Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn

Thứ Bảy 24/09/2022 | 13:00 GMT+7

VHO - Ngày 24.9, tại huyện Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩa, giá trị của Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; bổ sung căn cứ khoa học quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể Di tích lịch sử thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Kết quả chuyên môn của Hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh - vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và thương cảng quốc tế Vân Đồn - một trung tâm kinh tế, đối ngoại quan trọng hàng đầu của đất nước. Các ý kiến, tham luận tiếp tục làm sáng tỏ những luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển và phát huy được các tiềm năng sẵn có, định hướng phát triển của Quảng Ninh gắn với các giá trị di sản. Đồng thời, đưa Khu kinh tế Vân Đồn - một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh, sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Hội thảo nhận được 34 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, trong đó có 4 tham luận của các chuyên gia quốc tế, nhận định về những giá trị cảnh quan và môi trường, tài nguyên thiên nhiên, con đường giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế biển, văn hóa, quân sự, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của thương cảng Vân Đồn. Các nhà khoa học đều có chung nhận định thương cảng Vân Đồn đóng vai trò là một trung tâm thương mại quốc tế có quy mô lớn, một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, gắn liền với quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong tiến trình lịch sử.

Phát biểu tại Hội thảo,  GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: Là một thương cảng lớn, hoạt động liên tục, Vân Đồn có vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng với sự nghiệp phát triển, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ, bang giao của quốc gia Đại Việt. Cùng với hệ thống cảng biển, thương cảng Vân Đồn còn có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ, các cảng vùng cửa sông với vùng Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Yên, Cát Bà và các làng nghề truyền thống như: Nghề đóng thuyền, nghề dệt, chế tác gốm sứ, ngọc trai, làm nón, chế biến thủy hải sản... cùng nhiều ngành, nghề thủ công khác trải dọc vùng duyên hải và tập trung ở châu thổ sông Hồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: Tính chất quốc tế của thương cảng Vân Đồn được thể hiện ở việc có nhiều thương nhân nước ngoài đến đây để giao thương và định cư, ngoài ra các sản phẩm trao đổi, buôn bán ở thương cảng Vân Đồn là các mặt hàng, đặc sản của địa phương và của các quốc gia khác, tính chất hoạt động cả về phương diện quản lý và hoạt động của các thương nhân đều rất chuyên nghiệp và mang tính quốc tế.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: Các phương án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn phải được đặt trong tầm nhìn và chủ trương phát huy giá trị di tích để từ đó xây dựng luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn văn hóa, đồng thời rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt là chủ trương phát triển kinh tế biển xanh mà Quảng Ninh đang thực hiện và định hướng phát triển cảng biển Vân Đồn trong giai đoạn tới. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần có cơ chế mô hình hợp tác công tư trong bảo tồn văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn nói riêng.

TS Lê Thị Liên - Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, quá trình khảo cổ, khai quật, phát hiện nhiều di vật, hiện vật, dấu tích về sự phát triển của thương cảng Vân Đồn. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của thương cảng Vân Đồn trong hệ thống giao thương Việt Nam và quốc tế. Quy mô, mối quan hệ của các vùng, cụm cảng đảo trong Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn. Tuy nhiên, hiện nay các hiện vật, dấu tích dần bị mai một, do đó cần có sự vào cuộc của các cấp ngành để thu thập, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của dấu tích thương cảng Vân Đồn.

GS.TS Trịnh Sinh - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu ý kiến: Quan trọng nhất là làm sao khai thác hiệu quả giá trị Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn; khẳng định giá trị, vai trò và nâng tầm thương cảng lên một tầm cao mới. Cần khôi phục các lễ hội truyền thống ở Vân Đồn, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch.

Kết quả thu được từ Hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đồng thời chuẩn bị những luận cứ khoa học cho việc kiến tạo các hành lang phát triển mới, tổ chức lại các không gian phát triển, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.


Thành lập năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Trang Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính cấp địa phương. Thương cảng Vân Đồn là hệ thống bến thuyền thư­ơng mại trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long. Trên phạm vi khoảng 200 km2, có các bến: Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi); Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn); Cái Cổng, Con Quy (xã Minh Châu); Cống Yên, Cống Hẹp (xã Ngọc Vừng), thuộc huyện Vân Đồn ngày nay.

NGUYỄN QUÂN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top