Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Đờn ca tài tử trên thành phố mang tên Bác

Thứ Hai 23/01/2023 | 09:00 GMT+7

VHO- Trải qua bao thăng trầm lịch sử, TP.HCM vẫn là địa phương có những đóng góp quan trọng cho việc hình thành và phát triển di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đờn ca tài tử mừng Đảng mừng Xuân Nhâm Dần 2022 tại TP.HCM

TP.HCM cũng là một trong những địa phương dẫn đầu về phong trào Đờn ca tài tử, với nhiều dạng thức sinh hoạt phong phú, đa dạng, nhiều ngón đờn tài hoa, nhiều giọng ca điêu luyện mang dấu ấn riêng (từng được nhạc giới và người mộ điệu suy tôn).

Đó không chỉ là những soạn giả, danh cầm, danh ca xuất sắc như Nguyễn Quang Đại, Chín Tâm, Mười Phú, Mười Đờn, Sáu Thoàng, Bạch Huệ, Tấn Đạt, Công Thành, Nguyễn Tấn Nhì… vang danh khắp vùng Nam Bộ mà họ còn tạo nên nét riêng biệt so với các tỉnh, thành khác. Những sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân trên nhiều phương diện, từ sáng tác, trình diễn đến truyền dạy đã tạo cho Đờn ca tài tử TP.HCM có một vị thế xứng đáng trong lịch sử văn hóa của dân tộc, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa đặc trưng cho một đô thị năng động, đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.

Xưa nay, phong trào Đờn ca tài tử TP.HCM luôn phát triển mạnh mẽ là vì nơi đây không chỉ sở hữu nhiều thế hệ nghệ nhân giỏi chuyên môn, mà quan trọng hơn là nhận được sự quan tâm sâu sát của chính quyền thành phố trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động phong trào văn hóa - văn nghệ. TP thường xuyên mở các lớp tập huấn truyền dạy về Đờn ca tài tử Nam Bộ; tổ chức thực hiện nhiều chương trình giới thiệu và trình diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử có chất lượng, phục vụ công chúng và sinh viên, học sinh trên địa bàn; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, nói chuyện chuyên đề về Đờn ca tài tử Nam Bộ với sự tham gia của những nhà nghiên cứu, nhà sư phạm âm nhạc dân tộc, nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả tiêu biểu có những đóng góp đáng kể cho hoạt động Đờn ca tài tử ở Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng; thực hiện nhiều chương trình cổ nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội thi Đờn ca tài tử từ cấp huyện đến cấp thành phố, thu hút nhiều đối tượng, thành phần trong xã hội tham gia.

Biểu diễn Đờn ca tài tử phục vụ người dân trong chương trình “Trên bến dưới thuyền”

Chỉ tính riêng năm 2022, di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử được xuất hiện trong các sự kiện văn hóa lớn của thành phố như: Chợ Hoa xuân Trên bến dưới thuyền Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; biểu diễn nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần năm 2022; Không gian văn hóa tiêu biểu Nam Bộ trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I trên địa bàn TP.HCM năm 2022; Ngày hội TP.HCM kỷ niệm 46 năm TP Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2.7.1976 - 2.7.2022) và các hoạt động tôn vinh vai trò của gia đình trong đời sống xã hội; Tuần Văn hóa du lịch TP.HCM… Đặc biệt, tại Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ 3 - Cần Thơ (diễn ra từ ngày 6.4 - 11.4.2012), TP.HCM vinh dự và tự hào khi đoạt HCV ở cả hai hình thức thi diễn: Chương trình nghệ thuật và Không gian Đờn ca tài tử.

Những hoạt động này chứng tỏ sự quyết tâm của TP trong công tác bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong đời sống hiện đại, góp phần giữ gìn những giá trị độc đáo của dòng nhạc cổ truyền của vùng đất phương Nam. Qua đó, góp tâm sức cùng các tỉnh, thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau, minh chứng nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ luôn lắng sâu trong tâm thức văn hóa cộng đồng, có vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Đồng thời, chứng minh TP.HCM luôn tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với di sản Đờn ca tài tử khi tổ chức lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” đợt 3 năm 2021 cho một số nghệ nhân tiêu biểu ở Thành phố mang tên Bác (Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng ngày 9.9.2022 với việc tôn vinh phong tặng 3 Nghệ nhân Nhân dân và 12 Nghệ nhân Ưu tú). Ngoài ra, những năm qua, ngành Văn hóa TP.HCM thực hiện nhiều ấn phẩm hay về Đờn ca tài tử Nam Bộ: Sách và bộ đĩa CD 20 bài bản Tổ, Vọng cổ nhịp 16, nhịp 32, quy tụ nhiều giọng ca hay, ngón đờn điêu luyện tham gia thực hiện. Đáng chú ý, ngày 5.8.2022 vừa qua, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025” với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Trong không khí rộn ràng của đất trời vào Xuân, những làn điệu ngọt ngào của Đờn ca tài tử sẽ làm cho tâm hồn con người thêm vui tươi, phấn khởi. Với niềm vui hân hoan đón chào năm mới, cùng với những thành quả đã đạt được, tin rằng Xuân Quý Mão năm 2023, trên Thành phố Bác Hồ kính yêu sẽ ngập tràn tiếng nhạc, lời ca và Đờn ca tài tử luôn ngọt ngào hương sắc, mãi là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân nơi đây. Đờn ca tài tử TP.HCM sẽ kết nối được “tình tri kỷ - tri âm” với quý bạn tài tử khắp mọi nơi, để Nghệ thuật Đờn ca tài tử TP.HCM xứng đáng là “viên ngọc quý” trong dòng chảy chung của âm nhạc cổ truyền Nam Bộ.

PHẠM THÁI BÌNH

Print

Tin tức nổi bật

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top