An Giang: Lễ hội văn hóa truyền thống tưởng niệm 195 năm ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu

KHẮC NGUYÊN

VHO - Ngày 18.4, tại Quảng trường Thoại Ngọc Hầu, UBND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống lần thứ XXIII năm 2024, tưởng niệm 195 năm ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1829 - 2024), với chủ đề “Thoại Sơn 45 năm hình thành và phát triển”.

An Giang: Lễ hội văn hóa truyền thống tưởng niệm 195 năm ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu - ảnh 1

Không gian Lễ hội tại Quảng trường Thoại Ngọc Hầu

Theo BTC, Lễ hội cũng nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2024), Ngày quốc tế Lao động 1.5, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2024) và kỷ niệm 136 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888 – 20.8.2024).

Đây cũng là hoạt động hướng về ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), nhằm nhắc nhở Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ không quên công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và tôn vinh công đức của Danh thần Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại cùng các bậc tiền nhân đã có công khai mở vùng đất phía Nam của Tổ quốc, trong đó có huyện Thoại Sơn.

Qua Lễ hội, mong muốn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; đồng thời tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Lễ hội Kỳ yên Đình thần Thoại Ngọc Hầu đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội truyền thống, lễ hội của Nhân dân và du khách.

Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXIII năm 2024 diễn ra từ ngày 17 - 20.4 (nhằm ngày mùng 9 - 12.3 âm lịch) cùng với Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu, đúng dịp Lễ giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10.3 âm lịch).

An Giang: Lễ hội văn hóa truyền thống tưởng niệm 195 năm ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu - ảnh 2

Lễ hội diễn ra trong 4 ngày

Trong đó, phần lễ bao gồm nghi thức thỉnh sắc và chương trình khai mạc, dâng hương.

Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, hoạt động du lịch phục vụ người dân và du khách. Bên cạnh đó là các hoạt động hưởng ứng chào mừng Lễ hội tại Trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, các điểm sinh hoạt văn hóa – thể thao của các xã, thị trấn và tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thanh huyện. Điểm nhấn của Lễ hội là Triển lãm “Cuộc đời – thân thế của Danh thần Thoại Ngọc Hầu và thành tựu của huyện Thoại Sơn trên các lĩnh vực”.

Cách đây hơn 206 năm, Thoại Sơn là nơi hoang sơ, rừng thiên nước độc, núi non bao phủ, con người bị cô lập với mọi thứ xung quanh. Với tầm nhìn của một bậc tiên tri, sự phán đoán của một nhà danh điền lỗi lạc, Nguyễn Văn Thoại đã dốc binh cho đào ngay con kênh Thoại Hà rộng 50m, dài hơn 30km, khởi đào từ năm 1818 và hoàn thành sau đó chỉ 1 tháng, với hơn 1.500 dân binh.

Kế thừa những di sản vô giá của tiền nhân trong công cuộc khẩn hoang mở cõi và bảo vệ quê hương, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn luôn thể hiện khí chất kiên trung, đoàn kết một lòng, không ngại hy sinh, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc. 

An Giang: Lễ hội văn hóa truyền thống tưởng niệm 195 năm ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu - ảnh 3

Thoại Sơn là huyện đầu tiên của cả nước được phong tặng 3 danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (năm 2000), Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2009) và huyện đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2018). 

Trên tinh thần đó, quê hương Thoại Sơn đang tự tin hướng về tương lai với nhiều kỳ vọng. Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã ký đề nghị công nhận “Huyện nông thôn mới nâng cao” năm 2023 gửi Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận…

Ý kiến bạn đọc