Cần công tâm, công bằng với Hội đồng thẩm định, phân loại phim

VHO- Không phải cho đến khi bộ phim Đất rừng phương Nam ra rạp với nhiều tranh cãi gay gắt, Hội đồng thẩm định, phân loại phim (Hội đồng) mới nhận về những chỉ trích từ dư luận và một bộ phận giới nghề, chuyên gia điện ảnh… Thậm chí, nhiều người còn cho rằng Hội đồng đã thiếu sự nghiêm cẩn, chặt chẽ khi thẩm định, cấp phép.

Cần công tâm, công bằng với Hội đồng thẩm định, phân loại phim - Anh 1

 Cảnh trong phim Đất rừng phương Nam

Đất rừng phương Nam chỉ là thêm ví dụ để thấy rằng, lâu nay, Hội đồng dường như luôn là tâm điểm trong những tranh cãi khi một bộ phim có ý kiến trái chiều. Nhưng, sòng phẳng thì cũng phải thấy rằng, quyết định chuyên môn của Hội đồng, trước hết cần phải được đón nhận bằng sự trân trọng, công bằng.

Cn có cách nhìn sòng phng

Chất lượng hoạt động chuyên môn của các Hội đồng thẩm định, phân loại phim từ nhiều năm nay luôn là vấn đề được Bộ VHTTDL quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả, đảm bảo mọi quyết định đưa ra đều chính xác, khách quan, thượng tôn pháp luật.

Về Đất rừng phương Nam, trong khi nhà sản xuất lạc quan vì phim lọt top 3 phim Việt doanh thu cao nhất năm 2023, thì “hot search” trên các nền tảng mạng xã hội cũng không ngừng gia tăng số lượng tìm kiếm, trong đó, không ít bài viết chỉ trích Hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện.

Trao đổi với Văn Hóa, GS.TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình cho rằng, những phim mang âm hưởng tự hào như Đất rừng phương Nam trong tổng đề tài các phim truyện Việt Nam thời gian gần đây còn khá khiêm tốn. Vì thế, những tác phẩm như vậy rất nên được khuyến khích, trân trọng. Bộ phim cũng hội tụ đủ các yếu tố của một sản phẩm công nghiệp văn hóa mà điện ảnh Việt Nam hướng tới trong nhiều năm qua. “Cũng như nhiều tác phẩm điện ảnh khác, Đất rừng phương Nam còn có thể nhặt ra những hạt sạn, nhưng nhìn chung, đây là bộ phim được đầu tư công phu, có chất lượng nghệ thuật tốt, chạm vào trái tim mọi người…”, GS.TS Trần Thanh Hiệp chia sẻ.

Cục Điện ảnh cho biết, ngày 29.9 vừa qua, 100% thành viên Hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã họp thẩm định, phân loại và thống nhất kết luận, Đất rừng phương Nam không vi phạm Luật Điện ảnh và cho phép bộ phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Trước những dư luận trái chiều, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh đã mời một số cơ quan, đơn vị chức năng xem phim, trước khi mời Hội đồng thẩm định, phân loại họp và thảo luận. Tại buổi làm việc, Cục Điện ảnh cũng đã mời nhà sản xuất, ê kíp sáng tạo phim này đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan. Đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa, theo đó, sẽ bỏ tên và lời thoại về các hội nhóm trong phim, thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.

Như vậy, việc chỉnh sửa tên các hội nhóm trong Đất rừng phương Nam là sự chủ động đề xuất từ phía nhà sản xuất, nhằm tránh những liên tưởng, hoàn thiện và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người xem. Tuy nhiên, trong nhiều bài viết đã đăng tải lại có ý kiến cho rằng, Cục Điện ảnh sau khi cấp phép cho phim Đất rừng phương Nam ra rạp, thấy dư luận có ý kiến thì vội vàng yêu cầu nhà sản xuất, nhà phát hành chỉnh sửa. Cũng có ý kiến nhận định, phim đã được thẩm định, cấp phép nhưng dường như lỗi sai chỉ ở phía nhà làm phim, còn Cục Điện ảnh vô can. Và, khi phim đã chỉnh sửa xong, lẽ ra phải cấp phép lại cho bản chỉnh sửa theo quy định của Luật Điện ảnh thì điều này đã không diễn ra (hoặc chưa diễn ra?!)...

Về những ý kiến này, được biết, toàn bộ quy trình thẩm định, phân loại, cấp phép, kể cả với bản phim đã chỉnh sửa đều đã được Cục Điện ảnh thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của Luật Điện ảnh 2023 và các văn bản hướng dẫn. Có nghĩa, không có chuyện Cục Điện ảnh vội vàng yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa phim; cũng không có chuyện không cấp phép lại bản phim đã chỉnh sửa trước khi chiếu tại rạp.

Mặt khác, Hội đồng thẩm định, phân loại phim đều là những thành viên uy tín, các chuyên gia, nhà quản lý giàu kinh nghiệm. Một chuyên gia điện ảnh kỳ cựu cho rằng, những quyết định chuyên môn được đưa ra từ Hội đồng cần phải được đón nhận bằng sự trân trọng, công tâm, sòng phẳng, tránh những thông tin chưa được thẩm định kỹ càng.

Ci m để thúc đẩy sáng to

Nhà văn Thái Kế Toại, nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn thẩm định điện ảnh của Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) chia sẻ: “Đọc nhiều ý kiến trên mạng về phim Đất rừng phương Nam, tôi thấy hoang mang quá. Nhưng khi xem xong thì lại thấy phim rất được, đã có một bước tiến khá xa với kỹ thuật làm phim của nước ta, nhất là thoại và cốt truyện tối giản…”.

Nhà văn Thái Kế Toại cũng cho rằng, công chúng nên bình tĩnh để đón nhận phần sau của bộ phim, bởi để làm được một tác phẩm như Đất rừng phương Nam là cố gắng rất lớn của nhà sản xuất, các thành phần diễn xuất, kỹ thuật, phục vụ… “Hiện có nhiều cách nhìn nhận, ứng xử với tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, bao gồm cả tác phẩm điện ảnh, chưa thực sự cởi mở, thậm chí không đúng. Lẽ ra, cần phải cởi mở, thông thoáng thì nhiều người lại “chính trị hóa”, điều đó làm thui chột đi ít nhiều sự sáng tạo trong điện ảnh. Phim Hollywood với yếu tố giải trí là chính, cốt truyện và lời thoại đều tối giản. Đất rừng phương Nam cũng có nhiều yếu tố đáp ứng được những tiêu chí này, hướng đến nhu cầu giải trí cao”, nhà văn Thái Kế Toại nhìn nhận.

Đánh giá vai trò của Hội đồng thẩm định, phân loại phim, ông Toại cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cởi mở, thúc đẩy sáng tạo cũng như sự tỉnh táo và bản lĩnh của từng thành viên Hội đồng, đặc biệt trước những áp lực, ý kiến trái chiều từ dư luận.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, ông đánh giá cao nỗ lực của Cục Điện ảnh trong việc thể hiện trách nhiệm của mình nhằm tạo điều kiện đưa tới người xem những bộ phim Việt có chất lượng tốt nhất, nội dung tư tưởng phù hợp. “Việc Cục Điện ảnh lắng nghe ý kiến của dư luận, phối hợp cùng đơn vị sản xuất phim chỉnh sửa những chi tiết chưa hợp lý để đem lại cảm xúc trọn vẹn cho khán giả, theo tôi cũng là một cách phản ứng phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay…”, theo ông Bùi Hoài Sơn.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nêu rõ quan điểm, chúng ta không chạy theo dư luận để giải quyết những vấn đề quản lý nhà nước, nhưng cần lắng nghe dư luận để điều chỉnh quyết định của cơ quan quản lý trong những trường hợp cụ thể. Ranh giới đúng, sai trong nghệ thuật khá mong manh, nhiều khi, chúng ta cần sự đồng thuận và hợp lý hơn là tranh cãi khi thiếu tiêu chí thống nhất. Điều đó còn chứng minh sự tôn trọng, lắng nghe và cầu thị của các đơn vị để làm tốt trách nhiệm chính trị, xã hội của mình.

Bên cạnh đó, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần phải có cách nhìn công bằng, ủng hộ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, nhất là tác phẩm khai thác chất liệu lịch sử. Câu chuyện phim Đất rừng phương Nam không chỉ giới hạn ở một bộ phim, mà rộng ra là quan điểm về cách thức làm phim lịch sử, sáng tạo và phát triển thị trường nghệ thuật cho nước nhà. “Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nhấn mạnh: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Sử dụng chất liệu lịch sử để sáng tác văn học, nghệ thuật là một chủ đề rất đáng khuyến khích nhưng hiện đang gặp muôn vàn khó khăn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Vì thế, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tôn trọng lịch sử phải được xem là nguyên tắc. Sáng tạo đến đâu cũng cần có khuôn khổ. Nhưng làm thế nào để hài hòa hai yếu tố đó ở mức độ được đa số công chúng chấp nhận lại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức chung của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, sáng tạo nghệ thuật về lịch sử cần được nhìn nhận một cách “thoáng” hơn, được lắng nghe theo cách tích cực nhiều hơn, và được ủng hộ nhiều hơn. 

 Trong bối cảnh nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam mới phục hồi sau Covid-19 còn nhiều khó khăn, những sản phẩm điện ảnh có giá trị nhân văn rất đáng được trân trọng, khích lệ. Trường hợp phim Đất rừng phương Nam cũng vậy. Nói điều đó không có nghĩa không được chỉ ra những khiếm khuyết. Bởi đã hơn một lần, tôi nói tới câu chuyện điện ảnh rất cần tiếng nói phê bình như phần thức tỉnh, tự ý thức để phát triển, nhưng không phải phê bình cho “chết”, cho thật tổn thương, “chụp mũ”, để rồi người làm nghệ thuật không còn cảm hứng sáng tác.

… Suy cho cùng, tấm vé và sự ủng hộ của người xem sẽ quyết định thành bại của bất kỳ bộ phim nào. Tôi nghĩ, Đất rừng phương Nam là tác phẩm đáng xem, cho ta nhiều kinh nghiệm trong xây dựng nền công nghiệp văn hóa trong điện ảnh mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.

(GS.TS TRẦN THANH HIỆP)

 

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc