Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Tận dụng “kho báu” dữ liệu, phát triển công nghệ

Thứ Sáu 17/07/2020 | 11:29 GMT+7

VHO- Hội nghị Công nghệ 2020 (Tech Summit 2020) do Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM sáng 16.7. Với chủđề “Khám phákho báu Midas”, các chuyên gia, đại diện các công ty công nghệ cùng các diễn giả đã chia sẻ những nội dung sâu, rộng về các công nghệ chính trong “kho báu” dữ liệu.

Các diễn giả thảo luận tại Tech Summit 2020

Nguồn tài nguyên quý giá

Dữ liệu đang trở thành nguồn tài nguyên giá trị nhất trên thế giới mà những doanh nghiệp, tổ chức khám phá được “mỏ” tài nguyên mới này biết cách khai thác sẽ có vị thế khó lòng thay thế được trong việc tạo và cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho tệp khách hàng lớn ở quy mô toàn cầu. Nếu ví dữ liệu như một “kho báu” quý giá, doanh nghiệp hay tổ chức nào có được khả năng khai thác, xử lý dữ liệu sẽ là các “vị vua Midas” huyền thoại có bàn tay chạm vào bất kỳ thứ gì cũng biến thành “vàng”.

Trong phiên thảo luận với chủ đề “Những cánh cửa tương lai” tại Tech Summit 2020, các diễn giả đưa ra thông điệp phải có sự kết nối đa chiều để mở cánh cửa tương lai: Dữ liệu lớn và những ứng dụng từ dữ liệu lớn. Giám đốc điều hành Ericsson Vietnam, Myanmar, Cambodia & Laos - ông Denis Brunetti khẳng định các doanh nghiệp tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tiếp cận và sử dụng những ứng dụng công nghệ vào vận hành doanh nghiệp khi công nghệ số đang hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới. “Chúng tôi nhìn thấy sự thay đổi lớn khi các nhà mạng viễn thông Việt Nam như Mobifone, VNPT... từ vị trí một nhà vận hành đã trở thành đơn vị cung ứng dịch vụ Internet. Khách hàng của họ cũng từ những người dùng cá nhân trở thành những doanh nghiệp”, ông Denis Brunetti nói.

Theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó chủ tịch cấp cao của Hitachi Vantara, nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam có đủ tài năng và kỹ năng để tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp khi làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra. Ông Quỳnh khuyến nghị phải có những tổ chức nền tảng, xây dựng hệ thống quản lý thống nhất từ trên xuống để đảm bảo tính xác thực của dữ liệu thì mới có thể tạo ra được ảnh hưởng tới công cuộc chuyển đổi số.

Vai trò ca trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua và đạt được nhiều thành quả lớn trong cuộc sống. AI được dự đoán sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc chơi ở mọi lĩnh vực trong 10 năm tới. Ước tính công nghệ này sẽ đóng góp cho kinh tế thế giới toàn cầu 15.700 tỉ USD vào năm 2030. Trong đó, các lĩnh vực chính yếu được ứng dụng AI nhiều và thành công nhất có thể kể đến là hình ảnh, ngôn ngữ và lập trình ngôn ngữ tư duy. Như lời khẳng định của ông Đào Đức Minh - giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI tại Tech Summit 2020 - “AI và thời đại của nó đang chạm đến mọi ngóc ngách trong đời sống của chúng ta”. Ông Minh diễn giải thêm: “AI đồng hành cùng chúng ta mỗi ngày, khi chúng ta dùng công nghệ nhận diện gương mặt trên điện thoại di động, dùng bản đồ số để tìm đường đi làm, phần mềm kiểm tra chính tả khi soạn thảo email, hay khi nhận được những khuyến cáo mua sắm được cá nhân hóa”.

Ông Vũ Duy Thức, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của OhmniLabs khẳng định AI đang nhận được nhiều sự quan tâm vì có thể đảm nhận được nhiều phần việc của con người. Ông Thức cho rằng AI giúp gia tăng hiệu suất, tạo ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá trong lĩnh vực này: “Chính phủ xác định trí tuệ nhân tạo là công nghệ cao cần ưu tiên đầu tư và phát triển kể từ năm 2014. Ngày càng có nhiều chương trình hỗ trợ việc phát triển công nghệ AI, nhiều doanh nghiệp Việt ứng dụng AI trong các hoạt động kinh doanh”.

 Tổng biên tập Báo Văn Hóa và Forbes Việt Nam Chu Thị Thu Hằng tặng kỷ niệm chương cho các diễn giả tại Tech Summit 2020

Thay đổi sau dịch Covid-19

Cũng tại Tech Summit 2020, một vấn đề rất được quan tâm, đó là việc các doanh nghiệp làm sao định dạng lại cách thức để phát triển sản phẩm, dịch vụ, mở rộng hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số hóa (chuyển đổi số) và phân tích dữ liệu để doanh nghiệp vượt qua thách thức sau gián đoạn vì Covid-19?. TS Huỳnh Lương Huy Thông, đại diện Công ty Công nghệ thông tin VNPT cho biết: “Theo tôi dịch Covid-19 không chỉ đặt ra thách thức mà nó còn là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số và phân tích dữ liệu diễn ra nhanh hơn. Điều này cũng đặt ra vấn đề là trong thời gian ngắn như thế chúng ta thay đổi để làm gì? Câu trả lời là thay đổi để vượt qua khó khăn, để sống sót qua đại dịch này. Nhưng đây cũng là cơ hội để nhiều mô hình mới bứt phá. Rõ ràng thời hậu dịch Covid-19 có rất đông khách hàng có nhu cầu rất lớn về cách thức thay đổi sản phẩm, dịch vụ.

Thử lấy ví dụ về dịch vụ chuyển đồ ăn trong mùa dịch, đằng sau công việc mang đồ ăn tới khách hàng là cả một quá trình, trong đó có việc liên quan đến sử dụng công nghệ. Và sau khi hết dịch Covid-19, dịch vụ chuyển đồ ăn này sẽ có sự thay đổi thế nào để đáp ứng nhu cầu khách hàng? Điều này cho thấy việc thay đổi chuyển đổi số và phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp sau dịch Covid-19 là điều rất cần thiết”.

Cơ hội phát triển 5G tại Việt Nam

“Nếu 3G mang lại công nghệ di động số vẫn còn hạn chế, 4G gia tăng tỷ lệ sử dụng các ứng dụng đòi hỏi băng thông rộng thì với 5G, tất cả ngành nghề sẽ thay đổi và thực sự 5G là một trong những cụm từ “nóng” của giới công nghệ hiện tại”, ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhận định tại Tech Summit 2020. Ông Denis Brunetti tin rằng Việt Nam đang sở hữu những yếu tố cần để phát triển khoa học công nghệ, trong đó bao gồm một nền kinh tế và chính trị ổn định. Ông Denis Brunetti lý giải khi tất cả mọi người đều có khả năng hiện thực hoá lý tưởng nhờ công nghệ, những ngành công nghiệp mới sẽ xuất hiện, kéo theo đó là sự xuất hiện của những ngành nghề mới. “Như vậy chính phủ Việt Nam sẽ cần phải tập trung vào phát triển khoa học, giáo dục và dạy nghề để chuẩn bị tốt nhất cho lực lượng lao động của tương lai”, ông Denis Brunetti nhận định.

Ông Denis Brunetti cũng lấy dẫn chứng từ việc vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn đang rất ổn định. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã vươn lên top 3 trong 6 nước lớn nhất ASEAN. Gần đây nhất, dịch bệnh xảy ra đã giúp chính phủ và người dân Việt Nam minh chứng sự đồng lòng trong thời gian khó khăn. Những yếu tố trên, cộng với mức độ phủ sóng điện thoại và mạng viễn thông ngày một cao, chính là phần nền để các công nghệ đổi mới sáng tạo, bao gồm cả 5G phát triển.

 LÊ HOÀN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top