Phiên họp toàn thể lần thứ 2 ASOSAI 14: Nhiều vấn đề quan trọng được thông qua

VH- Bầu thành viên ban điều hành và Uỷ ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2018-2021

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 ASOSAI 14: Nhiều vấn đề quan trọng được thông qua - Anh 1

Sáng 22.9.2018, tại Hà Nội, Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ hai. Trước phiên họp, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Sau sự chia sẻ của các đại biểu về sự mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như của gia đình Chủ tịch, Đại hội đã tiến hành bầu thành viên Ban điều hành và Uỷ ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2018-2021.

Theo quy định của Đại hội, cuộc bầu cử được tiến hành bầu tối đa 4 vòng, có 38 SAI thành viên tham gia bầu cử nên mỗi SAI thành viên phải giành tối thiểu 20 phiếu mới trúng cử. Sau vòng thứ nhất, đã có 5 SAI trúng cử Ban Điều hành, gồm: Indonexia, Kuwait, Nga, Nepal, Bangladesh; Đối với Ban Kiểm toán, sau vòng 1 chỉ có SAI Thổ Nhĩ Kỳ trúng cử nên phải tiến hành bầu thêm các vòng tiếp theo. Tại vòng 2, do Kazakhstan và Ả Rập Saudi có số phiếu bằng nhau nên Đại hội tiếp tục bầu  vòng 3. Sau 3 vòng bầu cử, cuối cùng chọn được thêm SAI Kazakhstan. Như vậy, Ban Kiểm toán gồm 2 thành viên: Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan.

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 ASOSAI 14: Nhiều vấn đề quan trọng được thông qua - Anh 2

Báo cáo Hội nghị chuyên đề lần thứ 7  “Kiểm toán môi trường về sự phát triển bền vững”

Cũng trong sáng ngày 22.9.2018, GS. TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Báo cáo Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Hội nghị chuyên đề ASOSAI lần thứ 7 “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã giúp cho các SAI thành viên có cái nhìn sâu sắc và toàn diện về vấn đề mang tính thời sự và tìm ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện kiểm toán đạt được thành công các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường tại từng quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Trên cơ sở trao đổi, thảo luận về thực trạng và thách thức khi thực hiện kiểm toán các SDG và kiểm toán môi trường, tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai, Hội nghị đã đưa ra một số đề xuất như sau:

Gắn kế hoạch kiểm toán trung hạn và thường niên của các SAI với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc để thực hiện thành công kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững;

Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, phổ biến các thông lệ tốt giữa các SAI thành viên trong cộng đồng ASOSAI nhằm tăng cường năng lực cho các SAI về kiểm toán môi trường;

Tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán, kỹ thuật kiểm toán mới, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ dữ liệu lớn (BIG DATA) vào kiểm toán nhằm tận dụng tối đa hệ thống thông tin, kĩ thuật... cho kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững;

Đẩy mạnh kiểm toán môi trường trên cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính) nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhằm đạt được các SDG từ quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện, giám sát việc thực hiện và báo cáo tiến độ thực hiện kiểm toán.

Tăng cường hợp tác về chuyên môn với các tổ chức bên ngoài như Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI WGEA), các cơ quan của Liên hợp quốc (UN) như Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP - United Nations Environment Program); Ủy ban của liên hợp quốc về phát triển bền vững (UNCSD)…

Ngoài hai nội dung quan trọng trên, tại phiên họp toàn thể lần thứ 2, các SAI  cũng đã trình bày một số vấn đề quan trọng như: Trình bày về thay đổi quy trình chuẩn mực đối với các tài liệu INTOSAI; Báo cáo về hoạt động của ASEANSAI. Đồng thời, tại phiên họp toàn thể lần hai, Đại hội cũng tiến hành một số vấn đề quan trọng như: Chuyển giao nhiệm vụ của Tổng thư ký ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018; Công nhận SAI Pa-let-xtin là thành viên mới của ASOSAI,…

Hoàng Hương

 

 

Ý kiến bạn đọc