Văn Cao, một tiếng thơ " vang vang cả lòng cả đáy" (Kỳ 1): Con đường thơ từ lãng mạn đến cách mạng

VHO- Trong lịch sử của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại, tính cả hai mươi năm văn nghệ miền Nam khi đất nước bị chia cắt, thật khó có thể tìm ra được một trường hợp tương tự Văn Cao (1923-1995). Bởi ở ông, tất cả dường như đều là vượt ngưỡng: Sự cường tráng của sức sáng tạo, sự đa dạng về tài năng thiên phú, và tinh thần tiên phong khai mở những lối mòn để rộng đường cho những giấc mơ, những khát vọng tự do tung cánh…

Văn Cao, một tiếng thơ

Di sản nghệ thuật của ông, mỗi khi được tính đếm, dễ khiến người ta phải choáng ngợp vì vẻ đẹp và sự giàu có của nó. Về nhạc, đã có cây đại thụ Phạm Duy, người bạn cố tri khẳng định Văn Cao là số một về các ca khúc trữ tình lãng mạn, các hành khúc và trường ca. Về họa, đã có danh họa Tạ Tỵ xác nhận Văn Cao là người rất sớm, có lẽ sớm nhất, và đầy ấn tượng, đưa trường họa lập thể vào hội họa Việt Nam. Về thơ, Văn Cao viết không nhiều - gần 60 bài thơ, trong đó có vài trường ca - nhưng là những thi phẩm vừa in dấu lịch sử chuyển động suốt một đời người, dọc theo thế kỷ, vừa nhấn thật sâu vào tư tưởng và tâm hồn để biến nó thành “Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy” (trường ca Những người trên cửa biển). Ở bài viết này, tôi chỉ xin điểm vài ý về cái di sản thơ rất đặc sắc của Văn Cao. (Tất cả các trích dẫn thơ trong bài đều lấy từ sách Văn Cao, tác phẩm thơ, NXB Hội Nhà văn, 2013).

 

 Sự chuyển dịch nhãn quan thẩm mỹ

Đường thơ Văn Cao được khởi đi từ giai đoạn cuối mùa của Thơ mới, với những bài thơ như Ly khách, Linh cầm tiến, Ai về Kinh Bắc, Đêm ngàn, Đêm mưa... ra đời trong quãng thời gian từ 1939- 1941. Đó đích thực là những thi phẩm mang điệu hồn và âm sắc của Thơ mới - Thơ mới lãng mạn chứ không phải Thơ mới tượng trưng, siêu thực - mà theo như cảm nhận chủ quan của nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân: Nó đẹp một nỗi buồn xa vắng (Thái Bá Vân, bài Như một viên gạch kỳ cựu nung ở độ lửa già). Tuy nhiên cũng không có gì thật đặc biệt, những bài thơ ấy dễ bị lẫn vào hàng trăm bài thơ “đèm đẹp” khác mà Thơ mới đã từng sản sinh trong lịch sử bột phát của mình. Phải chờ đến Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, bài thơ được viết vào mùa thu năm 1941, thì Văn Cao mới thực sự chiếm lĩnh cái đỉnh điểm của trường thơ lãng mạn. Một đêm đàn lạnh trên sông Huế của ông là bài thơ có thể sánh ngang với những tuyệt phẩm Thơ mới theo motif Đàn - Đêm - Trăng - Nước, như Nguyệt cầm của Xuân Diệu hay Đà giang của Vũ Hoàng Chương…

Cuối năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là viết một hành khúc, sau này sẽ được biết đến với cái tên Tiến quân ca, tức Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kể từ ngày 13.8.1945. Sự dấn thân này của Văn Cao, cũng như của phần đông các văn nghệ sĩ yêu nước và tiến bộ khác mà ta biết, không chỉ là một hành động chính trị, mà nó còn có ý nghĩa như một sự chuyển dịch nhãn quan thẩm mỹ, một sự thay đổi ý thức sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ trong ông đã không còn tìm kiếm cái đẹp trong buồn, trong cô liêu và thơ mộng, ở những thiên đường diễm ảo như Thiên Thai, Suối mơ, hay trên dòng Tiêu kim thủy (sông Hương) nữa, mà đẹp chính ở cái thực tại này, ở cái cuộc sống đang sôi lên, réo lên tiếng đòi cơm áo của những lớp người cần lao bao đau khổ, tiếng đòi độc lập của một dân tộc đã phải chịu cảnh nô lệ rên xiết suốt gần trăm năm. Hai bài thơ của Văn Cao: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, viết năm 1945, về nạn đói chết người ở miền Bắc, và bài Ngoại ô mùa đông năm 1946, viết năm 1946, về Hà Nội tiêu thổ ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến, là minh chứng hiển hiện cho sự chuyển đổi trong thơ Văn Cao thời đầu cách mạng, cách mạng nhưng vẫn rất Văn Cao.

Bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, có thể nói, là một hiện thực huyền ảo, khi chiếc xe chở xác những người chết vì đói đi giữa khu phố ăn chơi mà như đang lăn bánh vào chốn u tỳ địa ngục. Những người nằm trên xe là xác chết, nhưng những người ở hai bên hàng phố - đào nương, kép đàn - trong con mắt kinh sợ và cảm giác mê mụ tê dại của nhà thơ, cũng chỉ là những thây người đang sống. Tất cả mọi

 hình thể, hoạt động, màu sắc, âm thanh ở tọa độ không gian này đều bị nhúng vào bầu không khí tàn rữa, hấp hối, chết chóc, ma quái: Ta đi giữa đường dương thế/ Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây/ Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy/ Xác trụy lạc rũ bên thềm lá phủ/ Ai hát khúc thanh xuân hờ ơi phấn nữ/ Thanh xuân hờ thanh xuân/ Bước gần ta chút nữa thêm gần/ Khoảng giữa tuổi thanh xuân nghe loạn trùng hút tủy/ Ai hủy đời trên tang trống nhỉ?/ Hay ác thần gõ quách nạo mồ khuya?...

Còn bài Ngoại ô mùa đông năm 1946, là một hiện thực suy tưởng. Theo họa sĩ Văn Thao, con trai của nhà thơ, thì Văn Cao viết bài thơ này ngay trên chiến lũy Ô Chợ Dừa, khi ông bí mật về Hà Nội công tác sau ngày toàn quốc kháng chiến. Ô Chợ Dừa, Khâm Thiên lúc đó sạch bóng người, chỉ còn ngổn ngang những nhà đổ, tường xiêu, gạch vụn. Nhưng chính trong cái khung khổ không gian, thời gian ấy, Văn Cao đã hồi nhớ và tưởng tượng về sự lột xác của một khu phố ăn chơi xưa, về những con người cần lao đói khổ, những con người trụy lạc rạc rài đã vươn cao trong một cơn biến thiên vĩ đại của lịch sử. Họ đã dũng cảm chiến đấu, đã chấp nhận chết đi để một cuộc sống mới được sinh thành cùng đất nước: Bao người ấy bây giờ/ Súng gươm giữ từng hầm phố/ Ngã tư Chợ Dừa, Khâm Thiên phá đổ/ Tay thợ thuyền níu giữ xóm thân yêu/ Ngõ Sầm Công sau mặt phố tiêu điều/ Nơi nằm nghỉ hơi thở người mỏi sức/ Ráo mồ hôi, nơi cuộc đời tàn lực/ Nơi say mê tranh đấu của thợ thuyền/ Cờ búa liềm/ Treo giữa đài Văn Miếu/ Ga Hàng Cỏ màu khinh thanh phiếu điểu/ Hàng vạn bó truyền đơn/ Sở tan tầm đoàn lũ xéo hoàng hôn... Nói về tính suy tưởng và âm hưởng bi tráng lẫm liệt của giọng điệu thơ, có thể khẳng định, bài Ngoại ô mùa đông năm 1946 của Văn Cao, và

 một bài thơ cùng chủ đề với nó, bài Hải Phòng ngày 19 tháng 11 năm 1946 của Trần Huyền Trân, chính là những thi phẩm vào loại xuất sắc nhất của thơ Việt Nam giai đoạn chống Pháp và thơ cách mạng Việt Nam nói chung.

Một cảm xúc thi ca không khi nào vơi hụt

Thế nhưng, phát triển theo hướng này, phải nhận rằng, tác phẩm kết tinh tài năng, tráng chí và ý thức công dân, kiệt tác thực sự của một Văn Cao - thơ, phải là trường ca Những người trên cửa biển mà ông viết vào mùa xuân năm 1956, khi thành phố cảng - thợ Hải Phòng đã sạch bóng quân Pháp được hơn nửa năm. Tác phẩm mở đầu bằng một khổ bốn câu thơ, xuất hiện hình ảnh cây mận: Sinh ra tôi đã có Hải Phòng/ Đầu nhà mới trồng cây mận/ Bãi Sú bồi thành bến/ Nhà máy xi măng đã dựng bên sông (chương I: Ai biết Hải Phòng là đâu). Ở khoảng giữa, hình ảnh cây mận trở lại: Những năm tháng Hải Phòng đầy biến động/ Đời tôi như cái phao trên mặt biển/... Bạn cha tôi về chết bên cây mận (chương III: Những ngày động biển). Đoạn kết, hình ảnh cây mận trở lại thêm lần nữa: Sau những ngày động biển/ Nhu nhú trên những cành mận non/ Những nụ hoa đang nở hồng hồng/ Mát hai vai dưới rặng cây bóng lá/ Đôi lứa thanh niên đến tự tình (chương IV: Những ngày báo hiệu mùa xuân).

Cây mận, ấy chính là chứng nhân cho sự ra đời của một con người trên đất Hải Phòng, chứng nhân cho một tuổi thơ và một tuổi thanh niên đã thấm đẫm trong mình những cảnh huống, những nỗi niềm của một thành phố lầm lụi mà bất khuất, bị bóc lột giày xéo đến kiệt cùng nhưng vẫn kiên cường đấu tranh và vẫn không thôi mơ mộng. Cây mận, ấy cũng chính là chứng nhân cho sự hồi sinh của thành phố biển, một cuộc kiến tạo mới, một khát vọng sống cuồng nộ và bao la như biển. Quy chiếu thời gian nghệ thuật của trường ca vào thời gian của lịch sử xã hội, có thể thấy, Những người trên cửa biển là một tự sự biên niên sử Hải Phòng vô cùng mạnh mẽ, song những sự kiện có thể đóng mốc thời gian dường như lại mang rất nhẹ ý nghĩa tự sự, chúng chủ yếu là cái cớ để nhà thơ thăng hoa trong thế giới của tưởng tượng và cảm xúc: Một tưởng tượng phong nhiêu và táo bạo, một cảm xúc luôn tràn bờ và không khi nào vơi hụt.

Phẩm tính sử thi của trường ca Những người trên cửa biển, một phần nằm ở chính đặc điểm này. Bởi vì viết trường ca, ngoài việc nói về những sự kiện lớn (chứ không phải những chuyện vặt) của cộng đồng (chứ không phải của cá nhân) thì nhà thơ luôn phải tạo được những hình ảnh kỳ vĩ khác lạ, luôn phải giữ được sự liền mạch và cao độ của cảm xúc, nếu không trường ca sẽ chỉ là một bài thơ dài, thiên về kể lể và giãi giề tâm sự mà thôi. Và Văn Cao đã làm được điều đó, với một nghệ thuật thi ca bậc thầy. 

HOÀI NAM

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc