Chết vì... làm việc quá sức

VH- Đối với nhiều người trên thế giới, chết do làm việc quá sức có thể là một điều không tưởng, nhưng tại Nhật Bản và nhiều nước phát triển thì đây là một vấn nạn nhức nhối đến nỗi, người ta dành cả một thuật ngữ để ám chỉ điều này đó là Karoshi trong tiếng Nhật có nghĩa là “chết do làm việc quá sức”.

Hiện tượng Karoshi đã từ lâu len lỏi trong văn hóa làm việc của người Nhật Bản, nhưng chỉ tới thời gian gần đây, khi mà hàng loạt vụ tử vong do làm việc quá sức được công bố thì làn sóng phản ứng mới dần trở nên mạnh mẽ. 
Miwa Sado, phóng viên mảng chính trị của Đài Truyền hình NHK đã tử vong tại nhà riêng do suy tim sau 153 giờ làm việc không ngừng nghỉ. Hay trường hợp Matsuri Takahashi, nhân viên Hãng quảng cáo Dentsu cũng tự sát do không chịu nổi áp lực công việc vì đã bị buộc phải tăng ca liên tục tới 100 giờ. Đây là hai vụ việc gây chấn động đối với xã hội Nhật Bản cũng như các nước phát triển trên thế giới bởi mức độ nghiêm trọng của nó.
Hai vụ tử vong do làm việc quá sức gây chấn động tại Nhật Bản đã buộc chính quyền nước này phải có những hành động cụ thể để ứng phó với vấn nạn Karoshi. Chính phủ Nhật hồi tháng 5.2017 đã lần đầu tiên công bố danh sách hơn 300 công ty trên toàn quốc vi phạm Luật Lao động. Một ủy ban chính phủ cũng công bố kế hoạch giới hạn làm thêm giờ với mức trần cho phép là 100 giờ/tháng và 720 giờ/năm. Tuy nhiên, quy định này đã sớm bị hủy bỏ vì nhiều ý kiến cho rằng không mang tính cưỡng chế và nhiều công ty đơn giản chỉ là lờ nó đi.
Trên thực tế, không chỉ Nhật Bản mà rất nhiều quốc gia thuộc các nhóm nước phát triển đã và đang đối mặt với “vấn nạn tăng ca”. Trong khu vực châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và Bangladesh là 3 quốc gia đang đối mặt trực tiếp với vấn đề này. Tại Trung Quốc, người ta có một tên gọi khác cho hiện tượng Karoshi đó là Guolaosi. Ước tính trong năm 2010, đã có tới 600.000 người Trung Quốc qua đời bởi điều này. Chỉ tính trong năm 2014, 14 công nhân tại nhà máy Công nghệ Foxconn ở Vũ Hạ đã tự tử để phản đối thời lượng là việc lên tới nhiều giờ đồng hồ với mức lương thấp. Còn tại Hàn Quốc, người dân nước này gọi hiện tượng chết do làm việc quá mức là “Gwarosa”. Theo thống kê, năm 2001, người Hàn Quốc có thời lượng làm việc là 2.499 giờ mỗi năm, tức là cao hơn bất kì quốc gia nào trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tương tự, tại châu Âu và châu Mỹ, vấn nạn về làm việc quá cường độ cho phép cũng là điều mà nhiều nước phải đối mặt. Tại Đức, theo số liệu do AOK - hãng bảo hiểm lớn nhất của nước này công bố vào năm 2011, gần 1/10 số vụ tử vong trong năm 2010 có liên quan tới bệnh trầm cảm, con số này đã tăng gấp 9 lần so với năm 2004. Bên cạnh đó, Pháp cũng là quốc gia đối mặt với nhiều vụ tự sát có liên quan tới áp lực công việc. Trong năm 2008 và 2009, 35 nhân viên của France Telecom đã tự sát do quá căng thẳng. Còn tại Mỹ - một trong những quốc gia có nền kinh tế đứng đầu thế giới, gần 30% nhân công có thời lượng làm việc trên 45 giờ trong một tuần. Tức là cao hơn nhiều lần so với các quốc gia phát triển khác như Anh, Pháp, Đức và thậm chí là Nhật Bản.
Một điều đáng chú ý phải kể đến, đó là trước đây, hiện tượng Karoshi hầu hết chỉ tập trung vào đối tượng nam giới. Nhưng nhiều báo cáo ghi nhận trong những năm trở lại đây, hiện tượng này bắt đầu có chiều hướng gia tăng ở nữ giới. Kết quả nghiên cứu của Đại học Harvard trên 17.000 phụ nữ cho thấy, nhân công là nữ giới có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao gấp 40% so với những đồng nghiệp nam của mình. Kết quả này cũng được công nhận tại Đan Mạch và Trung Quốc.
Vấn nạn “Karoshi” đang được tập trung giải quyết tại các quốc gia phát triển khác như Hàn Quốc, Pháp, Đức, Anh, Mỹ… Tại Hàn Quốc, Bộ Quản lý nhân sự cho phép công chức nước này rời công sở sớm trước vài giờ vào một ngày trong tháng. Đây là biện pháp nhằm giúp công chức có thời gian cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Tại Đức, để giải quyết tình trạng người lao động có những suy giảm đáng kể về sức khỏe thể chất và tinh thần, Bộ trưởng Bộ Lao động Ursula von der Leyen phát động một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức đối với các công ty nhỏ và vừa về vấn nạn tăng ca. Tại Pháp và Mỹ, chính phủ hai nước cũng có những biện pháp cụ thể nhằm giảm áp lực cho nhân công trong quá trình làm việc như kéo dài giờ ăn trưa, áp dụng kì nghỉ năm tuần, quy định tuần làm việc 35 giờ.
Vấn nạn về làm việc quá số giờ quy định từ lâu đã gây nên những hệ quả đáng tiếc cho nhiều nước, đặc biệt là đối với các nước phát triển. Nhưng rõ ràng, nó chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn. Nhật Bản có hơn 20.000 người tự sát mỗi năm. Tại Mỹ, tỉ lệ các vụ tự tử đã tăng lên mức 13/100.000 người, mức cao từ trước tới nay. Đây thực sự là một vấn đề đáng lo ngại đối với các nước phát triển trên thế giới khi mà người dân các nước này, nhất là Nhật Bản đang dần quen thuộc với khái niệm “làm việc đến chết” hơn là “cân bằng giữa công việc và cuộc sống”.

Đặng Thục Linh

Ý kiến bạn đọc