Ân tình những chuyến xe của “hiệp sĩ già”

VH- Hình ảnh một ông già tóc bạc trắng, chở chiếc thùng in đậm chữ “Cũ cho - Sạch cho - Người cần dùng lấy dùng” đi trên những con đường, ngõ hẻm đã trở nên quen thuộc đối với người dân Đà Nẵng. Đó là ông Nguyễn Công Long (79 tuổi, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Ân tình những chuyến xe của “hiệp sĩ già” - Anh 1

 Ai có lòng hảo tâm thì ghé đến chân cầu Rồng, Công viên 29 tháng 3, nơi dừng chân của "hiệp sĩ già" Nguyễn Công Long

Tình cờ gặp ông Long khi ông đang dừng chân trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, ông chỉ vào chiếc thùng gắn đằng sau xe, cười hồn hậu và cho biết đó là thùng quần áo cũ ông đi gom được từ sáng. “Quần áo này để dành cho những người nghèo, thiếu thốn, có nhu cầu lấy về dùng. Ai có lòng hảo tâm thì cũng ghé qua cho vài bộ đồ sạch, tui chỉ lấy quần áo chớ ủng hộ tiền bạc là tui không nhận nghe”, ông Long nói.

Sáng nào cũng thế, sau khi cùng vợ sắp xếp quần áo vào thùng cho sạch sẽ, ông Long chất chiếc thùng lên xe và bắt đầu chuyến đi, bất kể chặng đường ngắn hay dài, lớn hay nhỏ. Miễn sao ngày đó có nhiều người tốt ghé đến cho quần áo để ông mang đi phân phát cho những người nghèo khác. Mỗi ngày ông đi vòng qua nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng, và cứ đến một địa điểm cố định như phía đuôi cầu Rồng, Công viên 29/3, đầu đường Phan Chu Trinh thì ông dừng lại khoảng 30 phút để chờ các nhà hảo tâm mang áo quần đến. Với ông Long, “cũ người, mới ta” để người nghèo nhận được thêm một manh áo cho mùa rét, một chiếc áo lành vừa vặn cũng là điều đáng mừng. Ông cũng vậy, ông vui khi họ tìm được món đồ vừa ý và mang cả niềm hạnh phúc thiện nguyện khi cuối ngày trở về nhà thùng đồ đã vơi đi vì được sẻ chia.

Từng đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, thấy nhiều người không có quần áo mặc, trong khi đó những gia đình có điều kiện lại vứt bỏ những đồ còn dùng được, ông đã nghĩ ra cách này để những thứ đồ còn dùng được không bị vứt bỏ lãng phí mà người nghèo lại có quần áo tốt để mặc. Ông quyết định bỏ tiền sắm chiếc xe kéo rong ruổi khắp đường phố gom quần áo cũ rồi chở đến các gia đình, các địa phương còn nghèo khó (chủ yếu là tỉnh Quảng Nam) hay các trung tâm bảo trợ xã hội để trao tận tay cho những người cần. Công việc này như một niềm vui của ông ở tuổi già nên cả vợ và các con ông đều ủng hộ. Những lúc cần, con cái ông cũng phụ giúp ông chuyển quần áo đến cho người nghèo. Với đồng lương bảo vệ ít ỏi 3 triệu đồng/tháng, ông trích hơn một nửa để đổ xăng, sửa chiếc xe “hiệp sĩ” khi nó “trái gió trở trời”.

Ân tình những chuyến xe của “hiệp sĩ già” - Anh 2

 Ông Long và công việc thường ngày

Bắt đầu công việc từ năm 2016, cho đến nay số điện thoại của ông đã được nhiều người chia sẻ và lưu trong máy, có nhiều “khách hàng” quen thuộc lắm, bất cứ khi nào có quần áo cũ là họ lại gọi xem ông đang “lang thang” ở đường nào, để mang quần áo tới. Có khi người cho bận quá, ông lại tự chạy xe đến lấy, bất kể giờ giấc. “Tui già rồi, không làm ra tiền nữa, giúp được xã hội chừng nào hay chừng đó, và cũng là để cho cuộc sống của mình có ý nghĩa. Tui đâu có thấy cực, ngày mạnh khỏe thì tui đi, khi nào ốm thì tui ở nhà phụ vợ giặt lại quần áo cũ. Quần áo dù cũ nhưng phải sạch để người nhận đỡ tủi thân, họ nghèo nhưng họ cũng có tự trọng của họ cô ạ. Trước khi phân phát quần áo, tui cũng thường hỏi họ xem họ cần loại gì, cỡ bao nhiêu tuổi, dành cho nam hay nữ… rồi mới mang tới. Chứ lỡ mang đến họ không dùng hết cũng cũng uổng lắm, vì còn bao nhiêu người cần...”, ông Long cho biết.

Ông đưa bàn tay gầy guộc xoa hai đầu gối đã mỏi vì chặng đường dài, từng giọt mồ hôi lăn trên làn da nhăn sương gió. Nghe kể, cách đây không lâu, trong một chuyến đi từ thiện vào Điện Bàn (Quảng Nam) ông đã bị tai nạn rạn cả xương sườn, chiếc xe bị tông mạnh gẫy hết cả bánh. Gia đình, hàng xóm ai cũng nghĩ chuyến này ông Long “cũ cho - mới cho” chẳng còn dám chạy xe đường xa nữa, nào ngờ khi vừa khỏe lại, ông lại lọ mọ sắp xếp quần áo để mang đến cho trẻ em khu tái định cư làng Vân (thôn Hòa Vân, P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu). Nơi đây là chỗ ở mới của người bị bệnh phong cùi. “Xóa được bệnh phong, nhưng không xóa được sự mặc cảm và nỗi buồn của họ. Họ khó khăn trăm bề, những di chứng để lại khiến cho chân tay họ không còn lành lặn và không đủ sức lao động. Mỗi lần đi được một chuyến xe, mang quần áo cũ tới cho họ là tui cảm thấy rất thanh thản trong lòng”.

Một người phụ nữ tấp chiếc xe ga vào bên lề, gặp “tín hiệu”, ông Long nhanh nhẹn đứng dậy đỡ lấy túi nilon căng phồng từ tay người phụ nữ và không quên lời cảm ơn. Ông phân trần: Đây là người quen rồi, tháng nào cũng ghé cho quần áo hết, lúc nào cũng thấy vội vàng tội lắm!

Ông rút từ túi ra cuốn sổ nhỏ, lấy cây bút bi xanh ghi lại thông tin của người cho, cuốn sổ dày đặc chữ đã hết gần một nửa. Trời chiều dịu nắng, ông “hiệp sĩ già” xốc lại thùng đồ, chuẩn bị rong ruổi đến những địa chỉ đã ghi sẵn trong sổ. Nơi đó có người chờ…

 MINH CHÂU

 

Ý kiến bạn đọc