Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Chuyện chưa kể về nồi canh nóng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Bảy 25/03/2023 | 09:56 GMT+7

VHO- Ầm… rùng… rụp… soạt! Đủ thứ âm thanh ghê rợn phát ra khắp mọi nơi, kèm theo đó là những hình ảnh đổ sập, xiêu vẹo, chạy loạn vào chiều tối ngày 19.2, khi khu vực thành phố Antakya, tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bị động đất với mức rung chấn 6,2 độ rích te. Con chó Pốc Ka lồng lên, người chủ của nó thì ngã rạp xuống nền đất. Đó là những câu chuyện lần đầu tiên được những người lính nhớ lại.

B đội Vit Nam chia s lương khô K17 cho các cháu người Th Nhĩ K b mt cha, m nh: TƯ LIỆU

 Ôm chó xuyên đêm

Đêm 12.2, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng với 76 cán bộ lên chuyên cơ Turkish Airlines bay sang Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia tìm kiếm các nạn nhân trong vụ động đất. Trường Trung cấp 24 Bộ đội biên phòng tham gia 9 cán bộ và mang theo 6 chú chó nghiệp vụ, trong số đó có vài chú chó từng tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My vào cuối năm 2020. Một cán bộ cảnh khuyển gửi cho tôi tấm ảnh chó Pốc Ka, đó là chú chó từng cào cấu liên tục và đánh hơi xung quanh nền nhà người Bí thư Đảng ủy xã Lê Hoàng Việt, ra hiệu có nguồn hơi lạ.

“Sưởi ấm” là một câu chuyện dài của những người lính cảnh khuyển khi sang Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vì giống chó béc giê đã quen với khí hậu nhiệt đới, nếu trời quá nóng thì chó sẽ bị chảy máu cam như người, nếu trời lạnh quá thì chó cũng sẽ bị ốm, viêm phổi. Trong suốt thời gian ngồi trên máy bay, những người lính luôn nói với nhau về việc “sưởi ấm như thế nào, vì bên đó nhiệt độ hạ xuống âm 8 độ C vào ban đêm”. Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, đội trưởng đội tìm kiếm cho biết, khi máy bay chưa tới Thổ Nhĩ Kỳ, anh em đã nghĩ tới phương án người phải ngủ với chó. Bình thường chó ngủ trong cũi sắt. Còn nếu ở xứ lạnh thì chỉ còn cách thắp điện sưởi ấm, sau đó thì đắp chăn, dỗ dành chó nằm yên một chỗ, đừng chui ra ngoài và người phải ngủ chung với chó.

Khoảnh khắc người và cảnh khuyển mạo hiểm chui dưới móng ngôi nhà đổ sập để tìm người mất tích. Ảnh tư liệu

Đoàn công tác được bố trí hạ trại tại khu vực đường Rustern, thành phố Antakya, tỉnh Hatay, ngay sát núi bê tông đổ nát. Nếu cận cảnh vào đống bê tông này thì mới thấy được, những ngôi nhà cao tầng đổ sập và mọi người đang phải đối mặt với một loại “bê tông rối”. Trong đống đổ nát luôn lòi ra các thanh sắt nhọn và rất nhiều mảnh kính, tấm tôn rách nhô ra giống như những bàn chông. Con chó Tốp Ka và E Pi mới vào tìm kiếm được 3 ngày thì cả 2 bị thương vì mảnh kính sắc đâm vào chân. Vậy là quân số 6 chú chó chỉ còn lại 4, vì 2 chú chó này phải nằm nhà để chăm sóc y tế 2 ngày trước khi được đưa trở lại hiện trường tìm kiếm. Trong bối cảnh thiên tai, những kịch bản ban đầu đều bị đảo lộn. Chuyến bay tiền trạm chở theo các hộp thịt dành cho các chú cảnh khuyển (chó ăn 2 hộp thịt/ngày) bị thất lạc một phần giữa khung cảnh quá ồn ào. Một số lều chống lạnh, máy sưởi ấm cho chó cũng không còn. Vậy là suất ăn của người được san sẻ bớt cho cảnh khuyển, phương án dự kiến là người ngủ chung với chó được thực hiện.

