽ thấm lâu

Rõ ràng, hát Bội vẫn đang nỗ lực hết mình để tìm đến khán giả qua những cố gắng “trẻ hóa” như: Đơn giản Hán văn, chỉ dùng từ thuần Việt, tiết chế tính dài dòng của vũ đạo, đẩy nhanh tiết tấu vở diễn, sáng tác thêm nhạc nền, thêm tính thể nghiệm... Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP.HCM cho rằng, việc quảng bá, truyền thông là công tác rất quan trọng để có thể giới thiệu hát Bội đến với công chúng. Chính vì thế, Nhà hát luôn “mở cửa” với các dự án của các bạn trẻ, để lan truyền hình ảnh của hát Bội, với hy vọng ngày càng có nhiều người biết và nhớ đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Đúng là trong bối cảnh hiện nay, hát Bội cũng như một số loại âm nhạc cổ truyền khác đang rơi vào tình trạng mai một vì không còn nhiều người theo đuổi, truyền bá và gìn giữ. Tuy nhiên, với nhiều hoạt động giới thiệu, đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng được thực hiện bởi chính những người đầy tâm huyết thời gian gần đây đã phần nào “xoa dịu” nỗi trăn trở của các nghệ sĩ lành nghề.

Là người theo sát các bạn sinh viên từ ngày đầu bắt tay vào chuỗi hoạt động Trăm năm một cõi, cô Nguyễn Trần Lê Anh, giảng viên ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện, Đại học FPT TP.HCM cho biết: “Trong lòng một trường đại học về công nghệ như FPT, với những ứng dụng hiện đại thì giá trị truyền thống vẫn luôn được giữ gìn và phát huy. Chính vì thế, nhà trường và các giảng viên luôn hỗ trợ các bạn trẻ trong những dự án phi lợi nhuận nhằm mục đích bảo tồn văn hóa. Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng mong rằng dự án lần này sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa, để qua đó loại hình nghệthuật truyền thống hát Bội được quảng bá rộng rãi đến với công chúng, đến với các bạn trẻ và xa hơn nữa là bạn bè quốc tế”.

Trên thực tế, để việc quảng bá hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh thì hành động của một nhóm, một đơn vị là chưa đủ. Nhiều năm qua, TP.HCM cũng đã đưa hát Bội biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật, văn hóa lớn hay tại các trường học. Còn về các dự án lan tỏa, đa phần đều do sinh viên hoặc các bạn trẻ thực hiện, có thể vì sự yêu thích cá nhân hay phục vụ cho một môn học nào đó. Tuy nhiên, công tác truyền thông, quảng bá nhìn chung vẫn còn yếu. Vì thế, để hát Bội cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác có sức sống lâu bền, cần phải có kế hoạch dài hơi để các cấp, các ngành cùng tham gia. Và chúng ta cũng hãy tin tưởng rằng, một khi người trẻ đã chịu tìm hiểu, đồng hành thì họ sẽ góp phần rất lớn làm cho nghệ thuật hát Bội không bao giờ bị lãng quên. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc