Điều kiện để UBND tỉnh được cấp phép phân loại phim: Phải sản xuất ít nhất 10 phim/năm...

VHO- Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) Vi Kiến Thành cho biết, trong những quy định mới và thông thoáng của Luật Điện ảnh năm 2022 cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, đáng chú ý là các quy định về phân cấp, điều kiện cấp giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh.

Điều kiện để UBND tỉnh được cấp phép phân loại phim: Phải sản xuất ít nhất 10 phim/năm... - Anh 1

TP.HCM là thị trường điện ảnh sôi động, đủ khả năng đáp ứng các điều kiện về thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim (Ảnh: Phối cảnh dự kiến của LHP quốc tế TP.HCM 2024. Nguồn BTC)

Theo dự thảo Thông tư sắp ban hành, UBND cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình khi năm trước liền kề (tính từ ngày 1.1 đến 31.12); các cơ sở điện ảnh có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh sản xuất ít nhất 10 phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã được cấp Giấy phép phân loại phim và được phép phổ biến.

Phân cấp mạnh về địa phương

Theo Điểm a, b Khoản 1 Điều 31 về “Hội đồng thẩm định, phân loại phim” tại Luật Điện ảnh năm 2022: Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim được quy định: Bộ trưởng Bộ VHTTDL thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ VHTTDL; Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Khoản 2 Điều 31 quy định, Hội đồng thẩm định, phân loại phim có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi cấp Giấy phép phân loại phim. Thành phần của Hội đồng thẩm định, phân loại phim gồm nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan…

“Luật Điện ảnh năm 2022 và Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31.12.2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh cùng các Thông tư liên quan có nhiều điểm mới, đặc biệt hướng đến mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công nghiệp điện ảnh. Đáng chú ý, nếu trước đây chỉ có Hội đồng thẩm định, phân loại phim Trung ương do Bộ VHTTDL thành lập thì theo những quy định mới này, các tỉnh, thành phố đều có thể được thành lập Hội đồng thẩm định và phân loại phim khi đáp ứng đủ các điều kiện…”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.

Thông tư 11/2023/TT-BVHTTDL ngày 5.10.2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thẩm định, phân loại phim quy định rõ, phạm vi áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép phân loại phim, cơ quan cấp quyết định phát sóng để phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ VHTTDL, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Hội đồng có chức năng thẩm định, phân loại phim để tư vấn cho Bộ VHTTDL, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình trước khi cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng theo quy định tại Điều 31 Luật Điện ảnh. Thành phần của Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, bao gồm đại diện cơ quan cấp giấy phép hoặc cơ quan cấp quyết định phát sóng, nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan…

Ông Vi Kiến Thành thông tin thêm, quy định về phân cấp, điều kiện cấp giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh đã phân cấp mạnh công tác quản lý điện ảnh về các địa phương. Có thể nói Việt Nam là một trong số ít quốc gia đi đầu trong xu thế phân cấp này, nhiều nước cũng chỉ có một Hội đồng để thẩm định, phân loại phim. Nhìn tổng thể thì đây là quy định phù hợp xu thế phát triển chung, hướng đến mục tiêu thúc đẩy và nâng cao trình độ, năng lực làm phim, quản lý điện ảnh tại các địa phương, đặc biệt tại các trung tâm đô thị lớn, có nhiều tiềm năng về điện ảnh như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…

Đáp ứng điều kiện “sản xuất ít nhất 10 phim/năm”…

Dự thảo Thông tư quy định điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh, dự kiến sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới, quy định: UBND cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh sản xuất hoặc nhập khẩu khi đáp ứng các điều kiện: Có Hội đồng thẩm định, phân loại phim đáp ứng quy định tại Thông tư số 11/2023/TT-BVHTTDL ngày 5.10.2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim. Có cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật chiếu phim phù hợp với các định dạng phim bảo đảm phục vụ hoạt động thẩm định, phân loại phim. Có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để tổ chức, cá nhân thực hiện đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim.

UBND cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình do cơ sở điện ảnh có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh sản xuất hoặc nhập khẩu, bên cạnh các quy định trên, cần đáp ứng điều kiện “Năm trước liền kề (tính từ ngày 1.1 đến 31.12), các cơ sở điện ảnh có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh sản xuất ít nhất 10 phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã được cấp Giấy phép phân loại phim và được phép phổ biến”.

Như vậy, UBND cấp tỉnh khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên sẽ được cấp Giấy phép phân loại phim. Điều 32 Luật Điện ảnh về Phân loại phim quy định: Phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến, bao gồm: Loại P - Phim được phép phổ biến đến mọi loại tuổi; Loại T18 (18+) - Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại T16 (16+) - Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Loại T13 (13+) - Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại K - Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; Loại C - Không được phép phổ biến.

Những tiêu chí phân loại phim này áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định. Bên cạnh sự cởi mở, thông thoáng, quy định phân cấp về các địa phương ban đầu cũng mang đến những băn khoăn bởi thực tế, nhiều địa phương chưa đủ khả năng đáp ứng được các điều kiện quy định. Đại diện tỉnh Sơn La cho biết, địa phương rất quan tâm đến những quy định về việc thành lập Hội đồng thẩm định và phân loại phim, tuy nhiên với đặc thù tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa thì cũng còn nhiều cái khó. Nhằm đáp ứng theo đúng quy định của Luật, cơ quan chức năng của tỉnh đang chuẩn bị xây dựng quy trình, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định liên quan đến việc thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim tài liệu, phim khoa học, phim ngắn… “Theo quy định, Chủ tịch Hội đồng là nhà chuyên môn điện ảnh, nhưng nếu địa phương không có chuyên gia điện ảnh thì việc thành lập Hội đồng sẽ xử lý như thế nào? Những người có kinh nghiệm sản xuất phim tại các Trung tâm điện ảnh có đủ tư cách tham gia không? Hoặc về quy định địa điểm chiếu phim, nếu điều kiện địa phương không có rạp chiếu, không có phòng chiếu theo tiêu chuẩn thì có thể sử dụng Hội trường có đủ trang thiết bị được không?...”, đại diện Sơn La trăn trở.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, những băn khoăn của nhiều địa phương xung quanh quy định này sẽ được giải đáp rõ ràng sau khi Thông tư quy định điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh được ban hành. Với quy định Chủ tịch Hội đồng là nhà chuyên môn điện ảnh, bà Hà giải thích rõ hơn: “Điện ảnh là loại hình nghệ thuật đặc thù thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nên quy định phải có nhà chuyên môn điện ảnh là để đảm bảo giá trị của việc cấp phép, chặt chẽ về chuyên môn, đảm bảo sự phát triển về nội dung và công nghệ điện ảnh. Thông tư 11 trước khi ban hành đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phát hành và các địa phương, cùng với Thông tư quy định điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh sắp được ban hành sẽ thể hiện rõ quy định mới của Luật đã được triển khai trong đời sống điện ảnh”. 

 

 Quy định về phân cấp, điều kiện cấp giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh đã phân cấp mạnh công tác quản lý điện ảnh về các địa phương. Có thể nói, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đi đầu trong xu thế phân cấp này, nhiều nước cũng chỉ có một Hội đồng để thẩm định, phân loại phim. Nhìn tổng thể thì đây là quy định phù hợp xu thế phát triển chung, hướng đến mục tiêu thúc đẩy và nâng cao trình độ, năng lực làm phim, quản lý điện ảnh tại các địa phương…

(Ông VI KIẾN THÀNH, Cục trưởng Cục Điện ảnh)

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc