Cầu truyền hình trực tiếp Bản hùng ca bất diệt : Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử

VHO- Hôm nay 19.7, sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt Bản hùng ca bất diệt do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức, được truyền hình trực tiếp tại hai điểm cầu Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nghĩa trang liệt sĩ A1 (TP Điện Biên Phủ, Điện Biên), nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023).

Cầu truyền hình trực tiếp Bản hùng ca bất diệt : Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử - Anh 1

 “Bản hùng ca bất diệt” là biểu hiện của văn hóa tri ân, là khúc tráng ca kính dâng các Anh hùng liệt sĩ

Dự kiến tham dự Chương trình có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ VHTTDL; đại diện các Ban, Bộ, ngành và đặc biệt là những cựu tù Côn Đảo...

Những đài hoa trên đất nước anh hùng

Trải qua muôn vàn gian khổ, nhiều thương bệnh binh trở về cuộc sống đời thường với những vết thương đến nay vẫn còn nhức nhối. Song với phẩm chất cao quý của anh Bộ đội Cụ Hồ, họ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, viết tiếp hành trình sống lạc quan, cống hiến, có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Bản hùng ca bất diệt là chương trình nghệ thuật được tổ chức thường niên do Bộ VHTTDL chủ trì, nhằm tri ân công ơn các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với thời lượng dự kiến khoảng 90 phút, Bản hùng ca bất diệt gồm phần lễ: Tiếng chuông tưởng niệm, thắp nến tri ân; Phần nghệ thuật với ba chương: Việt Nam máu và hoa; Những cánh hoa bất tử; Khúc tráng ca hòa bình. Sân khấu thiết kế theo hình cánh hoa sen, nhằm tôn vinh tinh thần người lính như “một đài hoa trên đất nước anh hùng”. Cánh hoa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” chính là tinh thần của người lính giữa tận cùng của chiến tranh tàn khốc, vẫn rạng ngời nhân cách cao đẹp.

Những ca khúc với ca từ như có “lửa”, có “thép”: Linh thiêng Việt Nam (sáng tác Lê Quang), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn), Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho), Những ngôi sao ban chiều (Đinh Tiến Hậu), Cỏ non Thành Cổ (Tân Huyền), Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến), Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương), Lá cờ (Tạ Quang Thắng), Hát về anh (Thế Hiển)... với sự thể hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Phạm Phương Thảo, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Võ Hạ Trâm... sẽ khắc họa sức mạnh của lòng quả cảm, ý chí chiến đấu và lý tưởng cao đẹp của những người lính sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Sức mạnh của cả một thế hệ anh hùng đã làm nên những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc. Các tiết mục thể hiện sự thành kính của chúng ta hôm nay gửi gắm, dâng lên thế hệ cha anh đi trước những cánh hoa tươi thắm. Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử sẽ mãi âm vang, lắng đọng trong tâm khảm người Việt Nam.

Ca sĩ Tùng Dương xúc động chia sẻ, mỗi khi hát những ca khúc về người lính thì cảm xúc trong anh luôn được thăng hoa. Không nhớ đã từng đứng trên bao nhiêu sân khấu, hát bao nhiêu khúc tráng ca, nhưng với Tùng Dương, đó luôn là những xúc cảm và niềm kính trọng thiêng liêng. “Năm nào cũng vậy, vào dịp tháng 7 tôi đều được mời tham gia các chương trình nghệ thuật tri ân những anh hùng, liệt sĩ. Đây thực sự là món quà âm nhạc ý nghĩa dành tặng cho người thân, nhất là những cựu chiến binh đã trải qua một thời đạn bom, máu lửa…”, Tùng Dương tâm sự.

Tham gia chương trình với các ca khúc Tổ quốc gọi tên mình, Bác đang cùng chúng cháu hành quân Tiến bước dưới quân kỳ, NSƯT Đăng Dương cho biết, được góp giọng trong Bản hùng ca bất diệt diễn ra tại Côn Đảo lần này là một vinh dự, một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời anh, bởi đây là lần đầu tiên anh ra Côn Đảo, vùng đất ghi dấu sự kiên cường, bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Với những cựu tù chính trị Côn Đảo, đây là nơi lưu giữ “vết son” những tháng năm hoạt động cách mạng đã hằn sâu trong tâm thức. Ở đó, có ký ức về một thời bi thương mà hùng tráng và sống mãi tình đồng đội sâu nặng, thiêng liêng…

Cầu truyền hình trực tiếp Bản hùng ca bất diệt : Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử - Anh 2

 Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử sẽ mãi âm vang, lắng đọng trong tâm khảm người Việt Nam

