Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV: Cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia

Thứ Hai 12/11/2018 | 09:29 GMT+7

VHO- Cho rằng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời là kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, đáng báo động ở nước ta, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết cơ quan này cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và nhấn mạnh thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

 Ảnh minh họa

Việt Nam tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tình hình sử dụng rượu, bia ở nước ta đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Về mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia,Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đều đang gia tăng. Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia thì đến năm 2015 đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.

Thống kê hằng năm cũng cho thấy có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 đến 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp. Ở nước ta nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. “Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Trong dự thảo Luật trình Quốc hội lần này cũng có qui định chi tiết về các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt tối đa đối với vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Cấm tài trợ bằng các sản phẩm rượu, bia

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trước Quốc hội trong phiên họp vào ngày 9.11, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết cơ quan này cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và nhấn mạnh thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban thấy rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cần bao gồm cả những quy định liên quan đến việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia. Nếu chỉ đưa ra những quy định liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe thì các chính sách, giải pháp trong dự án Luật sẽ không toàn diện, công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Phạm vi điều chỉnh như vậy cũng phù hợp và trực tiếp thể chế hóa nhiệm vụ “thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá” được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW cũng như các cam kết quốc tế.

Về chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban đồng tình với chính sách “tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia” tại khoản 2 Điều 3 nhưng đề nghị cần quy định cụ thể, minh bạch nguyên tắc của lộ trình tăng thuế ngay trong Luật. Đồng thời, đề nghị bổ sung chính sách “ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với thanh niên, người chưa thành niên” và các quy định cụ thể hướng trực tiếp đến giới trẻ để ứng phó xu hướng trẻ hóa người sử dụng rượu bia, giảm thiểu những nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật và hệ lụy xã hội do rượu, bia.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban đề nghị thể hiện điều cấm tại khoản 4 Điều 5 theo hướng cấm “ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia”, “sử dụng người dưới 18 tuổi trong hoạt động sản xuất và buôn bán rượu bia” để đảm bảo tính toàn diện và bao quát hơn. Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi cấm “tài trợ bằng các sản phẩm rượu, bia” vào Điều 5 dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ thu hút các điều, khoản có nội dung tương tự như hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật…

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong phiên họp vào chiều nay 12.11. 

 Hôm nay Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Ngày 12.11, theo chương trình dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, trong phiên họp buổi sáng. Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; thảo luận ở tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong các ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018…

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước...

 

 THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top