Định vị thương hiệu “điểm đến âm nhạc” hấp dẫn

VHO - Sở hữu nhiều không gian nghệ thuật chất lượng, hội tụ đông đảo đội ngũ chuyên gia, sáng tạo tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật, Hà Nội đã và đang có cơ hội trở thành “điểm đến âm nhạc” hàng đầu của giới nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Định vị thương hiệu “điểm đến âm nhạc” hấp dẫn - Anh 1

 Hà Nội trở thành điểm đến âm nhạc của các nghệ sĩ trong và ngoài nước Ảnh: ITN

Điểm đến đầy sức hút

Đầu tiên phải kể đến sự kiện ra mắt không gian âm nhạc với tên gọi Vườn âm nhạc (Music Garden) đặt tại khuôn viên Nhà hát Lớn Hà Nội hồi đầu tháng 3 vừa qua. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã chọn nơi đây để tổ chức các sự kiện quan trọng, như liveshow Tựa như gió phiêu du có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của nhạc sĩ Đức Trí; Một mình bao la kỷ niệm 30 năm làm nghệ thuật của nhạc sĩ Đỗ Bảo; đêm nhạc Tình nhớ của ca sĩ Hồng Nhung - Quang Dũng; đêm nhạc Người tình 4 của hai ca sĩ Bằng Kiều - Lệ Quyên…

Đã 17 năm kể từ liveshow đầu tiên Và con tim đã vui trở lại (2007), nhạc sĩ Đức Huy cho biết, liveshow riêng thứ hai Những gì đến tự nhiên của ông sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội vào ngày 11.5 tới. Theo đó, live concert sẽ gồm gần 30 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Đức Huy, tạo nên một cuộc đời âm nhạc rực rỡ, hào hoa và cũng rất phong trần, trong đó có nhiều ca khúc “để đời” được khán giả yêu thích và hát theo một thời như: Tiếng mưa đêm, Trái tim ngục tù, Như đã dấu yêu, Và con tim đã vui trở lại, Và tôi cũng yêu em, Mùa hè đẹp nhất, Đường xa ướt mưa… với sự góp mặt của các giọng ca Mỹ Linh, Bằng Kiều, Phương Vy, Nguyên Hà, Quốc Thiên.

Trong buổi giới thiệu liveshow tại Hà Nội, nhạc sĩ Đức Huy bày tỏ: “17 năm trước, tôi đã làm một đêm nhạc tại TP Hồ Chí Minh. Lần này, tôi chọn Hà Nội, đó là cái duyên và cũng là lựa chọn của ê kíp, nhà sản xuất, bởi Hà Nội ghi dấu rất nhiều trong trái tim tôi… Hát ở Trung tâm Hội nghị quốc gia với hàng nghìn khán giả, chúng tôi là nghệ sĩ, càng đông khán giả thì chúng tôi càng “cháy”, càng nhiều quý vị đến thì chúng tôi nhận được càng nhiều năng lượng”.

Trước đó, vào tối ngày 21.3, minishow Ly của ca sĩ Nguyễn Khánh Ly cũng diễn ra tại Skyline, 36A Hoàng Cầu, Hà Nội. Đây là đêm nhạc riêng đầu tiên sau 20 năm theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp của giải Ba Sao Mai 2011, đồng thời đánh dấu quyết tâm trở lại với sân khấu biểu diễn một cách mạnh mẽ hơn của nữ ca sĩ sau thời gian dài tập trung cho việc học tập.

Nguyễn Khánh Ly là giọng ca được đào tạo bài bản về opera cổ điển. Những giải thưởng âm nhạc quan trọng mà cô sở hữu trong sự nghiệp của mình cũng thuộc dòng thính phòng: Giải Ba Sao Mai 2011, giải Nhì cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch 2017… Thế nhưng, trong đêm nhạc Ly, nữ ca sĩ cùng các khách mời lại mang đến cho khán giả những nhạc phẩm trữ tình: Bây giờ tháng mấy (Từ Công Phụng), Họa mi hót trong mưa (Dương Thụ), Ly (Vũ Minh Vương), Đã quá xa rồi (Dương Trường Giang), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên)… Chia sẻ về điều này, Khánh Ly cho biết, sau thời gian dài làm nghề, hát nhiều dòng nhạc khác nhau, cô nhận thấy khán giả yêu thích cô hát trữ tình vẫn là số đông. Album Vol.2 Mùa lá đi qua với những ca khúc nhạc nhẹ ra mắt năm 2015 của cô được rất nhiều người đón nhận. Bản thân cô khi hát những ca khúc trữ tình, cô thấy được là chính mình, được thể hiện hết khả năng cũng như được giãi bày, sẻ chia với khán giả những cảm xúc, tâm tư sâu kín…

Định vị thương hiệu “điểm đến âm nhạc” hấp dẫn - Anh 2

Nơi dừng chân của nghệ sĩ quốc tế

Không chỉ trở thành không gian âm nhạc của các nghệ sĩ trong nước, những năm gần đây, Hà Nội cũng là điểm đến của nhiều chương trình, lễ hội âm nhạc quốc tế. Trước đó, nơi đây từng là sân khấu biểu diễn của những ban nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Black Pink, Super Junior; hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert; Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival)…

Nhà hát Hồ Gươm vừa công bố chuỗi sự kiện nghệ thuật quốc tế hoành tráng mang tên Musical Seasons 2024-2025 với năm chương trình đỉnh cao diễn ra trong vòng một năm, nhằm mang lại trải nghiệm nghệ thuật hiện đại, mới mẻ cho công chúng Thủ đô và Việt Nam. Theo thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm, Musical Seasons 2024-2025 sẽ có các dự án âm nhạc cổ điển với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quốc tế hàng đầu, trình bày những tác phẩm nghệ thuật kinh điển thế giới. Chuỗi chương trình mở màn bằng hòa nhạc Bốn mùa (Four Seasons Concert) được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm trong hai ngày 21-22.4, do các nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versaille (L’Orchestre de L’Opéra Royal de Versailles) biểu diễn.

Vào tháng 8, Hòa nhạc Mozart (The Mozart Concert) sẽ do Dàn nhạc Les Musiciens du Louvre thể hiện. Tháng 9 là vở ballet mới của biên đạo múa Thiery Malandain mang tên The Seasons được nghệ sĩ đoàn ballet Malandain Ballet Biarritz phối hợp dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versaille trình diễn. Tháng 11 là dự án Hòa nhạc Vienna (The Vienna Concert) của dàn nhạc Thính phòng Vienna. Cuối cùng, vào tháng 3.2025, mùa diễn kết thúc bằng vở opera kinh điển Carmen của nhà soạn nhạc người Pháp Georges Bizet do các nghệ sĩ Nhà hát Hoàng gia Versaille biểu diễn. Đây cũng là thời điểm kỷ niệm 150 năm vở opera Carmen được công diễn lần đầu.

Kể từ khi khánh thành vào tháng 7.2023, Nhà hát Hồ Gươm đã trở thành điểm đến nghệ thuật quốc tế với nhiều nghệ sĩ danh tiếng. Vì thế, NSND Nguyễn Công Bẩy nhấn mạnh: Trong năm 2024, Nhà hát Hồ Gươm lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật của các nhà hát quốc tế đến Việt Nam biểu diễn nhằm mang lại cho công chúng những trải nghiệm nghệ thuật đỉnh cao, truyền cảm hứng và lan tỏa niềm đam mê nghệ thuật đến với khán giả Việt Nam. Musical Seasons 2024-2025 là cơ hội để khán giả trong nước có thể tận hưởng những chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tầm cỡ thế giới ngay tại Việt Nam với giá vé phải chăng nhưng chất lượng hàng đầu.

Việc tổ chức thành công những sự kiện âm nhạc lớn, hòa nhạc tầm cỡ có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc tại Thủ đô. Tuy nhiên, để có thể khai thác hết tiềm năng của lĩnh vực này, đưa Hà Nội trở thành “Thành phố âm nhạc”, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật, địa điểm tổ chức phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đây là khoản đầu tư ban đầu không nhỏ, cần chuẩn bị và lên kế hoạch lâu dài. Bên cạnh đó, cần có chiến lược, chính sách cởi mở hơn để thu hút các sự kiện âm nhạc trong và ngoài nước. 

MINH THU

Ý kiến bạn đọc