Sớm trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hoá

VHO - Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong phiên khai mạc sáng 23.10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là các cấp, ngành sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam.

Đánh giá về năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.

“Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra”, ông Nguyễn Hồng Thanh đánh giá.

Sớm trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hoá - Anh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Thứ nhất ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp.

Thứ hai, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29.9.2023 chỉ tăng 6,92%. Thứ tư, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước lỏng lẻo, thiếu gắn kết.

Thứ năm, quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn trước, thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ; nợ đọng thuế tăng 3,6% so với cuối năm 2022; việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp còn chậm và có vướng mắc từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành thuế. Thứ sáu, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương còn một số vấn đề cần quan tâm.

Thứ bảy, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo còn một số khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế quản lý, khai thác, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao của Nhà nước còn bất cập. Tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, thiếu trường, lớp học, thiếu trang thiết bị dạy học diễn ra ở một số nơi. Việc thực hiện sách giáo khoa, chương trình mới, chế độ, chính sách cho giáo viên còn nhiều bất cập. Bạo lực học đường, ứng xử lệch chuẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, lạm thu đầu năm học vẫn diễn ra. Còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, thể thao, vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Sớm trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hoá - Anh 2

Toàn cảnh phiên khai mạc

Về nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội được nêu ra trong báo cáo này, báo cáo của Chính phủ và phải gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả…

Và một trong những nhiệm vụ của năm 2024 được báo cáo thẩm tra của Quốc hội nêu là các cấp, ngành sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam. Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc