Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Để mã la vọng mãi núi rừng

Thứ Tư 16/01/2019 | 11:10 GMT+7

VHO- Ông Nguyễn Hải Liên, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian - Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận cho biết: Mã la không chỉ là một nhạc cụ phổ biến mà quan trọng hơn là nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai.

 Nghệ nhân Mai Thắm dạy đánh mã la cho các em học sinh Trường PTDTNT Pi Năng Tắc, huyện Bác Ái

 Vật thiêng

Bởi vì, mã la vừa là của cải quý giá lại vừa là vật thiêng của gia tộc. Nói cho rõ hơn, thiêng là vì mã la có thể thay mặt cho gia tộc tiếp xúc với thế giới thần linh, tổ tiên, ông bà trong các lễ hội của người Raglai. Và cũng có thể nói, mã la bao giờ cũng được đặt ở một vị trí trang trọng nhất trong nhà như treo trên vách, cất trên gác cao.

Theo đồng bào Raglai, ngày xưa mã la đóng vai trò là thần bảo vệ, thần tiên tri, báo hiệu điều lành, điều dữ cho dân làng biết để ứng phó. Hát và kể chuyện một đoạn trong sử thi Uya-Yuhea, Nghệ nhân ưu tú Katơr Thị Sính (thôn Ma Ty, xã Phước Tân, huyện Bác Ái) chia sẻ với chúng tôi về nội dung: Đêm đám cưới của Uya, tiếng mã la đã báo tin dữ: “Patao Tamul đang sắp sửa kéo quân đến đánh làng Uya để cướp vợ đẹp và chiếm dân làm tôi tớ. Nhờ biết trước, nên 2 anh hùng Uya và Yuhea đã đề phòng được tai hoạ”. Ngày nay, trong các nghi lễ của đồng bào Raglai, nhất là trong các lễ hội như: Lễ ăn đầu lúa mới, lễ bỏ mả… đều không thể thiếu mã la. Tiếng mã la tượng trưng cho người dẫn đường, lời mời mọc, thỉnh cầu ông bà, tổ tiên… về chung vui với dòng tộc, con cháu.

Có thể nói, đồng bào Raglai vốn ít thổ lộ tình cảm bằng lời nói. Mã la là nhạc cụ duy nhất trong gia tộc để mọi người gửi gắm tình cảm, ước mơ và giáo dục con cái luôn nhớ về cội nguồn, ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Gần 7 năm về trước, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái được Hội Văn nghệ dân gian tỉnh chọn thí điểm thành lập các đội “Mã la gia tộc Raglai”. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu được mục đích, ý nghĩa và nâng cao nhận thức để giáo dục con cháu trong tộc họ về ý thức bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống của cộng đồng mình đã được địa phương và các ngành quan tâm…

Tín hiệu vui từ giới trẻ

Những ngày đầu năm 2019, đến thôn Mai Oai, xã Phước Thắng, chúng tôi gặp ông Mai Thắm - một trong những nghệ nhân tâm huyết với nhạc cụ mã la. Theo ông Mai Thắm, thời gian qua, chính quyền xã Phước Thắng đã vận động thành lập các đội mã la gia tộc, và ông đảm nhận việc truyền dạy cho 2 tộc họ Pi Năng và Patâu Asá, với các cháu có độ tuổi từ 11-14. Giờ đây, con cháu trong tộc họ đã biểu diễn thuần thục nhạc cụ và có nhiều chuyến lưu diễn trong và ngoài tỉnh. Cũng nhờ vậy mà năm 2015, ông Mai Thắm được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. “Trước đó, tôi rất lo lắng về sự mai một của nhạc cụ mã la. Nhưng giờ các cháu nhỏ tuổi vừa học chữ, vừa học mã la làm tôi vui lắm và đó là cách tốt nhất để bảo tồn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình”, ông Mai Thắm bộc bạch.

Nhiều năm qua, bằng sự cố gắng và nỗ lực, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận đã thành lập các đội mã la gia tộc ở hai xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) và xã Phước Hà (huyện Thuận Nam). Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận có 20 đội mã la gia tộc, các nghệ nhân dân gian Raglai đang miệt mài truyền dạy, chuyển giao cho con cháu. Nghệ nhân ưu tú Mai Thắm tâm sự: Tuy việc truyền dạy mã la tại tộc họ mấy năm qua có chiều hướng phát triển tốt, nhưng sau khi các cháu học hết phổ thông, đi học và đi làm ăn xa thì việc tập luyện mã la sẽ không còn được duy trì như trước nữa. Đặc biệt, số lượng mã la tại các gia tộc không đủ, thường xuyên phải đi mượn nơi khác khi tập luyện nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý học đánh mã la của các cháu.

Ông Nguyễn Hải Liên nhìn nhận: Một trong những cách bảo tồn hiệu quả mã la của đồng bào Raglai, đó là duy trì việc truyền dạy mã la trong gia tộc cho các lớp thanh niên trẻ, nhất là các cháu gái từ 12-14 tuổi. Vì các cháu này luôn ở tại làng và dù khi trưởng thành, thì các gia tộc vẫn duy trì được đội mã la, với chế độ mẫu hệ “mẹ truyền con nối”. Khi đó, giá trị bảo lưu, phát huy di sản văn hóa của tộc người Raglai sẽ được nâng lên.

Việc dạy mã la tại tộc họ của đồng bào Raglai tuy có gặp khó khăn, nhưng với tâm huyết, nỗ lực của cộng đồng trong việc bảo tồn nét đẹp văn hoá phi vật thể mã la, thì tin rằng mỗi khi có dịp đến với đồng bào Raglai, với bộ nhạc từ 2-11 chiếc mã la khác nhau cùng hoà tấu lên, chúng ta lại được nghe những âm thanh độc đáo của mã la như bài giao hưởng vang vọng giữa núi rừng. 

NINH VĂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top