Chất lượng sáng tác văn học trẻ: Thiếu đầu tư không thể đột phá!

VHO- Tại Hội thảo Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ, giới chuyên môn nhận định: Trên thực tế, nhiều cây bút trẻ mang trong mình khát khao được trở thành những nhà văn, nhà thơ thực thụ. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được cho mình hướng đi đúng đắn, định vị được tên tuổi trong đời sống văn chương. Do đó, rất cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành để tạo ra một lực lượng sáng tác trẻ tài năng, trách nhiệm, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển văn hóa quốc gia.

Chất lượng sáng tác văn học trẻ: Thiếu đầu tư không thể đột phá! - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

 Hội thảo do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức vào ngày 28.11 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và phát biểu tại Hội thảo.

Trăn trở về sự “già hóa”

Chia sẻ câu chuyện về đội ngũ những cây viết trẻ, nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ cho biết: Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, tỷ lệ hội viên trẻ trong Hội (tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu từ 35 tuổi trở xuống, con số này chỉ vào khoảng 1,7%. Tương tự, số lượng hội viên dưới 35 tuổi của Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam cũng chỉ chiếm 1%. Đây là những con số báo động vì đã kéo dài trong nhiều năm. Đáng lưu ý, xuất hiện cả vấn đề nhiều cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, đam mê sáng tác, nổi tiếng nhờ tài năng nhưng rồi bỗng nhiên ngừng sáng tác vì mang tư duy văn chương chỉ như “cuộc chơi”, viết để thỏa mãn, nuông chiều bản thân.

Theo nhà văn Huyền Trang, nhiều người trẻ không thật sự mặn mà với sự nghiệp văn chương là vì suy tư “làm nhà văn liệu có đủ sống?”. Đã không ít lần Huyền Trang được nghe những câu chuyện của đồng nghiệp, khi họ giới thiệu bản thân là nhà văn thì lại nhận được câu hỏi từ đối phương “còn làm nghề gì khác để sống không?”.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cũng chia sẻ câu chuyện các cây bút trẻ tại TP phải làm nhiều nghề khác nhau mưu sinh, dù họ không coi văn chương chỉ là thú vui khi nhàn rỗi. “Văn học phải được quan tâm, đầu tư, xem như một kênh văn hóa quan trọng trong nuôi dưỡng tâm hồn, phẩm chất con người và là bệ phóng phát triển cho các cây bút trẻ. Chỉ khi được tạo điều kiện phát triển, họ mới yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết, phát huy hết trách nhiệm của người cầm bút đích thực. Văn học Việt Nam khi đó mới thật sự bước vào công cuộc trẻ hóa”, nhà văn Trịnh Bích Ngân nêu.

Chất lượng sáng tác văn học trẻ: Thiếu đầu tư không thể đột phá! - Anh 2

 Hội thảo đưa ra nhiều giải pháp phát triển đội ngũ sáng tác trẻ

Tiếp sức cho cây viết trẻ

Trước những vấn đề trên, nhà thơ Hữu Việt cho rằng, đào tạo đội ngũ nhà văn, nhà thơ, lý luận, phê bình trẻ là việc làm cần được ưu tiên. Có được đào tạo tốt thì họ mới có cái nhìn rõ nét về định hướng làm nghề. Hiện nay, số đông người cầm bút không phải là người học văn chương từ đầu. Với những tác giả trẻ, đây là lực lượng cần được đào tạo chuyên nghiệp trong những ngôi trường đại học, trung tâm văn học... Bên cạnh huy động nguồn lực xã hội, điều này cần được làm từ nguồn lực Nhà nước, có sự phối hợp của các tổ chức văn học, hội nghề nghiệp.

“Việc tổ chức các cuộc thi văn học trẻ một cách minh bạch, công bằng cũng là cách ghi nhận và khuyến khích người viết trẻ theo đuổi nghề. Đây là cơ hội để các nhà văn trẻ được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, tiếp sức cho nghiệp cầm bút. Những giải thưởng văn học uy tín, mang giá trị cao sẽ cổ vũ, khích lệ người viết vững tâm đi tiếp trên con đường văn học. Cổ vũ những cây bút trẻ chính là cổ vũ cho tương lai của văn học nước nhà”, nhà thơ Hữu Việt bày tỏ.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Khoa Văn học (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, cần tính đến sự đa dạng hóa các loại hình đào tạo sáng tác văn học trẻ theo hướng đào tạo ban đầu, thường xuyên. Bên cạnh loại hình đào tạo trong các trường chuyên nghiệp, cần tính tới đào tạo ở các trường đa ngành; phát triển loại hình đào tạo sau đại học. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng dành cho nhà văn khởi nghiệp; lồng ghép các lớp bồi dưỡng vào các trại sáng tác.

Bên cạnh nâng cao chất lượng công tác đào tạo cho cây viết trẻ, chính sách hỗ trợ sáng tác văn học cho các tác giả trẻ cũng cần được cải thiện. TS Lê Vũ Trường Giang (Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế) nêu, có một hiện tượng là việc đầu tư, hỗ trợ sáng tác văn học nói chung và văn học trẻ nói riêng còn dàn trải, chưa chú trọng đến chiều sâu của tác phẩm; chưa tập trung vào những tác giả trẻ có tiềm năng, có thể cho ra đời tác phẩm mang tư tưởng và tính nghệ thuật cao. TS Trường Giang đề nghị, khi xác định đầu tư sáng tác phải tính đủ hai yếu tố: Đề tài và đối tượng. Tác giả trẻ được đầu tư ở đây là những người từ 35 tuổi trở xuống.

Cùng với đó, nên có những diện hỗ trợ khác nhau cho tác giả trẻ. Cụ thể, có thể phân thành hai hạng mục là “đầu tư, hỗ trợ cho phong trào” và “đầu tư chiều sâu, chất lượng cao”. Hình thức hỗ trợ phong trào sẽ mang tính động viên tác giả, mức kinh phí vừa phải và số lượng nhiều. Còn hạng mục đầu tư chiều sâu, chất lượng cao thì nên “dồn lực” cho các tác giả, tác phẩm có sự chọn lọc kỹ lưỡng. 

 Bộ VHTTDL đang triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”, trong đó có đề cập đến lĩnh vực Lý luận và sáng tác văn học. Bộ rất tạo điều kiện cho các bạn trẻ đăng ký đi đào tạo lĩnh vực văn học. Những trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới, đủ điều kiện để công nhận bằng và nếu sinh viên có nguyện vọng, Nhà nước đều hỗ trợ kinh phí cho đi học. Thế nhưng trên thực tế, rất ít sinh viên đăng ký, và nếu có thì ngoại ngữ lại trở thành rào cản rất lớn. Việc nâng cao chất lượng chuyên môn cho các cây viết trẻ vì thế gặp không ít khó khăn.

Bộ VHTTDL mong muốn các cây viết trẻ không ngừng học hỏi kỹ năng; hăng say sáng tác, cho ra đời những tác phẩm mang đậm giá trị tư tưởng, văn hóa, lịch sử. Muốn làm được điều này, các tác giả trẻ cần chuyên tâm bồi dưỡng đạo đức, chính trị, tư tưởng; chủ động tìm hiểu định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới, hội nhập. “Hội nhập nhưng không hòa tan”, khi đưa được các tác phẩm của mình đến với bạn bè quốc tế, các cây viết trẻ không được phép quên đi tính dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống phải luôn được đề cao.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

 ĐÌNH TOÁN 

Ý kiến bạn đọc