Nhiều kỳ vọng vào biện pháp mới điều trị ung thư

VH- Can thiệp vào di truyền luôn là chủ đề gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà nó mang lại cho khoa học và y tế. “Gà đẻ trứng vàng”, dê vàng, tế bào khỏe dạy tế bào bệnh chống lại bệnh ung thư đã trở thành những chuyện có thật trong vài ngày lại đây.

Phys.org vừa cho hay, các nhà nghiên cứu Nhật Bản vừa tạo ra giống gà biến đổi gen có trứng chứa các chất có thể chống lại bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Quốc gia (AIST) ở khu vực Kansai đã bắt đầu quá trình này bằng cách đưa các gen sản sinh interferon beta vào tế bào vốn là tiền thân của tinh trùng gà. Sau đó họ sử dụng các tế bào này để thụ tinh trứng và tạo ra gà mái được thừa hưởng những gen đó, có nghĩa là gà đã có thể đẻ trứng có chứa chất chống bệnh. Hiện, các nhà khoa học hiện có 3 con gà có trứng chứa thuốc, trong đó có con đẻ trứng gần như hàng ngày.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng, bước đột phá về công nghệ sẽ giúp giảm chi phí thuốc xuống còn 10% giá hiện tại.

Lai tạo ra những con vật cho chất điều trị ung thư không phải là chuyện lạ. Năm 2013, các nhà khoa học từ hai cơ sở nghiên cứu là Viện Di truyền học phân tử Matxcơva và Viện Tế bào - Di truyền học Novosibirsk ở Siberia đã nuôi những con dê biến đổi gen để giúp các bác sĩ tiến hành điều trị khối u ung thư.

Những con dê với gen kỹ thuật có thể sản xuất ra protein kích thích tạo máu trong tủy xương, rất quan trọng cho quá trình phục hồi của bệnh nhân ung thư. Con vật tiết ra số lượng lớn sữa với thứ protein này.

Cho đến nay, dùng xung lực protein vẫn là phương pháp chữa bệnh đắt tiền. Một khóa điều trị đầy đủ đòi hỏi chi phí 6.000 USD. Tuy nhiên, việc sử dụng dê biến đổi gen có thể giúp hạ thấp chi phí một cách đáng kể. Ông Oleg Serov đứng đầu phòng thí nghiệm gen của Viện Tế bào - Di truyền học giải thích: “Trong một lít sữa của dê biến đổi gen có thể chờ đợi ít nhất 300 mg thuốc. Liều lượng điều trị là từ 5 đến 10 mg cho trọn vẹn toàn bộ chu trình”.

Nhiều kỳ vọng vào biện pháp mới điều trị ung thư - Anh 1

 Liệu pháp mới sử dụng các tế bào T đã chỉnh gen để tấn công tế bào ung thư

“Dạy” hệ miễn dịch của người ung thư chống lại bệnh

Tháng 9.2017, Telegraph đưa tin các nhà làm luật Mỹ đã chấp thuận trị liệu gen đầu tiên để chữa bệnh ung thư máu, mở ra kỷ nguyên mới cho nước Mỹ và cả thế giới trong cuộc chiến chống lại một trong những sát thủ hàng đầu của loài người thời hiện đại.

Theo đó, gen trị liệu hay trị liệu gen là phương pháp làm thay đổi gen hoặc đưa thêm gen vào cơ thể bệnh nhân. Trị liệu gen được thông qua do công ty Norvartis thực hiện có tên là Kymriah, sử dụng các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân để trị ung thư máu (bệnh bạch cầu). Đây là một loại trị liệu miễn dịch chống ung thư mang tên trị liệu tế bào CAR-T hay còn gọi là CTL019.

Phương pháp mới này được “cá nhân hóa hoàn toàn bằng cách dùng tế bào T của chính bệnh nhân”, “đánh dấu trị liệu tế bào CAR-T được chấp thuận lần đầu tiên trên thế giới”, CEO Novartis Joseph Jimenez cho biết .

Phương pháp Kymriah đã được cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông qua trong điều trị ung thư máu cấp tính thể lympho (acute lymphoblastic leukemia-ALL) cho trẻ em và thanh niên đến 25 tuổi.

Để được chấp nhận điều trị, bệnh nhân phải là người mắc ALL tế bào lympho B ở mức độ nghiêm trọng hoặc đã phát bệnh ít nhất 2 lần.

Theo báo cáo, trường hợp thành công nhất của liệu pháp mới Kymriah là cô bé 12 tuổi Emily Whitehead được nhận điều trị cách đây 6 năm và đã hoàn toàn hết bệnh ung thư.

Trên thực tế, trị liệu CTL019 là biện pháp trị liệu miễn dịch chống ung thư đầu tiên được các nhà làm luật Mỹ công nhận là một “trị liệu đột phá” vào năm 2014, thúc đẩy FDA phải tăng tốc trong việc xem xét nó để sớm đưa ra thị trường. Người ta kỳ vọng khi lĩnh vực trị liệu miễn dịch tăng trưởng thì sẽ có thêm nhiều biện pháp mới xuất hiện trong các năm tới.

Theo dự báo, khoảng 24-35 trung tâm ở Mỹ có thể điều trị bằng liệu pháp Kymriah sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

Sự kiện này được FDA xem là “Một hành động lịch sử” và là “một cách tiếp cận mới trong điều trị ung thư cùng các bệnh nghiêm trọng đe dọa sự sống khác”.

Hiện, công ty Novartis cũng đã gửi hồ sơ cho cơ quan y khoa châu Âu với hy vọng Kymriah được tổ chức này chấp thuận vào cuối năm nay. 

Chi Mai

Ý kiến bạn đọc