Hành trang cho văn học Việt “xuất ngoại”

VHO- Vừa qua, Hội Nhà văn TP.HCM đã phối hợp với Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc, Trường ĐH Văn Lang và Công ty CP văn hóa, truyền thông Nhã Nam tổ chức sự kiện Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn tại TP.HCM. Tại đây, các nhà văn không chỉ cùng nhau trao đổi về nghề viết, về nguồn cảm hứng và quá trình sáng tác văn học, mà còn là dịp kết nối cũng như xây dựng mối quan hệ giữa văn hóa văn chương của Việt Nam và Hàn Quốc.

Hành trang cho văn học Việt “xuất ngoại” - Anh 1

 “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh phát hành tại Hàn Quốc

Sự kiện có sự góp mặt của ba nhà văn đã có những thành tựu nhất định trong sáng tác văn học Việt Nam - Hàn Quốc: Nhà văn Pyun Hye-Young, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cùng đông đảo bạn đọc đến tham dự.

Vẫn còn khoảng cách

Văn chương Hàn Quốc có sức hút đặc biệt và sự sâu sắc trong tác phẩm, tuy nhiên lại không được quảng bá rộng rãi như âm nhạc và điện ảnh. Các tác phẩm văn học không được dịch ra nhiều ngôn ngữ để tiếp cận độc giả quốc tế. Theo nhà văn Bùi Tiểu Quyên, văn học Hàn Quốc xuất bản tại Việt Nam chưa nhiều và công chúng chỉ mới được tiếp cận những năm trở lại đây. Trong khi đó, từ rất lâu văn hóa Hàn Quốc đã thu hút sự quan tâm của người Việt thông qua các bộ phim, âm nhạc và truyền thông đại chúng. Một số tác giả Hàn Quốc đã dần quen thuộc với độc giả Việt Nam như Ko Un, Kim So Wo, Park Du Jin, Kim Yong Ok, Hae Min, Sung Kyung Park…

Tương tự, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng cho rằng, khoảng cách về văn chương Việt Nam và Hàn Quốc vẫn còn rất xa, việc giao lưu với nhau còn không ít trở ngại. “Hai nền văn hóa hoàn toàn có thể kết nối một cách bền vững và đậm đà, bởi lịch sử đã cho chúng ta sự gần gũi giữa hai vùng đất”. Bên cạnh đó, có một điểm chung của văn chương là cùng viết về thân phận con người, về chiến tranh, lịch sử, khát vọng và tình yêu…

Trên thực tế, sự kết nối hai chiều văn chương Việt - Hàn hiện cũng chỉ nằm ở mức khiêm tốn. Theo các cây bút, sự thiếu thông tin và hiểu biết về văn hóa Việt Nam từ phía người dịch, người đọc Hàn Quốc là một trong những yếu tố khiến việc dịch thuật và truyền đạt ý nghĩa của các tác phẩm gặp khó khăn. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm văn học của Việt Nam cũng chưa đủ để thu hút sự quan tâm từ các NXB và độc giả Hàn Quốc. So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam vẫn còn ít tác phẩm được xuất bản và phổ biến ra thế giới. Điều này làm cho văn học của chúng ta trở nên xa lạ và ít được biết đến.

Nhà văn Pyun Hye-Young chia sẻ, văn học Việt Nam có mặt tại Hàn Quốc không nhiều và chính bản thân cô cũng ít có cơ hội được tiếp xúc. Tuy nhiên, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định, dù số lượng ít, nhưng bằng nỗ lực vượt trội từ các dịch giả Hàn Quốc yêu văn hóa Việt, một số tác phẩm văn học của chúng ta đã được xuất bản tại “xứ sở Kim chi” như: Chí Phèo (Nam Cao), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Áo trắng (Nguyễn Văn Bổng), Nếu anh còn được sống (Văn Lê), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Chúa đất (Đỗ Bích Thúy)… Điều đó đã và đang “kéo” văn học hai nước lại gần với nhau hơn.

Hành trang cho văn học Việt “xuất ngoại” - Anh 2

 Các tác giả Việt - Hàn tại buổi gặp gỡ

Tạo đà để tiến xa

Nhằm góp sức giới thiệu, quảng bá lâu dài và nâng tầm văn học Việt Nam trong khu vực cũng như thế giới, Hội Nhà văn TP.HCM đã thành lập Hội đồng Văn học dịch. Dù ra đời hơi muộn so với các nước khác, nhưng đây là tín hiệu vui trong việc thừa nhận và khẳng định vai trò, vị trí của người dịch trong các hoạt động xuất bản. “Chúng ta cùng làm từng chút một và cố gắng mỗi ngày, có những bước chân đầu tiên rồi dần sẽ có con đường. Qua đây, tôi hy vọng buổi giao lưu này sẽ là cầu nối tương quan để văn hóa Hàn Quốc đến với Việt Nam và ngược lại”, nhà văn Bùi Tiểu Quyên nói.

Theo nhà văn Pyun Hye- Young, Hàn Quốc cũng có Viện Dịch thuật văn học, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, với mục đích phát triển sáng tác văn học trong nước và giới thiệu văn học Hàn Quốc ra thế giới, thông qua nhiều hoạt động như hỗ trợ dịch thuật, xuất bản, tổ chức các chương trình giao lưu văn học, đào tạo dịch giả, phát triển thư viện sách… Chia sẻ về quyền lợi tác giả được nhận, nhà văn Pyun Hye-Young cho biết, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã hỗ trợ rất nhiều về không gian sáng tác, trại sáng tác cho các cây bút tại Hàn Quốc. Ngoài ra, nhiều tác phẩm cũng được nhà nước hỗ trợ để đưa ra nước ngoài xuất bản, cùng với đó là tổ chức những buổi giao lưu giữa các tác giả trong và ngoài nước. Chính nhờ những nỗ lực ấy, văn học Hàn Quốc xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam cũng như thế giới ngày càng nhộn nhịp. Ngay cả thể loại văn học khó chuyển ngữ nhất là thi ca, thì văn học Hàn Quốc cũng đã giới thiệu được nhà thơ tiêu biểu như là Ko Un đến với giới mộ điệu Việt Nam. Nhà văn Pyun Hye-Young bày tỏ sự trân trọng những cơ hội được giao lưu, kết nối văn chương hai nước. Bản thân các tác giả Hàn Quốc cũng đã và đang tích cực chủ động tìm kiếm các cơ hội giao lưu quốc tế cũng như tự rèn giũa để có bút pháp, phong cách chinh phục độc giả trên khắp các châu lục.

Kết thúc buổi giao lưu, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM cho biết, thông qua Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn, ngoài việc trao đổi về nghề, bàn về nguồn cảm hứng cũng như quá trình sáng tác các tác phẩm văn học, chương trình còn góp phần tạo cơ hội cho hành trình quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại. “Từ những buổi kết nối mang tính quốc tế như thế này, chúng tôi hy vọng hành trình đưa văn học Việt Nam đến với độc giả thế giới sẽ bớt dần những khó khăn, nếu được sự quan tâm đúng mức từ các ban, ngành, cơ quan liên quan, thì những tác phẩm văn chương hay sẽ lan tỏa được giá trị nhân văn của nó, góp phần thực hiện sứ mệnh của những đại sứ văn hóa”, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM chia sẻ. 

LAN HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc