Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15: Lần đầu tiên sẽ có “Con đường thi nhân”

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15: Lần đầu tiên sẽ có “Con đường thi nhân”

VH- Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 sẽ diễn ra đúng vào ngày Rằm tháng Giêng (tức 11.2), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Đặc biệt, lần đầu tiên “Con đường thi nhân” xuất phát từ ý tưởng nhìn lại 60 năm của Hội Nhà văn Việt Nam từ khi chính thức được thành lập năm 1957 sẽ được mở. Trên con đường này có sự xuất hiện của hàng trăm nhà thơ của các thế hệ bên cạnh những câu thơ hay nhất của chính tác giả. Người xem sẽ được đi dưới một bầu trời của những câu thơ hay về con người, đất nước, khát vọng, niềm hi vọng. 
 Với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với sự tham dự của đông đảo các nhà thơ Việt Nam sinh sống trong, ngoài nước.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Các hoạt động chính của Ngày thơ gồm thi thơ, diễn thơ, đố thơ, tặng thơ, tặng chữ, thơ câu đối... xoay quanh các nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần sáng tạo, đoàn kết, hòa hợp dân tộc, chung tay xây dựng đất nước giàu đẹp.
Theo đó, trọng điểm tại sân thơ truyền thống sẽ có các cuộc giao lưu từng nhóm tác giả tiêu biểu đại diện các thế hệ nhà thơ trẻ và các nhà thơ đã thành danh, các tác giả đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016, thay vì đọc thơ như trước đây. Ngoài ra, triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam sẽ trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về thành tựu của Hội trong 60 năm hình thành, phát triển. Trong không gian này, dự kiến sẽ trưng bày nhiều hình ảnh quý và đặc biệt...
Trước những thắc mắc, vì sao không tổ chức sân thơ trẻ, Ban tổ chức cho biết, Ngày thơ năm nay xoay quanh những hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, trên sân khấu chính sẽ xuất hiện hai thế hệ các nhà thơ, các nhà thơ cách mạng và thế hệ thơ đổi mới, với những gương mặt tiêu biểu như: Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Trần Quang Quý, Lữ Mai, Quang Hưng...
Ngoài ra, thơ thiếu nhi không xuất hiện trên sân khấu, nhạc thiếu nhi không xuất hiện trên thi đài mà thay vào đó là một không gian đặc biệt cho các Câu lạc bộ thơ thiếu nhi. Cuộc thi thơ, hoạt động về thơ của các em thiếu nhi sẽ được tập trung tại Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam. Ban tổ chức sẽ dành riêng ba kiốt cho không gian thơ đặc biệt này bên cạnh kiốt thơ của các tỉnh, thành phố. Sân thơ trăm miền sẽ là nơi để văn nghệ sĩ các tỉnh, thành phố và câu lạc bộ thơ giao lưu, trình diễn những tác phẩm thơ đặc sắc nhất.
Bên cạnh đó, tham dự Ngày thơ Việt Nam năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giới thiệu nghệ thuật làm gốm, các sản phẩm gốm Hương Canh; tỉnh Hòa Bình quảng bá nét đặc sắc của văn hóa Mo Mường cùng với dàn cồng chiêng của người Mường. Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh còn tổ chức cho tất cả các văn nghệ sĩ về Hà Nội tham dự, hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam. Tại các địa phương, Ngày thơ Việt Nam diễn ra ở các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục. Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, Ngày thơ sẽ được tổ chức trang trọng tại An toàn khu Định Hóa - nơi 70 năm trước đây Bác Hồ viết bài thơ Nguyên tiêu.
Đặc biệt, tại Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ kết nạp 6 nhà thơ trẻ, điều chưa có tiền lệ trong những năm qua.

Nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ra mắt ấn bản mới tập thơ thiếu nhi “Hỏi lá hỏi hoa” của nhà thơ Cao Xuân Sơn. Tập thơ tuyển chọn 22 bài thơ hay nhất viết cho thiếu nhi của nhà thơ Cao Xuân Sơn. Ngoài ra, NXB Kim Đồng cũng giới thiệu tới độc giả một loạt ấn phẩm đặc biệt. Đó là tập artbook “5 Mùa”; “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa” – tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong suốt hơn nửa thế kỉ sáng tạo; Tuyển tập “Thơ hay cho bé mầm non”; Tuyển thơ song ngữ “Cây cối quê hương”, “Hoa thơm trái ngọt”; Bộ truyện cổ bằng thơ của Thái Bá Tân gồm 3 cuốn “Cổ tích Việt Nam bằng thơ”, “Cổ tích thế giới bằng thơ”, “Ngụ ngôn Ê-dốp bằng thơ” và đặc biệt là bộ thơ ca dân gian được trình bày với hình thức đẹp: “Đồng dao cho bé”, “Câu đố dân gian bằng tranh”, “Ca dao tục ngữ bằng tranh”…Thanh Ngọc

Dương Thùy

Ý kiến bạn đọc