Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Di dời cư dân ra khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế: Người dân cùng giám sát chặt chẽ

Thứ Hai 25/03/2019 | 10:16 GMT+7

VHO- Trong năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện việc di dời 523 hộ dân ở khu vực Thượng Thành (Kinh thành Huế), mở đầu cho cuộc “di dân lịch sử” thuộc đề án Di dời dân cư ra khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đã được Chính phủ phê duyệt.

 Đại diện các hộ dân đặt câu hỏi với lãnh đạo địa phương về chính sách hỗ trợ của dự án

Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế có hơn 4.200 hộ dân đang sinh sống và phần lớn là có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên để thực hiện di dời cần có những hỗ trợ “đặc biệt”. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân thuộc đề án này, và đã được Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1771/TTg-CN ngày 10.12.2018.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay của địa phương, lớn về cả quy mô kinh phí và quy mô dân cư. “Từ nay đến năm 2021, tỉnh sẽ thực hiện di dời dân cư ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Tuyến phòng lộ, Hộ thành hào. Đây là dự án lớn, không còn mang tầm cấp tỉnh mà có tính chất quốc gia. Chính phủ đã có khung chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt nhất cho người dân nên bà con yên tâm về đề án này”, ông Thọ nói.

Theo khung chính sách này, nếu các hộ gia đình được bồi thường hoặc hỗ trợ tài sản nhà ở và công trình xây dựng trên đất với số tiền nhỏ hơn 120 triệu đồng, thì sẽ được hỗ trợ thêm cho đủ 120 triệu đồng để có điều kiện làm nhà ở tại nơi tái định cư.

Các hộ dân sử dụng đất lấn chiếm sẽ được kiểm kê hỗ trợ theo các giai đoạn khác nhau, như: giai đoạn từ 19.5.1976 đến 15.10.1993, nếu trên đất có nhà ở thì được hỗ trợ 100% theo hiện trạng, nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở; giai đoạn từ 15.10.1993 đến 1.7.2004, đất có nhà ở được hỗ trợ 50% theo hiện trạng nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở… Ngoài ra, những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước (nhà chồ- PV) cũng được hỗ trợ theo diện tích xây dựng nhưng không vượt quá 200m2. Đối với nhà ở, công trình sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

 Nhiều nhà dân sống tạm bợ trên khu vực Thượng Thành (Kinh thành Huế) sẽ được di dời vào tháng 9.2019 tới

Tại buổi gặp gỡ các hộ dân sống trên khu vực Thượng Thành vào cuối tuần qua, ông Huỳnh Cư, Bí thư Thành ủy Huế đã đề nghị người dân cùng giám sát chặt chẽ và có ý kiến phản ánh những bất hợp lý, sai sót trong quá trình thực hiện dự án để các cấp ngành nhanh chóng có hướng điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Mục đích của địa phương là tạo điều kiện tốt nhất để cư dân có được nơi ở mới tốt hơn nhiều so với nơi cũ. Chậm nhất đến tháng 9.2019, việc di dời 523 hộ dân ở Thượng Thành sẽ được thực hiện.

Các hộ dân nằm trong diện di dời bày tỏ những thắc mắc liên quan đến chính sách về hỗ trợ, bồi thường như: gia đình nhiều thế hệ có được tách hộ và các hộ phụ đó có hưởng chính sách không; sau khi di dời đến nơi ở mới thì việc học tập của con cái có bị gián đoạn không… Hay trường hợp anh Nguyễn Đức Thọ (phường Thuận Lộc) thắc mắc rằng: Năm 1984, mặc dù gia đình anh được cấp giấy tờ đất nhưng trong giấy có ghi “sau này, nếu Nhà nước giải tỏa thì không được hưởng đền bù” thì lần di dời này có được hưởng các chính sách không?...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết: Trường hợp của anh Thọ, nếu căn cứ theo luật thì không được đền bù; nhưng theo khung chính sách này, gia đình anh Thọ sẽ được hỗ trợ bằng 100% so với giá trị sẽ đền bù. Các hộ gia đình sau khi đến nơi tái định cư mà vẫn muốn con cái học chỗ cũ thì vẫn được theo học cho đến hết bậc THCS.

“Việc kiểm kê, đo đạc để thực hiện hỗ trợ theo khung chính sách “đặc biệt” sẽ được công khai. Phần lớn những hộ dân ở đây không có giấy tờ đất đai nên chúng tôi sẽ yêu cầu các hộ dân nộp những giấy tờ liên quan như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, hóa đơn tiền điện – nước (có dấu đỏ)… để chứng minh hộ gia đình có sinh sống trên thửa đất hiện tại. Đối với các hộ dân đủ điều kiện tách hộ thì xem xét tách hộ và hưởng chính sách của hộ phụ. Ngoài ra, địa phương cũng có các chính sách về sinh kế cho người dân sau khi tái định cư”, ông Tuấn giải thích.

“Cán bộ các phường nơi có thực hiện dự án và UBND TP Huế phải luôn lắng nghe, hỗ trợ người dân trong các việc làm các giấy tờ, thủ tục; giải thích rõ những vấn đề thắc mắc của bà con trong quá trình triển khai. Việc thực hiện dự án là phải công khai, minh bạch và công bằng”, ông Thọ nhấn mạnh.

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top