Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cha mẹ chủ quan, con trẻ lãnh đủ

Thứ Sáu 29/03/2019 | 09:43 GMT+7

VHO- Nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã chủ quan hoặc một chút lơ là khiến cho nhiều đứa trẻ phải chịu những hậu quả rất nghiêm trọng. Nhiều vụ việc xảy ra gần đây như tiếng chuông báo động.

Gần đây nhất là trường hợp bé Chẩu Khải P (3 tuổi, trú tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) được đưa vào Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang ngày 25.3. Gia đình cho biết, khi tắm cho bé, đã lấy nước sôi vào chậu trước khi đổ nước lạnh, trẻ hiếu động đã ngã vào chậu nước gây bỏng nhiều chỗ trên cơ thể.

 Một bé bị bỏng được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang

Những tai nạn thương tâm

Ths.Bs Quàng Văn Hải, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Bệnh nhi được chẩn đoán bỏng độ II-III ở các vị trí: lưng, cánh cẳng tay hai bên, đùi hai bên và 2 bên mông, diện tích bỏng khoảng 30% cơ thể. “Các ca bỏng nặng thường phải điều trị lâu dài và tốn rất nhiều chi phí. Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như: chân, lưng, cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhi... để lại những di chứng nặng nề. Ngoài ra các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Nam Giang, phụ trách Khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết ngày 21.3, bệnh nhi Nguyễn T.H.Y (3 tuổi xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), được đưa vào nhập viện trong tình trạng hoang mang, hoảng sợ sau khi bị chó cắn. Bệnh nhi Y bị rất nhiều vết thương phần mềm ở đùi trái, vết cắn dài nhất tới 10cm, có kèm theo gãy xương kín. Chị Nguyễn Thị H mẹ cháu Y là người giành giật con gái từ mồm con chó pittbul nặng khoảng 25 kg nhà hàng xóm đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi. Chị cho biết, hôm đó bé Y đang đi xe đạp trẻ em ở ngoài cổng nhà, bất ngờ con chó nhà hàng xóm giật đứt xích lao ra. Bé liền rời khỏi xe đạp đi về phía mẹ, bỗng con chó xông vào tấn công bé. Người mẹ vừa ôm con vừa kêu cứu nhưng con chó dữ nhất định không nhả, chủ cũng có mặt để kéo con chó lại nhưng không được. “Những người xung quanh nghe thấy tiếng kêu cứu, chạy tới hỗ trợ. Trong lúc hai bên giằng co nhau, tôi giữ con còn mọi người kéo con chó, nên nó cắn và nhay bé một lúc lâu nên mới bị nhiều vết thương như vậy…”, chị H đau xót chia sẻ.

Theo bác sĩ Giang, lúc nhập viện, tinh thần cháu bé không ổn định, có thể có những sang chấn tâm lý của bệnh nhi. Các bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn đã tiến hành cấp cứu, mổ cắt lọc vết thương, khâu cầm máu, cố định xương bằng nẹp bột. Hiện nay, các vết thương của bé đã ổn định, nhưng các bác sĩ sẽ tiếp tục phải thực hiện ghép da tự thân cho bé ở những phần bị thiếu hụt.

Dự phòng phải được đặt lên hàng đầu

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ nhỏ vốn hiếu động, do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, cần để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, nếu tắm chậu cho trẻ, cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cần tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ… Không chỉ những tai nạn do bỏng, chó cắn, những tai nạn thương tích cho trẻ em còn kể đến đuối nước, tai nạn giao thông… mà nguyên nhân chủ yếu vẫn từ sự chủ quan, xao nhãng của người lớn. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhưng tình hình tai nạn, thương tích của trẻ em Việt Nam vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp tám lần các nước phát triển.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” được lựa chọn cho Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhằm kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những tai nạn, thương vong cho trẻ em vẫn xảy ra hằng ngày.

Các chuyên gia cho rằng, việc phòng chống tai nạn thương tích cần phải căn cứ vào các loại hình, nguyên nhân gây nên cũng như thực hiện các cấp độ dự phòng một cách có hiệu quả. Dự phòng cấp 1 là dự phòng trước khi tai nạn thương tích xảy ra bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ hoặc không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây nên tại nạn thương tích. Các biện pháp dự phòng ban đầu có thể bao gồm việc lắp đặt rào chắn quanh các ao hồ, để phích nước nóng ở nơi an toàn mà trẻ em không với tay tới được, sử dụng các thiết bị an toàn khi chơi thể thao... Dự phòng cấp 2 là dự phòng trong khi tai nạn thương tích xảy ra nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của các thương tổn khi xảy ra tai nạn thương tích như đội mũ bảo hiểm xe máy để phòng tránh chấn thương sọ não khi tai nạn giao thông xảy ra. Dự phòng cấp 3 là dự phòng sau khi có tai nạn thương tích xảy ra, nhằm giảm thiểu hậu quả khi tai nạn thương tích xảy ra như các biện pháp điều trị hiệu quả để hạn chế tối đa sự tàn tật và tử vong.

 NGUYỆT MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top