Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Thay đổi nhận thức về nhà vệ sinh ở Việt Nam: "Việc của quốc gia chứ không chỉ là một hiệp hội"

Thứ Hai 12/11/2018 | 09:36 GMT+7

VHO- Được thành lập theo Quyết định của Bộ Nội vụ, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam vừa chính thức ra mắt với 134 thành viên là cá nhân và tổ chức trên cả nước.

 Ra mắt BCH Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam

Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho biết, qua khảo sát thực tế nhà vệ sinh công cộng trên cả nước gần như chưa đạt chuẩn của nhà vệ sinh. Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam ra đời với mong muốn từng bước tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Tiếp đến sẽ xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng hiện đại, phù hợp cho từng khu vực và từng vùng miền tạo bước đột phá về văn minh, hiện đại, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Ngay sau lễ ra mắt, Đại hội thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (nhiệm kỳ 2018-2023) cũng chính thức được diễn ra. Theo đó, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có trụ sở tại số 5, đường 30 tháng 4, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường, sản xuất, chế tạo nhà vệ sinh, thiết bị vệ sinh, cải tạo và nâng cao chất lượng nhà vệ sinh một cách tự nguyện, không vụ lợi. Hiệp hội này hoạt động hoàn toàn dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.

Hoạt động chính của Hiệp hội là tuyên truyền nâng cao ý thức xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; phổ biến, áp dụng những thành tựu mới trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, duy trì, bảo dưỡng nhà vệ sinh, tiến hành khảo sát, xác lập các phương án cải tạo mới nhà vệ sinh cộng cộng đạt tiêu chuẩn thế giới…

Hiện nay, thực trạng nhà vệ sinh tại những nơi công cộng như công sở, trường học, bệnh viện, bến tàu, bến xe, điểm tham quan… trên cả nước đều chưa đạt chất lượng, nhiều nơi nhà vệ sinh mất vệ sinh nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người dân. Trong khi đó, người dân lại thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung.

Chính vì vậy, một số loại bệnh phát sinh do bị nhiễm khuẩn từ nhà vệ sinh bẩn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Bênh cạnh đó, nhà vệ sinh sạch sẽ ở bệnh viện, trường học, những nơi công cộng trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá văn hóa của địa phương, đặc biệt trong mắt người nước ngoài.

 Chủ tịch Lê Văn Hiệp giới thiệu mô hình nhà vệ sinh thông minh

“Khi Hiệp hội chính thức đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ hướng đến xây dựng 50- 60% tổng nhu cầu nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn châu Á. Mong muốn của chúng tôi là hướng đến cộng đồng và phát triển kinh tế theo hướng xã hội hóa, hiện thực hóa việc xây dựng và quản lý thực hành nhà vệ sinh thông minh. Kinh phí sẽ đề xuất “thương mại vốn”, thu phí nhà vệ sinh công cộng, riêng nhà vệ sinh bến xe mà Hiệp hội hướng đến xây dựng sẽ không thu phí, nhằm tác động vào ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng cho người dân”, ông Lê Văn Hiệp nói.

Chia sẻ về việc thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, ông Tony Fiess, thành viên World Toilet cho biết: “Việc thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam rất là mới lạ với cộng đồng Việt Nam nhưng trên thế giới Hiệp hội Nhà vệ sinh đã có chỗ đứng riêng. Hy vọng, trong tương lai Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam sẽ hoạt động tốt để gia nhập vào Hội Nhà vệ sinh thế giới”.

Thực sự, chỉ những ai đã từng chứng kiến cảnh con mình nhịn tiểu suốt một ngày học vì nhà vệ sinh ở trường quá bẩn, thấy người bệnh cố nhịn vì nhà vệ sinh ở bệnh viện hôi hám, hay khách du lịch vào rồi lại đi ra vì nhà vệ sinh bốc mùi nồng nặc mới thấy việc có những nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ quan trọng như thế nào.

Ông Lê Văn Hiệp cho biết: “Trước mắt, Hiệp hội sẽ thực hiện thí điểm 300 nhà vệ sinh thông minh tại 3 huyện, thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương với kinh phí khoảng 450 tỉ đồng, sau đó sẽ mở rộng xây dựng các nhà vệ sinh thông minh tại các tỉnh, thành trên cả nước. Các nhà vệ sinh thông minh sẽ được đặt tại các nơi công cộng tại vị trí trung tâm, nơi có nhiều người sinh hoạt, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn hiện đại như hệ thống cảm ứng, vận hành hoàn toàn tự động và sử dụng năng lượng mặt trời, phù hợp với tất cả đối tượng sử dụng, kể cả người khuyết tật. Đặc biệt người dân sẽ được miễn phí hoàn toàn khi sử dụng”.

“Tôi biết có người cười cợt chúng tôi vì theo đuổi việc thành lập Hiệp hội này. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và cùng chung tay vì vệ sinh môi trường và vì cuộc sống của chính chúng ta”, ông Lê Văn Hiệp nói.

Việc thiếu nhà vệ sinh tại các khu du lịch, điểm tham quan trên toàn quốc cũng là vấn đề nhức nhối, làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách trong và ngoài nước. Gần đây nhất, hồi tháng 8.2018, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc triển khai nhiệm vụ “Tổ chức phát động xây dựng và xã hội hóa nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch”, TCDL (Bộ VHTTDL) đã tổ chức phát động triển khai mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh cho khách du lịch với biểu tượng “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” tại các địa bàn du lịch trọng điểm.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng), người đã dành rất nhiều tâm huyết để xây dựng dự án Xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng tại Đà Nẵng và được nhiều tỉnh, thành phố học tập mô hình cho rằng, việc ra đời Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam là rất cần thiết vì vấn đề vệ sinh liên quan trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe của người dân và du khách. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng của Hiệp hội là tạo ra cuộc “cách mạng” về nhà vệ sinh ở Việt Nam, thay đổi từ nhận thức đến cơ sở vật chất lại không hề đơn giản. Thậm chí, đây còn là việc của quốc gia chứ không chỉ là việc của một Hiệp hội”.

Khi đó, cả chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cùng vào cuộc thì mới có thể thực hiện được. Các địa phương hỗ trợ cho thuê đất, theo quy hoạch của các tỉnh thành, xây dựng nhà vệ sinh thông minh những nơi nhiều khách đi lại tham quan mua sắm. Đồng thời cho cơ chế để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà vệ sinh thông minh quảng cáo, kinh doanh dịch vụ khác xung quanh. Hiệp hội sẽ kêu gọi sự vào cuộc, chung tay của các doanh nghiệp có mong muốn chia sẻ nguồn lợi với cộng đồng. Chỉ khi chính quyền địa phương, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, doanh nghiệp thống nhất quan điểm, trách nhiệm, quyền lợi… thì mới được triển khai và cho ra sản phẩm được. “Hiệp hội tên là gì? ra đời ở đâu? bao giờ? ai đứng đầu… không quan trọng mà làm thế nào để Hiệp hội kết nối được các nguồn lực khác trong xã hội, làm thay đổi nhận thức, môi trường xã hội, giúp cho du lịch phát triển, du khách đến thấy mãn nguyện, hạnh phúc; nâng cao văn minh, văn hóa; hình ảnh địa phương, quốc gia được nâng lên… mới là quan trọng”, ông Sơn nói.

 THÚY HÀ

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top