Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Nigeria lãng phí 1 triệu liều vắcxin ngừa Covid-19

Thứ Tư 08/12/2021 | 15:35 GMT+7

VHO- Theo các nguồn tin của Reuters, có tới 1 triệu liều vắcxin ngừa Covid-19 đã bị bỏ đi do hết hạn sử dụng tại Nigeria. Điều này đang cho thấy các nước Châu Phi đang gặp rất nhiều vấn đề trong việc đẩy nhanh tốc độ phủ vắcxin.

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vắcxin ngừa Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng Abuja, Nigeria (Ảnh: Reuters)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nigeria là quốc gia đông dân nhất Châu Phi khi trở thành nơi sinh sống của hơn 200 triệu người. Thế nhưng, chỉ chưa đến 4% trong tổng số người trưởng thành ở nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chịu áp lực tăng tốc tiêm chủng trong bối cảnh biến thể mới Omicron xuất hiện, cùng với đó là nhập quá nhiều vắcxin về đã dẫn đến nghịch cảnh một số nước Châu Phi không đủ năng lực quản lý, nhất là với một số loại có thời hạn sử dụng ngắn.

Reuters trong bài viết ngày 8.12 dẫn hai nguồn tin cho biết, khoảng 1 triệu liều vắcxin ngừa Covid-19 của Astra Zeneca sản xuất đã hết hạn sử dụng và bị bỏ đi tại Nigeria hồi tháng 11. Đây cũng có thể chưa phải con số chính thức khi các nguồn tin nêu thêm, tổng số liều vắcxin hết hạn vẫn đang trong quá trình kiểm đếm. Lô vắcxin này là lô được Châu Âu tài trợ, gửi đến Nigeria thông qua cơ chế COVAX.

Một nguồn tin khác thông tin, một phần trong số 1 triệu liều vắcxin bị hủy bỏ được gửi đến chỉ 4-6 tuần trước khi hết hạn. Lô vắcxin đã không kịp sử dụng hết dù cơ quan y tế của Nigeria đã rất nỗ lực vận động, thực hiện tiêm chủng.

“Nigeria đang làm mọi thứ có thể. Nhưng họ đang phải vật lộn với những lô vắcxin có thời hạn sử dụng ngắn. Nguồn cung bây giờ rất khó đoán trước được. Có khi vắcxin lại được gửi đi quá nhiều”, nguồn tin thông tin đến Reuters.

Hiện tại, người phát ngôn của Cơ quan Phát triển Chăm sóc Sức khỏe Cơ bản Quốc gia, cơ quan chịu trách nhiệm tiêm chủng ở Nigeria cho biết, số lượng vắcxin nước này đã nhận và sử dụng đang được thống kê. Tất cả sẽ được công khai trong vài ngày tới. Về phía WHO, cơ quan này xác nhận việc vắcxin bị hết hạn nhưng không đề cập số lượng cụ thể. Ngoài ra, WHO còn cho hay có 800.000 liều vắcxin khác sắp hết hạn hồi tháng 10 nhưng đã được sử dụng kịp thời.

Chia sẻ về vấn đề hạn sử dụng của vắcxin, WHO nhấn mạnh: “Lãng phí vắcxin là điều có thể xảy ra ở bất kỳ chương trình tiêm chủng nào, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến như hiện nay. Nhiều lô vắcxin được phân phối có thời gian sử dụng “rất ngắn” cũng đang là một vấn đề”.

Với con số 1 triệu liều, tỷ lệ thất thoát vắcxin của Nigeria có thể cao hơn cả số vắcxin một số quốc gia trong khu vực đã nhận được. Không chỉ Nigeria, ngay cả những nước như Đức, Thụy Sĩ đã từng rất vất vả để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tránh lãng phí thuốc. Vào tháng 1, các quan chức ở Anh đã dự báo tình trạng lãng phí vắcxin sẽ rơi vào khoảng 10%. Đến tháng 4, Bộ trưởng Y tế Pháp khi đó nói với truyền thông địa phương rằng, có khoảng 25% số vắcxin Astra Zeneca, 20% vắcxin Moderna và 7% vắcxin của Pfizer đã bị lãng phí vào thời điểm đó.

Lý giải về vấn đề thất thoát vắcxin, nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân đến từ việc các nước Châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, vật lực y tế. Chỉ tính riêng tại Nigeria, hàng triệu người đang phải sống ở những vùng xa xôi hoặc chịu sự kiểm soát của các nhóm vũ trang. Người dân vì thế gặp rất nhiều cản trở trong tiếp cận vắcxin.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nigeria Osagie Ehanire trong một diễn đàn công khai từng phải thừa nhận: “Nền tảng y tế không vững chắc là những gì có thể thấy với y tế Nigeria. Nếu bạn không có nền móng chắc chắn, bạn sẽ không thể phát triển được gì trên đó”.

Không chỉ riêng Nigeria, trước đó, Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo đã từng phải trả lại vắcxin cho nhà sản xuất vì không thể sử dụng kịp thời. Tháng trước, Namibia cảnh báo có thể phải tiêu hủy hàng nghìn liều vắcxin quá hạn sử dụng.

Tiêm chủng hiện đang là yếu tố sống còn để giúp Châu Phi đẩy lùi đại dịch Covid-19. Theo WHO, chỉ 102 triệu người tương đương với 7,5% dân số Châu Phi đã được chủng ngừa đầy đủ. Nếu không có các biện pháp tăng cường quản lý, bất bình đẳng về tiêm chủng vắcxin tại Châu Phi sẽ tiếp tục gia tăng với phần còn lại của thế giới.

ĐÌNH TOÁN (Theo Reuters)

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top