Tự hào khi được đứng trên một sân khấu “đặc biệt”

Được thể hiện hai ca khúc Sen hồng hư không Vết chân tròn trên cát của nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Tùng Dương cho biết, anh cảm thấy rất tự hào và xúc động khi được đứng trên sân khấu “đặc biệt” tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, huyện Côn Đảo, cất lên tiếng hát tri ân và tỏ lòng biết ơn tới các Anh hùng, liệt sĩ. Hai ca khúc sẽ được phối mới, tạo nên không khí thiêng liêng, bi tráng, gợi nhớ, gợi thương và mang nhiều xúc động. “Được hát cho tất cả các Anh hùng liệt sĩ cùng nghe, đó sẽ là khoảnh khắc có một không hai trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Sự tàn khốc của chiến tranh, những đau thương mất mát và sự hy sinh anh dũng của những người lính quả là lớn lao, cả dân tộc của chúng ta phải luôn luôn tôn vinh và ngợi ca. Là người nghệ sĩ, người con của đất Việt sống trong thời bình, tôi sẽ luôn ghi nhớ và lan tỏa điều đó qua lời ca tiếng hát của mình”, ca sĩ Tùng Dương nói.

Vết chân tròn trên cát viết về những mất mát, đau thương của một vùng ký ức cháy bỏng với bức chân dung của người lính sau chiến tranh, trầm lắng nhưng vẫn lạc quan và không hề bi thương… Lần này, bản phối khí mộc mạc nhưng tha thiết sẽ ghi lại câu chuyện cuộc đời của những người đã gác lại hạnh phúc riêng tư để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. “Nếu được tận mắt nhìn thấy nhà tù Côn Đảo, chứng kiến “địa ngục trần gian” ngày xưa thì chúng ta mới thấy những chiến sĩ đã phải đau đớn như thế nào, nhưng họ vẫn rất kiên cường bảo vệ lý tưởng cách mạng. Ca khúc này tôi đã hát nhiều lần và lần nào cũng đều rất xúc động. Đặc biệt, lần này lại hát ngay tại Nghĩa trang Hàng Dương, trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ thì sẽ càng ý nghĩa hơn. Tôi cũng khá hồi hộp nhưng sẽ cố gắng kìm nén cảm xúc để thể hiện tốt nhất thông điệp của ca khúc”, Tùng Dương chia sẻ.

Để có thể thăng hoa, thể hiện sự chân thành, tôn kính nhất khi hát về người lính, Tùng Dương đã có những chuyến đi thực tế, trong đó có Côn Đảo, thăm các địa danh, di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của chiến sĩ, và tất cả những câu chuyện của lịch sử đã truyền cảm hứng rất lớn đối với anh. “Tùng Dương thường đứng rất lâu trước mộ của các chiến sĩ, đọc từng hàng chữ khắc trên bia đá, trong đó có rất nhiều ngôi mộ vô danh, để thấm thía hơn sự hy sinh thầm lặng mà bất diệt của họ. Đặc biệt, có lần đi hát ở Nghĩa trang Đường 9, Tùng Dương song ca với nhạc sĩ Trần Tiến và đúng lúc đó, hàng đàn đom đóm cứ lập lòe bay lượn. Nhạc sĩ Trần Tiến nghẹn ngào: Tôi nghĩ đó là những người bạn của tôi, họ hiện về, bay quanh tôi để nói chuyện với tôi. Cả trường quay và sân khấu đều lặng đi, bản thân Tùng Dương khi đó cũng không cầm được nước mắt”, nam ca sĩ kể.

“Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, khi đến Côn Đảo ai cũng muốn viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ yêu nước để thắp một nén tâm hương tưởng nhớ những người đã kiên cường trước đòn roi tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Lần này, tôi không chỉ được đến để dâng hương, mà đặc biệt hơn, tôi sẽ được tham gia vào một chương trình nghệ thuật đặc biệt, cất lên tiếng hát ngợi ca các anh hùng, liệt sĩ”, NSƯT Đăng Dương xúc động chia sẻ. 

 Được hát cho tất cả các Anh hùng liệt sĩ cùng nghe, đó sẽ là khoảnh khắc có một không hai trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Sự tàn khốc của chiến tranh, những đau thương mất mát và sự hy sinh anh dũng của những người lính quả là lớn lao, cả dân tộc của chúng ta phải luôn luôn tôn vinh và ngợi ca. Là người nghệ sĩ, người con của đất Việt sống trong thời bình, tôi sẽ luôn ghi nhớ và lan tỏa điều đó qua lời ca tiếng hát của mình.

(Ca sĩ TÙNG DƯƠNG)

 

 THANH NGỌC; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc