Kể mãi những chuyện anh hùng

VHO- Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2023), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đã phối hợp cùng Ban Liên lạc cựu chiến binh Phòng tình báo Miền ra mắt tác phẩm Sống để kể lại những anh hùng của nhà văn Nguyễn Quang Chánh. Cuốn sách là những câu chuyện cảm động về người chiến sĩ, trong chiến tranh họ là những anh hùng thầm lặng với bao chiến công hiển hách và khi chiến tranh kết thúc họ trở về sống bình dị giữa lòng nhân dân.

Kể mãi những chuyện anh hùng - Anh 1

 Anh hùng lc lượng vũ trang nhân dân Nguyn Văn Tàu (tc Tư Cang) ti bui ra mt sách Sng để k li nhng anh hùng”

Sách gồm 400 trang, với 30 câu chuyện kể về những người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi vào huyền thoại như: Đại tá, nhà văn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự H63); AHLLVTND Lê Bá Ước (tức Bảy Ước); Đại tá, phi công Nguyễn Văn Bảy, AHLLVTND, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân; Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn; Nhà tình báo Lê Hữu Thúy…

Nói đến cơ duyên viết Sống để kể lại những anh hùng, tác giả Nguyễn Quang Chánh cho biết, chính những cuộc gặp tình cờ với chú Bảy “phi công”, chú Tư Cang… và được nghe câu chuyện của họ đã thôi thúc anh cho ra đời tác phẩm. “Tôi hiểu rằng, nếu viết bóng bẩy quá thì nội dung câu chuyện và những nhân vật đều không còn thật với những gì mình được nghe, vì thế tôi chọn cách viết trung thực, không bình luận nhiều. Tôi chỉ là người ghi lại, mọi thứ phía sau để cho chính nhân vật, chính câu chuyện tự bật lên. Tôi viết trước hết để thể hiện sự biết ơn, quý mến của mình với những người anh hùng tôi được gặp, sau là để lưu giữ cho mình, cho con cháu mình và cho người thân, bạn bè đọc”, nhà văn Nguyễn Quang Chánh bày tỏ.

Theo đó, tác giả đã hoàn thành tác phẩm Sống để kể lại về những anh hùng khi cuốn sách Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng cùng chủ đề chỉ vừa ra mắt cách đây chưa đầy nửa năm. “Sau Kể chuyện về cụm tình báo H.63 anh hùng, thú thật tôi định viết cuốn sách tiếp theo là Kể chuyện về những người anh hùng. Vậy nhưng sau khi ngồi cùng họa sĩ thiết kế, hai anh em nảy sinh ra ý tưởng khác, chúng ta đang sống và kể lại câu chuyện của những người anh hùng và câu chuyện ấy sẽ tiếp nối mãi trong đời sống này”, tác giả cuốn sách cho biết. Trả lời thắc mắc tại sao lại là “kể lại” mà không phải là “kể về”? Nhà văn chia sẻ, bản thân mong muốn những câu chuyện anh hùng được lan tỏa, sự tiếp nối từ người này qua người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, đặc biệt là đến được với trái tim thế hệ trẻ.

Kể mãi những chuyện anh hùng - Anh 2

 "Sng để k li nhng anh hùng gm 30 câu chuyn k v nhng người anh hùng trong cuc kháng chiến chng M cu nước đã đi vào huyn thoại

Năm tháng sẽ lùi xa, song những câu chuyện kể chân thật sẽ giúp người đọc nhớ mãi về lòng yêu nước, sự hy sinh của những chiến sĩ, Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đọc sách, độc giả sẽ thấy được Anh hùng Bảy Ước với câu chuyện được con của chú kể lại, khi máy bay Mỹ bắn vào trạm xá Trung đoàn 10, ở đó có cô Mến, vợ của chú. Hình ảnh ông chạy ra, chứng kiến cảnh ấy chỉ có thể ngồi thụp xuống, bó gối kêu lên: “Trời ơi!”. Hay cảnh ông đi tìm đồng đội hy sinh mà không thể tìm ra vì họ đã bị cá sấu rừng Sác ăn hết rồi. Nỗi đau đớn tột cùng khi chứng kiến đồng đội hy sinh hai lần, đầy trống trải và khốc liệt.

Hay câu chuyện của cô Võ Thị Tâm, Trung đoàn 31 của cô do ông Hai Hoàng chỉ huy tham gia đợt 2 Mậu Thân 1968. Cầm cự đánh nhau với địch ở khu chợ Thiếc, quận 11, quận 6 gần cả tháng trời. Pháo địch bắn nát mấy khu nhà mà họ ẩn náu. Cô Tâm bị thương và bị vùi lấp trong đống đổ nát, tỉnh dậy thấy con mắt trái lòi ra ngoài, bê bết máu, cô đã dùng tay đẩy con mắt ấy vô lại hố mắt... Rồi AHLLVT Tư Cang kể về chính người em trai của ông, hy sinh ở Bà Rịa, Mậu Thân năm 1968. Do bị chỉ điểm vị trí hầm trú ẩn mà toàn bộ cán bộ lãnh đạo xã Long Phước đã quyết định hy sinh tập thể chứ không đầu hàng, vìkhi bị bắt lên, có thể xảy ra những tình huống không hay, gây ảnh hưởng đến đồng đội, tổ chức. May có một nữ đồng chí bỏ chạy ra khỏi hầm, bị bắt và trao trả sau này về kể lại, anh em mới biết rõ hoàn cảnh hy sinh tập thể này… Và rất rất nhiều câu chuyện đầy giá trị xuyên suốt 400 trang sách hào hùng.

Có thể thấy, Sống để kể lại những anh hùng chính là những tư liệu chân thực, quý giá về sự hy sinh và lòng dũng cảm của người lính Cụ Hồ trong chiến tranh để giáo dục về truyền thống cách mạng cho lớp trẻ ngày nay. Có mặt tại buổi ra mắt sách, đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) mong muốn tác phẩm sẽ được đông đảo người dân quan tâm đón đọc, nhất là các cháu thanh thiếu niên. “Đây là tài liệu tốt để khơi dậy lòng dũng cảm, trung thành với Tổ quốc, ra sức học tập để xây dựng đất nước giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông”, bác Tư Cang nhấn mạnh.

Còn với nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, cô bày tỏ sự trân quý những người chọn viết về chiến tranh bởi đây là một đề tài rất khó, đòi hỏi tác giả phải tìm tòi, khai thác sâu và phản ánh đúng sự thật. “Nhìn thấy Sống để kể lại những anh hùng của tác giả Nguyễn Quang Chánh được xuất bản, tôi mừng vì trong giai đoạn văn hóa đọc đang gặp nhiều khó khăn mà cuốn sách vẫn được nhiều độc giả yêu mến và đón nhận. Minh chứng là chỉ sau nửa năm ra mắt Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng, thì nay nhà văn lại tiếp tục chiều lòng bạn đọc với một tác phẩm mới”, nữ nhà văn chia sẻ. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc