“Gạn đục, khơi trong” văn học mạng (Bài 1): Vàng thau lẫn lộn

VHO- Có một thực trạng hiện nay là trong khi các tác phẩm văn học muốn được in ấn phải trải qua quá trình biên tập, kiểm duyệt, cấp phép rồi mới được xuất bản và chịu hậu kiểm của cơ quan chức năng, thì văn học mạng đến với độc giả chỉ sau vài cú click chuột. Điều đáng nói, ngày càng nhiều người “liều lĩnh” công bố những sản phẩm không chỉ “sốc, sến, xếch”, xuyên tạc văn hóa - lịch sử, đi ngược thuần phong mỹ tục… mà còn ẩn phía sau những mánh khóe lừa đảo, gây tổn hại đến người tiêu dùng. Vì thế, vấn đề đặt ra với các nhà quản lý hiện nay là phải làm gì để “gạn đục, khơi trong” cho dòng văn học mạng?

“Gạn đục, khơi trong” văn học mạng (Bài 1): Vàng thau lẫn lộn - Anh 1

 Cần tăng cường quản lý để văn học mạng không đi “lệch quỹ đạo”

 Văn học mạng đang bộc lộ những mảng tối bởi sự tràn lan các sản phẩm có nội dung độc hại. Ngoài địa chỉ đọc do chính đơn vị xuất bản, các tác giả có uy tín công bố, không khó để tìm thấy vô số sản phẩm “mang danh” văn học có nội dung đi sâu vào những tình tiết giới tính nhạy cảm, kích động bạo lực… tác động tiêu cực đến văn hóa xã hội, đặc biệt là giới trẻ, khiến các em có cái nhìn phiến diện, u ám, mất niềm tin về cuộc sống. Phải chăng chất lượng văn học mạng gần như bị “thả nổi”?

Xu thế phát triển tất yếu

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội hay những website đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều cây viết. Đã có những người trưởng thành từ đời sống văn học mạng và ghi được dấu ấn riêng như Đỗ Nhật Phi, Trang Hạ, Phong Việt, Vũ Đức Anh, Lâm Phương Lam, Hamlet Trương, Iris Cao… Nhà văn Lâm Phương Lam, một cây viết đi lên từ văn học mạng cho rằng, công bố tác phẩm văn học online dễ hơn nhiều so với việc gửi bản thảo đến nhà xuất bản rồi… ngồi chờ. Chỉ với vài cú click chuột, tác phẩm đã xuất hiện với đầy đủ nội dung trên các thiết bị thông minh.

Có thể nói, chưa bao giờ người viết dễ lộ diện và khẳng định tên tuổi như hiện nay. Việc tự “xuất bản” văn học trên mạng cũng có ưu thế riêng khi tác giả không bị gò bó theo “gu” của nhà xuất bản. Nội dung, thể loại được thoải mái lựa chọn; đồng thời, nhà văn cũng được tự do thử nghiệm những cách tân nghệ thuật, miễn là không đi ngược lại quy định của pháp luật và những chuẩn mực về đạo đức.

Cũng theo nhà văn Lâm Phương Lam, văn học mạng được hình thành bởi hai bộ phận chính là những cây viết thời công nghệ số, tức là đi theo hẳn con đường này, tự sáng tác, lập tài khoản và công bố tác phẩm của mình trên mạng. Tất cả tương tác từ lượt thích, bình luận đến chia sẻ… đều hiện diện tại đây. Một bộ phận khác thì coi Internet là phương tiện để đa dạng hóa cách tiếp cận với độc giả. Hầu hết những người thuộc bộ phận thứ hai là các cây viết đã thành danh, ngoài việc được nhà xuất bản hỗ trợ quảng bá, bản thân họ cũng tự lên mạng tương tác để tạo sức hút cho tác phẩm.

Với tính “tự do”, nhanh nhạy của không gian mạng, ai ai cũng có thể viết văn, giao lưu với bạn đọc. Điều này đã tạo nên không gian đối thoại nhiều chiều giữa bạn đọc với tác giả, hay giữa các bạn đọc với nhau. Khoảng cách giữa người sáng tác và người đọc chưa bao giờ gần đến thế, khi độc giả có thể để lại những dòng bình luận ngay dưới bài đăng của tác giả. Nhờ những ý kiến đóng góp ấy, cây viết lại có thêm ý tưởng, “thai nghén” và cho ra đời thêm những tác phẩm đáp ứng sự mong đợi của công chúng; thậm chí cân nhắc nên viết tiếp hay không. Cũng nhờ sự tương tác mở, tính “dân chủ” được đẩy lên cao, văn đàn Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Văn học mạng trở thành một trong những “bàn đạp” quan trọng để văn học Việt phát triển.

Dạo qua các nền tảng, không khó để bắt gặp các hội nhóm, diễn đàn, website… chuyên về văn học mạng như: Mê truyện ngôn tình, Hội tìm và review truyện ngôn tình, Mạng xã hội văn học… Mỗi nhóm hay Fanpage có từ vài chục nghìn đến cả triệu lượt thích. Phần lớn nội dung các tác phẩm được đăng tải có đề tài mang hơi thở cuộc sống, những trích đoạn thể hiện sự chiêm nghiệm… Được yêu thích nhất trong số này là các tiểu thuyết ngôn tình.

“Gạn đục, khơi trong” văn học mạng (Bài 1): Vàng thau lẫn lộn - Anh 2

Những tác phẩm văn học mạng chất lượng đang chịu sự cạnh tranh từ những sản phẩm bị cho là “rác” văn học Ảnh: WAKA

Vàng thau lẫn lộn

Chia sẻ về một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất thời gian qua là “truyện ngôn tình trên mạng”, nhà văn Lâm Phương Lam nhận định, bản thân chị là người đi lên từ văn học mạng, cũng không ít người gọi chị là “nhà văn ngôn tình”. Chị khẳng định: Viết truyện ngôn tình không phải xấu, những định kiến xuất hiện trong thời gian qua là vì nhiều cây viết mải chạy theo sự hối thúc của độc giả, có tâm lý dễ dãi mà quên mất mình đang mang trọng trách phải lan tỏa những giá trị đích thực của văn chương, cần phải có trách nhiệm với từng câu chữ mình viết ra…

Cụ thể, nữ nhà văn trẻ chỉ rõ, nội dung nhiều truyện ngôn tình trên mạng rập khuôn, na ná nhau, dựa trên một số cốt truyện đã ra từ trước. Nhiều nhất là những câu chuyện về tổng tài, nhân vật nam chính đẹp trai, địa vị xã hội cao yêu một cô gái có địa vị xã hội thấp hơn, bị mọi người dị nghị. Truyện “đam mỹ, bách hợp” (nói về tình yêu đồng giới) cũng bị một số cây viết đưa vào những chi tiết phản cảm, thiếu tinh tế.

Thậm chí, một số bạn trẻ hâm mộ thần tượng còn lấy truyện có sẵn, thay tên nhân vật thành tên thần tượng của mình để nuông chiều bản thân và một bộ phận khán giả hâm mộ. Có những sản phẩm quá nửa nội dung nói về những khía cạnh nhạy cảm trong quan hệ nam nữ, nhưng bạn đọc vẫn chấp nhận, ủng hộ tác giả. Tuy nhiên, làm như vậy lại chính là gây tổn hại sức khỏe tinh thần và thui chột sức sáng tạo của người viết. Điều tréo ngoe hơn là những tác phẩm văn học mạng chân chính, mang thông điệp nhân văn đôi khi lại lọt thỏm giữa một rừng sản phẩm kém chất lượng vì không mang yếu tố giật gân, gây sốc.

Mở rộng vấn đề, nhà thơ Lữ Mai cho hay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các phương thức xuất bản cũng vì thế cởi mở hơn. Tuy nhiên, vì quá mở mà chưa có “lưới lọc” hữu hiệu nên đang xuất hiện tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Nhà thơ Lữ Mai cũng nêu thực trạng, mặc dù một số nền tảng đã có công cụ để “quét” rác văn học nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả. Minh chứng là vẫn ngày một nhiều sản phẩm xấu độc mạo danh văn học xuất hiện trên không gian mạng. “Cách thức tinh vi được sử dụng phổ biến là người viết sử dụng tiếng lóng, ký tự để né công cụ truy quét của nền tảng. Thẳng thắn nhìn nhận, công cụ chỉ là giải pháp mang tính tương đối, dù hiện đại cỡ nào cũng không thể bằng sự kiểm duyệt từ con người. Chúng ta đang quá “mở” trong kiểm duyệt văn học mạng khiến những “đống rác” ấy cứ ngày một ngồn ngộn, vấy bẩn môi trường văn hóa”, nhà thơ Lữ Mai trăn trở.

Có thể thấy, văn học mạng tại Việt Nam hiện vẫn mang tính cá nhân và tự phát vì các cây viết muốn thể nghiệm những tư tưởng mới về nghệ thuật trên hành trình sáng tạo của mình. Không ít cây viết thành công từ văn học mạng bởi họ biết cách sử dụng Internet như một công cụ để đa dạng hóa hình thức truyền tải, mở rộng đối tượng bạn đọc. Nhưng cùng với đó, Internet cũng là nơi dung dưỡng không ít sản phẩm dễ dãi, kém chất lượng, thậm chí độc hại, nhưng lại chưa có một cơ chế quản lý cụ thể nào với loại hình này. 

 Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các phương thức xuất bản cũng vì thế cởi mở hơn. Tuy nhiên, vì quá mở mà chưa có “lưới lọc” hữu hiệu nên đang xuất hiện tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Mặc dù một số nền tảng đã có công cụ để “quét” rác văn học, nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả. Minh chứng là vẫn ngày một nhiều sản phẩm xấu độc mạo danh văn học xuất hiện trên không gian mạng. Cách thức tinh vi được sử dụng phổ biến là người viết sử dụng tiếng lóng, ký tự để né công cụ truy quét của nền tảng. Thẳng thắn nhìn nhận, công cụ chỉ là giải pháp mang tính tương đối, dù hiện đại cỡ nào cũng không thể bằng sự kiểm duyệt từ con người. Chúng ta đang quá “mở” trong kiểm duyệt văn học mạng khiến những “đống rác” ấy cứ ngày một ngồn ngộn, vấy bẩn môi trường văn hóa.

(Nhà thơ LỮ MAI)

 

 NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc