Bắt giữ 2 thủ phạm gây ra hơn 100 vụ trộm két sắt ở các tỉnh, thành

VHO - Cùng với sự hỗ trợ của công an các đơn vị, địa phương, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Bình đã phá thành công chuyên án, bắt 2 đối tượng gây ra hơn 100 vụ trộm két sắt trên địa bàn và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bắt giữ 2 thủ phạm gây ra hơn 100 vụ trộm két sắt ở các tỉnh, thành - Anh 1

Bắt giam 2 đối tượng, trong thời gian 18 năm đã gây ra 100 vụ trộm két sắt ở nhiều tỉnh, thành phố

2 thủ phạm bị khởi tố, bắt giam là Trần Văn Điệp (sinh năm 1964) thường trú xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Đặng Văn Ngọc (sinh năm 1968), thường trú tại xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Bước đầu, Công an tỉnh Quảng Bình đã làm rõ 2 vụ trộm xảy ra đêm 24, rạng sáng ngày 25.6.2023 tại lâm trường Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) và tại chùa Bảo Khánh (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) ngày 13.2.2023, thiệt hại gần 1 tỷ đồng, đều do 2 đối tượng Điệp và Ngọc gây ra.

Từ những chứng cứ liên quan đến vụ án trộm két sắt ở Quảng Bình, Công an Quảng Bình đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xin ý kiến và phối hợp các cục nghiệp vụ của Bộ lập chuyên án đấu tranh. Những trinh sát giỏi được cử đến các tỉnh, thành phố để truy tìm tung tích đối tượng.

Giữa tháng 12.2023, khi Trần Văn Điệp đang đẩy xe áo quần đi bán dạo trên đường phố Đồng Hới thì lực lượng Cảnh sát hình sự Công an Quảng Bình ập vào bắt giữ. Đối tượng Đặng Văn Ngọc cũng bị bắt ngay sau đó.

Tại cơ quan công an, 2 “siêu trộm” Trần Văn Điệp và Đặng Văn Ngọc khai nhận: Từ năm 2005 đến ngày bị bắt, bọn chúng đã gây ra hơn 100 vụ trộm cắp tài sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, chủ yếu tập trung ở các tỉnh từ miền Trung trở vào.

Để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, các đối tượng thường lang thang qua các địa bàn, giả dạng người bán hàng rong để khảo sát địa điểm. Chúng mua phương tiện để đi lại, không thuê địa điểm nghỉ mà đi vạ vật lang thang để tránh bị lộ hoặc bị nhận dạng qua hệ thống camera an ninh.

Tài sản các đối tượng nhắm đến là két sắt tại các cơ quan, đơn vị và thường gây án vào thời điểm cuối tuần bởi chúng cho rằng, đây là thời điểm vắng người, công tác bảo vệ có nhiều sơ hở.

Sau khi gây án, các đối tượng chia tiền và tách nhau ra, trốn ngay khỏi địa bàn. Đến khi cần thực hiện các vụ trộm tiếp theo, các đối tượng mới liên lạc lại với nhau để “đánh quả” rồi lại trốn sang địa bàn khác để tránh sự truy xét của lực lượng công an.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Quảng Bình tiếp tục phối hợp với công an các địa phương điều tra mở rộng vụ án trộm két sắt có tính chất nghiêm trọng và có nhiều tình tiết ly kỳ này.

TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc