Đám cưới ở châu Á đang trở thành gánh nặng

VH- Ở Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, chi phí cho đám cưới ngày càng tăng. Tiền, vàng ngập tràn trong những hôn lễ này.

Mỗi năm có khoảng 8.000 người đã thiệt mạng vì hủ tục đám cưới ở Ấn Độ

VH- Ở Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, chi phí cho đám cưới ngày càng tăng. Tiền, vàng ngập tràn trong những hôn lễ này.

Điều đáng nói là vì không có tiền làm đám cưới, ở những quốc gia này, tỷ lệ đàn ông độc thân ngày càng cao hoặc nhiều cô dâu bị nhà chồng thiêu sống vì thiếu của hồi môn.
 Ở Hàn Quốc hiện nay, hai người muốn kết hôn cần phải có khoảng 200.000 USD. Nguyên nhân của chi phí kết hôn ngất ngưởng này bắt nguồn từ truyền thống văn hóa quà cưới giữa các gia đình thông gia, kết hợp với thông lệ từ hàng thập kỉ về việc chú rể phải có khả năng chi trả cho nhà ở.
Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, chi phí trung bình cho một đám cưới vào năm 2011 tăng khoảng 270% so với năm 1999, trong khi lạm phát cùng giai đoạn này tăng 45,5%. Tổng chi vượt xa thu nhập bình quân hằng năm hộ gia đình (48,3 triệu won, tương đương 42.400 USD).
Do đó, nhiều cặp đôi buộc phải nhờ tới cha mẹ hay vay mượn để kết hôn.
Quà cưới cũng chiếm một khoản lớn trong chi phí. Theo phong tục, gia đình cô dâu chú rể trao đổi các món quà: lụa để may quần áo mới, hay những trang sức đơn giản để thể hiện lòng biết ơn tới gia đình thông gia. Nhưng ngày nay, lụa đã được thay bằng túi xách đắt tiền, và trang sức thì bằng cả bộ đá quý.
Tuy nhiên, phần lớn nhất trong chi phí kết hôn lại do giá nhà tăng cao. Theo số liệu của trang web couple.net, một công ty môi giới hôn nhân, chi phí cho nhà ở của các cặp đôi đã cao gấp 2,5 lần so với năm 2000, chiếm 70% chi phí kết hôn.
Thời gian gần đây, nhiều cặp đôi người Nhật đã sang các nước Đông Nam Á để tổ chức tiệc cưới, bởi chi phí tổ chức tiệc cưới tại nước này ngày một cao.
Số liệu mới nhất của Recruit Marketing Partners cho thấy, bất chấp việc kinh tế có đối diện với một số khó khăn trong những năm gần đây, chi phí làm đám cưới ở Nhật năm sau vẫn cao hơn năm trước. Cụ thể, chi phí làm đám cưới trong năm tài khóa 2014 trung bình vào khoảng 3,527 triệu yên.
Con số này cũng khá cao nếu so với mức lương trước thuế của sinh viên mới ra trường ở Nhật - thường ở mức khoảng 2,4 triệu yên/năm (họ sẽ còn phải đóng rất nhiều thuế, bảo hiểm chứ không được nhận toàn bộ số tiền này).
Theo số liệu của Zexy, một tạp chí chuyên viết về các đám cưới ở Nhật, chi phí trung bình mà chủ đám cưới phải chi cho mỗi người khách hiện trung bình là 59 nghìn yên/người. Trong nhiều trường hợp, với những đám cưới xa xỉ, chi phí cho mỗi khách có thể lên đến 100 nghìn yên.
Bà Takahashi, người vừa tổ chức đám cưới cho con trai ở Indonesia cho biết, tính cả chi phí vé máy bay khứ hồi cho 7 người (kể cả cô dâu chú rể) từ Nhật Bản sang Indonesia, chi phí khách sạn, chi phí tổ chức, thì tổng số tiền gia đình bà phải bỏ ra vẫn thấp hơn nhiều so với con số 4 triệu yên mà một số bạn bè của bà đã bỏ ra để tổ chức đám cưới cho con mình tại Nhật.
Bà Takahashi cũng cho biết, cách đây 30 năm, đám cưới của bà cũng đã tiêu tốn đến 2 triệu yên. Chính vì thế gia đình bà cũng như nhiều gia đình Nhật khác đã chọn ra nước ngoài làm đám cưới để tiết kiệm.
Do đặc điểm văn hóa, người Trung Quốc và người Ấn Độ cho rằng cô dâu được tặng càng nhiều vàng thì càng thể hiện sự giàu có của bố mẹ hai bên và càng đảm bảo hạnh phúc lâu bền của đôi trẻ. Chính lối suy nghĩ ấy đã tạo ra những “đám cưới vàng” ở hai quốc gia đông dân này.
Năm 2016, hôn lễ giữa vị thiếu gia Sơn Đông và tiểu thư Macau này từng khiến báo giới Trung Quốc tốn không ít giấy mực vì quá sức xa hoa và trang phục của cô dâu, chú rể được làm từ vàng và hàng chục kilogram vàng đeo trên người. Năm 2016, một đám cưới ở Chiết Giang (Trung Quốc) gây choáng váng dư luận khi trang trí phòng tiệc cưới như cung điện và khách đến dự được tặng iPhone, iPad đời mới nhất.
Tại Ấn Độ, hằng năm có đến 20 triệu lễ cưới được tổ chức, tuy những câu chuyện của các cặp đôi hoàn toàn khác nhau, nhưng lễ cưới của tất cả mọi người luôn có một điểm chung, đó là có rất nhiều vàng. Vàng được đeo trên người cô dâu, chú rể, dệt lên những bộ quần áo cưới, đồ đạc trong tiệc cưới…
Số lượng vàng xuất hiện tại các lễ cưới ở Ấn Độ nhiều vô kể, nhiều đến mức gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vàng thế giới và kéo theo cả chứng khoán, tiền tệ của thế giới ảnh hưởng theo. Theo Hội đồng vàng thế giới, mỗi năm, Ấn Độ có 20 triệu lễ cưới và ít nhất 800 tấn vàng được tiêu cho việc này. 
Ở Ấn Độ, cho đến ngày nay, của hồi môn vẫn là khoản tài sản, hàng hóa có giá trị mà mỗi cô dâu phải mang theo khi về nhà chồng. Người Ấn Độ quy định phụ nữ không có quyền thừa kế, nên của hồi môn chính là khoản tài sản mà cha mẹ dành cho con gái khi đến sống ở nhà chồng. Nó cũng thể hiện tình yêu của các bậc cha mẹ đối với con cái. Tuy nhiên, ngày nay, nó đã bị lòng tham của gia đình nhà trai lợi dụng và trở thành gánh nặng đè lên vai những cô gái xuất thân trong gia cảnh thiếu thốn.
Một cô gái về nhà chồng mà không mang đủ của nả theo yêu cầu sẽ phải sống trong sự khinh bỉ và bạo hành của gia đình chồng. Và khi không thể chịu đựng nổi, các cô dâu buộc phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi tình cảnh “sống không bằng chết”. Ghê rợn hơn, nhiều cô gái khác thậm chí còn bị nhà chồng đổ dầu hỏa thiêu sống hoặc ép tự tử.
Cục Báo cáo Tội phạm Quốc gia Ấn Độ ước tính, hằng năm, 8.000 người đã thiệt mạng vì tục lệ trao của hồi môn này. 
 

Chi Mai

Ý kiến bạn đọc