Càng biết nhiều loại hình ca, kịch… góp phần nâng cấp cải lương đẹp hơn

THÙY TRANG; ảnh: BTC

VHO - Sau vòng Tuyển chọn, có 25 thí sinh được chọn đi tiếp tại Học viện Cải lương. Trong tập 4 mang tên Thử thách phát sóng vào tối 28.4, có 21 thí sinh tiếp tục thi đấu để có cơ hội tiến sâu hơn, 4 thí sinh đạt vé vàng ở vòng tuyển chọn: Huỳnh Nguyễn Duy, Trương Lê Tuấn Kiệt, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Minh Thái được tuyển thẳng vào vòng Đào tạo.

Càng biết nhiều loại hình ca, kịch… góp phần nâng cấp cải lương đẹp hơn - ảnh 1

Các thí sinh tham gia Học viện Cải lương mùa đầu tiên

21 thí sinh sẽ trải qua thử thách thi (hoặc ngâm thơ, hò, hát thơ) - ca (hát 1 bài bản tổ của cải lương) - vũ  (thực hiện vũ đạo trên nền nhạc) - nhạc (hát một đoạn nhạc nhẹ) - kịch (diễn xuất với đạo cụ) theo từng bộ đề. Họ bốc thăm ngẫu nhiên trong phần thi này.

Thử thách gây khó khăn không ít cho thí sinh bởi thời gian rất ngắn, buộc họ phải ứng phó linh hoạt, thích nghi nhanh chóng. Cải lương là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp cao. Vì vậy, NSX cho biết mong muốn mang đến thử thách này để khơi gợi tiềm năng, chọn lọc thí sinh có tố chất phù hợp.

Giám khảo NSND Bạch Tuyết chia sẻ: “Cải lương không chỉ là đứng ca mấy câu vọng cổ. Cải lương là một chỉnh thể nghệ thuật với thi - ca - vũ - nhạc - kịch, chúng ta cần nắm rõ những kỹ năng này để đủ sức chuyển tải đời sống nhân vật, đưa đến khán giả nhân vật hồn lẫn phách một cách “thật và đẹp”. Đó là điều tôi mong muốn thực hiện”.

NSND Trọng Phúc là giám khảo khách mời trong vòng Thử thách, để cùng NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Châu Thanh và Thanh Hằng chọn ra những thí sinh xuất sắc đi tiếp.

Trước khi thành danh với cải lương, nghệ sĩ Trọng Phúc từng là ca sĩ hát tân nhạc, rất thành công. Vì lẽ đó, anh cũng có những trải nghiệm để thích nghi giữa các loại hình. Không chỉ chấm chọn, những kinh nghiệm của anh cũng giúp thí sinh thêm vững vàng trong hành trình phía trước.

Theo NSND Trọng Phúc, điều quan trọng nhất là phải học, hiểu để khi chuyển từ tân nhạc sang ca cải lương không bị gãy. Anh kỳ vọng các thí sinh của Học viện Cải lương sẽ học các kỹ năng thi - ca - vũ - nhạc - kịch ở mức trung bình - khá trở lên để sau này có thể áp dụng cho các vai diễn.

“Nghệ thuật muôn màu muôn vẻ. Nghệ sĩ hát cải lương thì không chỉ hát cải lương. Chúng ta cũng cần biết hát dân ca, chèo, múa… Càng biết nhiều, chúng ta lại có cơ hội áp dụng vào các vai diễn, góp phần nâng cấp cải lương càng đẹp hơn. Bây giờ, nếu nói hát cải lương mà chỉ ca vọng cổ thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần cải cách. Chẳng hạn, một câu vọng cổ có thể kết hợp thêm tân nhạc, ca làm sao cho uyển chuyển, thật đẹp. Cách xử lý trong âm nhạc ngũ cung hết sức quan trọng”, NSND Trọng Phúc nói.

Càng biết nhiều loại hình ca, kịch… góp phần nâng cấp cải lương đẹp hơn - ảnh 2

NSND Trọng Phúc và các nghệ sĩ trong Ban giám khảo

Theo anh, việc học những điều hay, cái mới phải diễn ra hằng ngày. Thậm chí khi đã làm giám khảo cho nhiều chương trình, cuộc thi, anh vẫn phải học, tìm hiểu thêm về Hò - Xự - Xang - Xê - Cống. Theo anh, khi hiểu sâu sẽ sinh ra nhiều điều hay nữa. “Ngoài tố chất, các cuộc thi, tôi mong các bạn trẻ phải luôn nêu cao tinh thần học hỏi”, anh nhắn nhủ các thí sinh.

Nam nghệ sĩ cho biết thêm ngoài học nhạc lí, chuyên môn thì các thầy ngày xưa rất chú trọng giáo dục đạo đức cho hậu bối. Đó cũng là điều anh mong các bạn trẻ tiếp thu, thực hiện thật tốt. Nói về thế hệ kế cận, NSND Trọng Phúc kỳ vọng họ có lối sống trong sạch, đạo đức tốt… nhưng vẫn luôn thoải mái để làm nghề, sáng tạo. Anh mong thế hệ đi sau sẽ lấy những yếu tố gốc của cải lương để tô đậm, làm đẹp hơn nữa, chứ không nên cắt bỏ.

Tập 4 của Học viện Cải lương lên sóng lúc 19h trên Today TV, YouTV và 20h trên kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết.

Ý kiến bạn đọc