Những việc thẩm phán không được làm

Hỏi: Đề nghị quý Báo cho biết thẩm phán không được làm những việc gì? Ông Đinh Văn Thiện (Kim Bôi - Hòa Bình)

- Trả lời: Theo quy định tại Bộ Quy tắc và ứng xử của thẩm phán, ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ - HĐTC của Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán Quốc gia, thẩm phán không được làm những việc sau:

1. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, Thẩm phán không được làm:

a) Những việc pháp luật quy định công dân không được làm;

b) Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ việc không đúng quy định của pháp luật;

c) Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ việc;

d) Mang hồ sơ vụ việc hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ việc ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền;

đ) Tiếp xúc bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định;

e) Sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng;

g) Truy ép, gợi ý cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày sự việc không khách quan, trung thực;

h) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác của mình, của cán bộ, công chức thuộc Tòa án và các cơ quan liên quan khác;

i) Tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Trong cơ quan, thẩm phán không được làm những việc sau:

a) Thực hiện không đúng thẩm quyền, lạm quyền, vượt quyền;

b) Đùn đẩy trách nhiệm cho người khác;

c) Trù dập, lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến danh dự, uy tín của cán bộ, công chức.

3. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí

a) Thẩm phán chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu về xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan thông tấn, báo chí khi được cấp lãnh đạo có thẩm quyền phân công theo đúng quy định của pháp luật.

b) Khi chưa ban hành bản án, quyết định, Thẩm phán không được phát biểu công khai quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc.

c) Thẩm phán không được cung cấp bản án, quyết định cho thông tấn, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, trừ các hình thức đã được pháp luật quy định.

d) Thẩm phán có thể tham gia phỏng vấn, khảo sát dựa trên kinh nghiệm công tác chuyên môn để phục vụ nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế khi hoạt động này không gây ảnh hưởng đến giải quyết vụ việc.

4. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Thẩm phán không được lợi dụng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế để mưu cầu lợi ích cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào.

5. Đối với nơi cư trú

Thẩm phán không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú; không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi trái pháp luật.

6. Đối với gia đình

a) Thẩm phán không được để thành viên trong gia đình lợi dụng danh nghĩa của Thẩm phán để vụ lợi.

b) Thẩm phán không được tổ chức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi.

7. Tại nơi công cộng

a) Thẩm phán không được lợi dụng chức danh của mình để vụ lợi khi tham gia các hoạt động xã hội.

b) Thẩm phán không được tiếp tay hoặc bao che cho hành vi vi phạm pháp luật.

VĂN HÓA

Ý kiến bạn đọc