Sang Thổ Nhĩ Kỳ, mọi người luôn nhìn xuống dưới đất để hiểu được mình đang bước đi ở khu vực có những khe hở rộng và sâu cỡ nào. Khắp các con đường, mặt đất nứt ra chi chít với những vết rộng từ 5-10-20 cm. Ngày nào cũng có vài cơn dư chấn và động đất vẫn đang là cơn ác mộng đe dọa những người đang sống sót và đau khổ, bất lực trước đống bê tông trở thành nấm mộ khổng lồ.

Lúc 18 giờ 15 phút chiều ngày 19.2, cả đội đang ăn cơm thì gặp một trận động đất mới với cường độ 6,2 độ rích te. Theo phản xạ tự nhiên, mọi người nhổm dậy để chạy. Nhưng biết chạy đâu khi họ đang ở chính trên nền đất đang rung lắc. Đại úy Nghĩa miêu tả “mặt đất lắc mạnh tương đương như ngồi trên chiếc xe chạy nhanh và rơi xuống một ổ gà, quả thực là cả một thế gian điên đảo”. Khi mọi người phản xạ đứng dậy và chạy thì một đồng chí cán bộ quân y vướng chân, đá đổ nồi canh nóng nên bị bỏng bàn chân, một cán bộ hậu cần khác giẫm chân vào đống mẻ sành là bát vỡ ngay ở mâm ăn, toàn bộ cơm, cá đều bị đổ ra nền đất. Lúc đó, con Pốc Ka và bầy chó tru lên thảm thiết. Nó bị nhốt trong lồng sắt nên không thể chạy đi đâu được.

Hãy cứu giúp chúng tôi!

Trận động đất 6,2 độ rích te đi qua, mặt đất vẫn tiếp tục ì ầm như muốn chuyển động dưới chân mọi người. Thỉnh thoảng lại rung nhẹ, chao lắc và trận động đất tiếp theo là 5,3 độ rích te. Những ngôi nhà nghiêng, nứt, vỡ… thì giờ này lại tiếp tục phát ra âm thanh xào xào trước khi đổ sập. Từ sau vụ động đất đó, mọi người nhắc nhau, bữa ăn đừng bao giờ dọn ra chậu canh nóng.

Anh em bộ đội Biên phòng chia sẻ mì tôm Hảo Hảo cho các bạn thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh tư liệu

Đi trên những con đường nứt nẻ như muốn nuốt mọi thứ vào lòng trái đất, anh em trong đội tìm kiếm thỉnh thoảng lại gặp những người phụ nữ, trẻ em, người đàn ông khốn khổ chìa bàn tay ra và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ “lút phen bi zi ai zơ mét” (hãy cứu giúp chúng tôi). Cứ 8 giờ sáng, tất cả các đội tìm kiếm của 40 nước lại rời lều trại để leo lên núi bê tông khổng lồ. Ngày đầu tiên đi tìm kiếm, anh em gặp một người phụ nữ đi với 10 cháu thiếu nhi. Người đàn bà khổn khổ giơ bàn tay ra hiệu là “lút phen bi zi ai zơ mét!”. Anh em khi đi tìm kiếm mang theo lương khô K17 được gói trong nylon xanh, đây là loại ăn rất lâu đói. Trước tình cảnh khốn khổ của người dân, anh em mang lương khô ra phát cho mỗi người một cục, tức đủ cho một bữa ăn.

Ngày hôm sau nữa, đoàn tìm kiếm lại gặp một cụ ông 78 tuổi, ông ra hiệu là đang đau khổ, chỉ về đống đổ nát rồi cầu cứu. Người phiên dịch ra hiệu, gia đình cụ sống trong ngôi nhà 5 tầng, ngôi nhà này đã sập hoàn toàn và những người mất tích bao gồm vợ, con trai, con dâu và 2 cháu trai. Ông ra hiệu là đã nhờ 1-2 đoàn tìm kiếm rồi, nhưng họ không vào được vì phải chui xuống bức tường sập thì mới len người vào bên trong nhà được, có thể vào nhưng không thể đi ra. Đoàn Việt Nam quyết định leo qua núi bê tông và dẫm tiến về phía ngôi nhà 5 tầng đã bị vỡ nát, mọi người phải bò sát đất để chui xuống giữa các khe hở. Nếu lúc đang chui và có dư chấn thì ngôi nhà sẽ tiếp tục ụp xuống vùi lấp cả đoàn. Cuối cùng, đoàn tìm kiếm ra hiệu là đã phát hiện được người thân của cụ. Ông cụ khóc, ra hiệu rằng nỗi mong chờ xem như đã hết. 

LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top