Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

“Nhịp điệu mới”cho thơ Việt Nam

Thứ Hai 06/02/2023 | 09:55 GMT+7

VHO- Sau 3 năm bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19, công chúng lại được sống trong không khí rộn ràng của Ngày thơ Việt Nam, với sự kiện chính diễn ra hôm qua 5.2 (tức Rằm Tháng Giêng Xuân Quý Mão) tại Hoàng thành Thăng Long qua nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn đúng với chủ đề Nhịp điệu mới.

 Không gian Nhà Ký ức, Ngày thơ Việt Nam 2023 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội

 Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày Thơ năm nay không được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám như thường lệ mà chuyển sang địa điểm mới là Hoàng thành Thăng Long. Việc chuyển địa điểm, theo lý giải của người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam, là để du khách, công chúng yêu thơ khắp mọi nơi đều có cơ hội tham gia trực tiếp. “Những năm tiếp theo, Ngày Thơ Việt Nam sẽ không cố định tại một địa điểm mà sẽ liên tục “chuyển nhà”. Dự kiến năm 2024, chúng tôi sẽ tổ chức tại Phú Yên. Trên Núi Nhạn, người ta đã làm ngày thơ cách đây 40 năm, trước khi Hội Nhà văn Việt Nam làm Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Chia sẻ thêm về “diện mạo” mới của Ngày Thơ Việt Nam 2023, đại diện BTC cho biết, không gian thơ lần này bao gồm toàn bộ khu vực sân Đoan Môn của Hoàng Thành. Người yêu thơ được chào đón tại cổng thơ mang thiết kế cách điệu để bước vào cõi thơ. Khán giả sẽ dạo trên đường thơ để thưởng lãm 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam, được viết trên giấy dó tạo hình thành những chiếc quạt, cánh bướm. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lý giải, những câu thơ được giới thiệu tại đây là những câu thơ chứa đựng lý tưởng sống, sự khao khát của tình yêu. Những câu thơ không chỉ hay khi đặt trong bài thơ, khi tách riêng cũng có vẻ đẹp cuốn hút. Chúng càng có giá trị khi trữ lượng triết học trong thơ ca trong nước chưa nhiều…

Đến cuối đường thơ, khán giả sẽ đến Nhà ký ức, nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. Tại đây, BTC cho trưng bày các hiện vật đặc biệt như đồ dùng cá nhân, tài liệu, tập thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng: Xuân Diệu, Giang Nam, Lưu Trọng Lư... Sự kiện năm nay còn có hoạt động đường sách gồm nhiều gian hàng với những ấn phẩm thơ, văn học được yêu mến.

Bên cạnh Nhà ký ức là quán thơ, nơi các nhà thơ, tao nhân mặc khách nhiều thế hệ sẽ giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về nền thi ca Việt Nam. Ở vị trí trung tâm, trước cửa Đoan Môn là sân khấu diện tích khoảng 350m2 sàn, trong đó có 100m2 sàn bằng kính, được gọi là Đàn thơ, nơi diễn ra Đêm Thơ Nguyên tiêu tối 5.2. Từ trên tường thành, hai tấm pano lớn sẽ được thả xuống. Mỗi tấm pano chép bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt và bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một trong những hoạt động nhận được sự chú ý của giới chuyên môn trong Ngày Thơ Việt Nam 2023 là tọa đàm Thơ Hiện nay với hôm nay. Tại đây, nhiều thế hệ nhà thơ, nhà phê bình đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề quan trọng của thi ca đương đại. Nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã đặt ra câu hỏi khiến tọa đàm phải suy nghĩ: “Người đọc lạnh nhạt với thơ là tại nhà thơ hay tại bạn đọc?”. Cùng với đó, nhà biên kịch, nhà thơ Nguyễn Hiếu thẳng thắn cho rằng, ngoài thơ dở khiến bạn đọc quay lưng, thơ bị thờ ơ còn vì sự đi xuống của văn hoá đọc. Thơ hiện nay không gắn với tâm tư người đọc. Nhiều nhà thơ chưa biết cách gắn đề tài lớn lao gần hơn với đời sống đương thời. Chủ đề yêu đất nước rất hay nhưng khi làm thơ thì câu từ sáo rỗng không khác gì khẩu hiệu, nặng về tán tụng, vuốt ve, “đánh võng” cảm xúc, tự nuông chiều cảm xúc mà quên đi thơ cũng phải đa chiều.

Để giải quyết vấn đề, giới chuyên môn tại tọa đàm đều khẳng định đã đến lúc các NXB không nên “chiều chuộng” nhà thơ, gửi gì in nấy mà cần từ chối những tác phẩm kém chất lượng để làm trong sạch thơ ca Việt Nam. Nhà thơ cũng cần đổi mới tư duy, không theo chủ nghĩa “dễ dãi”, làm thơ chỉ để cho vui. Có như vậy thơ Việt Nam mới có diện mạo mới, tích cực. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top