Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Trưng bày cổ vật bị đánh cắp

Thứ Hai 25/03/2019 | 09:40 GMT+7

VHO- Bảo tàng Basra, Iraq đã tổ chức trưng bày hơn 2.000 cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật đã bị đánh cắp và được tìm thấy ở nước ngoài.

Du khách tham quan phòng trưng bày trong bảo tàng Basra Ảnh: AFP

Nỗ lực tái thiết di sản văn hóa

Trong nỗ lực khôi phục các di sản văn hóa của đất nước bị hủy hoại trong cuộc chiến tranh và thu hút sự chú ý của người dân đối với các bảo vật truyền thống, bảo tàng Basra tại Iraq mới đây đã cho tổ chức trưng bày hơn 2.000 cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật đã bị đánh cắp và được tìm thấy ở nước ngoài. Tạm thời đóng cửa vào năm 1991, bảo tàng Basra là một trong 9 bảo tàng từng chịu cảnh bị cướp bóc bởi những người bất mãn với chế độ độc tài Saddam Hussein trong cuộc Chiến tranh vùng vịnh đầu tiên xảy ra tại Iraq. Giờ đây, với sự hỗ trợ của Bảo tàng Hoàng gia Anh và một số tố chức liên quan, hàng ngàn cổ vật có niên tại từ khoảng 6.000 năm trước công nguyên đã được trưng bày tại đây.

Theo truyền thông địa phương, đây là bộ sưu tập nằm trong một cung điện cũ của nhà độc tài quá cố. Những bảo vật được trưng bày tại bảo tàng Basra thuộc các thời kỳ như Sumerian, Babylon, Assyria và Hồi giáo trong lịch sử Iraq. Với hơn 2.000 cổ vật được trưng dụng từ bảo tàng Baghdad cùng 100 cổ vật từng bị cuớp bóc đã được tìm thấy ở nước ngoài, trưng bày đã thu hút sự chú ý từ rất nhiều người dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.

Bộ Văn hóa Iraq mới đây cũng đã có kế hoạch bổ sung một thư viện sách khảo cổ, một phòng hội thảo và đàm thoại dành cho bảo tàng Barsa. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương dự kiến sẽ đầu tư thêm bốn bảo tàng khác trong thành phố. Qays Hussein, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Iraq cho biết: “Di sản quan trọng nhất được trưng bày tại đây chính là các văn tự cổ được viết trên những chiếc bàn đất. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều con dấu hình trụ quý hiếm và bộ sưu tập tiền xu độc bản được mang tới đây từ Bảo tàng Quốc gia Iraq”. Phát biểu với truyền thông địa phương, các thành viên của Nghị viện đại diện tỉnh Basra đã thể hiện niềm tự hào khi thành phố thường được coi như trung tâm kinh tế trọng yếu của Iraq, đã có cơ hội được thế giới biết đến với sự đóng góp đáng kể vào di sản văn hóa và lịch sử Iraq.

Trước đó, nhiều nhà chức trách tại Iraq đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với tình hình di sản khảo cổ và tự nhiên tại các thành phố lớn nếu như UNESCO không thêm chúng vào danh sách Di sản Thế giới. Nhiều năm liền với tình hình chính trị bất ổn, các di tích tại Iraq bị lãng quên và trở nên xuống cấp trầm trọng. Kể từ năm 2003 sau khi chế độ độc tài Saddam sụp đổ, những di tích này đã lần lượt được thêm vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Đầu năm 2018, UNESCO cũng đã hỗ trợ tái thiết Nhà thờ hồi giáo Nouri và Nhà thờ Hadba’a tại Mosul dưới sự phối hợp với các nhà tài trợ của UAE. Triển lãm được tổ chức tại bảo tàng Basra cũng là một hành động nằm trong những nỗ lực tái thiết di sản văn hóa của Iraq.

Hàng ngàn cổ vật chưa thể tìm lại

Trên thực tế, kể từ sau thất bại của IS tại Iraq vào tháng 12.2017, nhiều tổ chức quốc tế đã từng bước nỗ lực hồi sinh các di sản của đất nước này, đặc biệt là sau khi một số địa điểm văn hóa quan trọng như các bảo tàng bị phá hủy. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, kỹ sư người Iraq Kais Jacob Ishak, người nhận trách nhiệm bảo tồn di sản của nước này đã cố gắng tái tạo các công trình lịch sử dưới dạng mô hình 3D. Đây là dự án bỏ ngỏ được bắt đầu từ 7 năm trước đó.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực nhằm giảm thiệt hại đối với cổ vật, các chuyên gia cho rằng Iraq cần có nhiều động thái hơn nữa để ngăn chặn xu hướng mai một có thể sẽ diễn ra trong nhiều thập kỷ. Azr al-Hassani, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Ả Rập cho biết, việc biên giới Iraq vẫn còn mở cửa đã tạo điều kiện cho các hành vi buôn lậu được thực hiện dễ dàng. Điều này khiến nhiều cổ vật của Iraq bị đánh cắp và cướp phá do thiếu kiểm soát, đặc biệt là tại các địa điểm khảo cổ đang trong quá trình khai quật. Chính vì lý do đó, nhiều người đã kêu gọi Chính phủ Iraq nâng cao cảnh giác đối với các hoạt động phi pháp nêu trên.

Hiện, hàng ngàn cổ vật Assyrian, Babylon, Ba Tư, La Mã và Hồi giáo của Iraq vẫn còn bị mất tích và chưa thể tìm lại. Trưởng ban Khảo cổ học và di sản tại Basra, ông Al Obeid cho biết: “Một số mẫu cổ vật đã bị các băng đảng buôn lậu đáng cắp và đưa ra nước ngoài. Chúng tôi hiện chưa xác định liệu hành vi tội phạm này được thực hiện bởi IS hay nhưng kẻ buôn lậu thông thường tại các chợ đen. Tuy nhiên chúng tôi sẽ nỗ lực trong thời gian tới”. Những cố gắng của Iraq để khôi phục nền văn hóa qua các di sản lịch sử cũng được chính phủ và các tổ chức tại nước ngoài nhiệt liệt ủng hộ. Hoa Kỳ cho biết, nước này đã trả lại hơn 3.000 cổ vật bị đánh cắp cho Iraq kể từ năm 2005. Chính quyền nước Anh cũng xác nhận đã trả lại nhiều cổ vật bị cướp bóc, bao gồm một viên đá quý Babylon được trao trả thông qua Đại sứ quán Iraq.

Các chuyên gia nhận định, Iraq vẫn còn một chặng đường dài để khẳng định được tiềm năng vốn có trong ngành du lịch di sản. Việc tổ chức buổi triển lãm tại bảo tàng Basra là một trong những bước đệm đầu tiên tạo ra sự phát triển tích cực cho toàn đất nước.

 THANH HẰNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top