Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành thế nào?

Thứ Hai 01/10/2018 | 09:22 GMT+7

VH-  Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội dự kiến sẽ chính thức khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán 2019.

 Sẽ có thêm nhiều tiện ích khi sử dụng đường sắt đô thị

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Sở GTVT đã có phương án chuẩn bị cho kế hoạch vận hành khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động và đã báo cáo lên TP Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở GTVT đã chuẩn bị kế hoạch liên quan tới công tác tích hợp các phương tiện công cộng với tuyến đường sắt đô thị, trong đó, phương tiện xe buýt đóng một vai trò quan trọng trong việc cung ứng và giải tỏa hành khách chính cho tuyến đường sắt. Để tạo thuận lợi cho người tham gia dịch vụ này, mạng lưới xe buýt sẽ được thay đổi để tích hợp với tuyến đường sắt. Trên hành lang tuyến đường sắt sẽ có khoảng hơn 30 tuyến xe buýt, trong đó các tuyến đầu cuối sẽ được tăng cường lượng xe. Nếu kết nối 12 ga của đường sắt với các tuyến xe buýt sẽ tăng mạnh hiệu quả đi lại của người dân. Bên cạnh đó, phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô… sẽ có vị trí thuận lợi để gửi xe, tạm thời có thể bố trí 8 nhà ga cho các phương tiện dừng đỗ và sẽ mở rộng trong tương lai. Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị này sẽ thực hiện 144 chuyến/ngày với 960 hành khách/chuyến, theo ước tính, một ngày có khoảng 160.000 – 180.000 lượt hành khách sử dụng dịch vụ này, gấp 10 lần tuyến BRT. Khách đường sắt đô thị tăng sẽ kéo theo khách sử dụng các phương tiện công cộng khác như xe buýt cũng sẽ tăng với tốc độ nhanh.

 ​ 90% người dân sẵn sàng sử dụng metro

Theo nghiên cứu thị trường của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về sự trông đợi của người dân tới đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, hơn 90% người dân được hỏi sẵn sàng sử dụng metro Hà Nội. Lý do chủ yếu thu hút người dân sử dụng metro là không lo tắc đường, tiết kiệm thời gian di chuyển… Cũng theo khảo sát, phần đông người dân cũng mong muốn các siêu thị tiện ích, các ATM, cửa hàng ăn nhanh, máy bán hàng tự động gần khu vực đường sắt trên cao.

Trong khi đó, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, để để vận hành thương mại tuyết đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông trước Tết Nguyên đán 2019, bộ máy vận hành đã sẵn sàng, tuy nhiên còn phải qua trình vận hành thử mới đánh giá được mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực. Theo ông Trường, 681 người vận hành tuyến đường sắt này sẽ được thực nghiệm tại hiện trường, sau sát hạch, người nào đủ tiêu chuẩn mới được vận hành chính thức. Riêng về quy định, quy trình vận hành, Công ty đã đưa ra 110 quy trình, quy định cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) Vũ Quang Khôi cho biết, 48 lái máy đã được cử đi học nước ngoài về, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ tiến hành sát hạch, cấp phép cho những lái máy này để họ có thể làm việc tại các dự án đường sắt đô thị.

Liên quan đến giá vé của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, dự kiến nếu bình quân hành khách đi khoảng 5 – 6 km giá vé sẽ cao hơn vé xe buýt khoảng 3%, còn đi toàn tuyến sẽ cao hơn hẳn. Ông Trường cho biết, việc xây dựng chính sách giá vé cũng đã được Hà Nội chuẩn bị trong vòng 3 năm, có sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản phối hợp cùng nhân sự Việt Nam nghiên cứu. Công ty đã trình TP Hà Nội phê duyệt để đưa ra giá vé vào thời điểm vận hành chính thức. Giá vé là giá được trợ giá nên sẽ rất phù hợp với thu nhập người dân, đồng thời là vé điện tử theo chuẩn quốc tế, đi bao nhiêu trả bấy nhiêu. Cùng với đó là nhiều thể loại vé với hình thức di chuyển linh hoạt. 

 ​Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị, trong đó 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm, 5 tuyến kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven. Trong đó, tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh và tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. TP Hà Nội hiện cũng đang làm chủ đầu tư 2 dự án đường sắt đô thị số 2 và số 3. Tuyến đường sắt đô thị số 2 Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi, TP Hà Nội đang đặt mục tiêu từ nay tới năm 2020 sẽ hoàn thành đoạn tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (11,5 km) và đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (5,9 km). Hai đoạn tuyến: Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Bưởi (7 km) và Nội Bài - Thăng Long (17,4 km) dự kiến đầu tư đến năm 2030; sau 2030 sẽ kéo dài tuyến lên Sóc Sơn (10,2 km). Tuyến đường sắt đô thị số 3 Trôi - Nhổn - Yên Sở gồm 3 đoạn: Nhổn - Ga Hà Nội (12,5 km); Trôi - Nhổn (5,9 km); Ga Hà Nội - Yên Sở - Hoàng Mai (7,3 km). Dự kiến, sau năm 2030, tuyến số 3 sẽ được kéo dài đến Sơn Tây (30 km). Riêng đoạn tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA; dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

3 đoạn tuyến đường sắt đô thị đang làm thủ tục nghiên cứu báo cáo tiền khả thi gồm: Tuyến số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc - Ba Vì. Tuyến số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7 km với 8,13 km đi ngầm; Dự án có tiến độ đầu tư thực hiện từ năm 2018 - 2025, có thể đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2026. Tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất có tốc độ thiết kế đoạn đi ngầm là 90 km/giờ; đoạn đi cao và đi bằng là 120 km/giờ; chiều dài toàn tuyến 38,4 km. Dự án có tiến độ đầu tư thực hiện từ năm 2018 - 2025, có thể đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2026…

 

 Bài, ảnh: HOÀNG ANH

 

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top