Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nguyên phó Viện trưởng VKS sàm sỡ bé gái: Giới luật sư nói gì?

Thứ Năm 04/04/2019 | 14:51 GMT+7

VHO-  Sự việc nguyên Phó Viện trưởng VKS TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TP. Hồ Chí Minh gây bức xúc trong dư luận. Giới luật sư nói gì về sự việc này?

Chiều 2.4, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy một chung cư ở TP.Hồ Chí Minh. Người xem thấy rõ hình ảnh người đàn ông dáng to cao tiến lại gần bé gái, có hành động sàm sỡ, cưỡng hôn nạn nhân nhỏ tuổi.

Dù bé gái có hành động phản kháng, nhưng người đàn ông kia tiếp tục tiến tới sàm sỡ, có dấu hiệu thực hiện hành vi dâm ô.

Ngày 3.4, cơ quan chức năng xác minh danh tính của người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy là ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng VKS TP Đà Nẵng.

Phải xử lý hình sự

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Hoàng Trọng Giáp – Công ty luật Hoàng Sa, Đoàn luật sư TP. Hà Nội bày tỏ:

“Qua clip, người xem thấy rõ người đàn ông vào thang máy đã có hành vi “cưỡng hôn” bé gái 2 lần, dùng tay, cơ thể của mình ôm ghì bé gái, sờ, cọ xát vào bộ phận nhạy cảm của bé gái. Trong khi pháp luật quy định trẻ em là đối tượng đặc biệt được bảo vệ theo điều 37 Hiến pháp 2013, Điều 6 Luật trẻ em 2016, nghiêm cấm các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột đối với trẻ em.

Chuỗi hành vi của người đàn ông xâm phạm đến thân thể của bé gái (khoảng 5-6 tuổi) trong thang máy đã đủ các yếu tố cần thiết về luật pháp, đạo đức, sự bất bình dư luận để xử lý hình sự hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự.

Tôi nghĩ cần thiết phải xử lý hình sự để răn đe trong lúc tư duy, hành động của một số bộ phận đang bị lệch lạc thời gian vừa qua".

Vẫn có thể khởi tố không cần đơn khiếu nại

Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng:

“Trong vụ việc nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tp. Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TP. Hồ Chí Minh, ông này đã thực hiện hành vi ôm hôn bé gái 2 lần. Mỗi một lần đươc xem là hành vi độc lập cho nên hành vi này có dấu hiệu phạm tội nhiều lần. 

Tội Dâm ô người dưới 16 tuổi được quy định tại điều 146 bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại.

Do đó, khi có đủ dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra vẫn có quyền khởi tố vụ án hình sự đối với tội danh này mà không cần có đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng đối tượng đã đến nhà nạn nhân để xin lỗi, hành động này chỉ thể hiện sự thành khẩn, ăn năn của cá nhân đối tượng, không phải căn cứ để không khởi tố vụ án.

Do đó, trong trường hợp này, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng này vẫn có thể bị khởi tố theo quy định pháp luật mà không cần đơn yêu cầu của bị hại”.

Phải điều chỉnh các quy định pháp luật

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này luật sư Trần Tuấn Anh – Công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư Tp Hà Nội bày tỏ quan điểm:

“Tôi thấy xã hội bây giờ nguy hiểm quá, hành vi xâm hại, mà đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn ra ngày càng phổ biến, manh động, công khai và trắng trợn hơn.

Điều đáng nói là những kẻ thực hiện hành vi xâm hại đó lại gần như không bị xử lý hoặc xử lý chỉ mang tính chất “chiếu lệ”, không tương xứng với hậu quả của các hành vi này gây ra cho người bị xâm hại và cho toàn xã hội. Các nạn nhân trong các vụ việc xâm hại đều phải chịu sự tủi nhục, sợ hãi và uất ức. Bởi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của họ đã không được pháp luật và những người thực thi pháp luật bảo vệ đúng mức.

Việc quy định các hành vi vi phạm hành chính, xâm phạm trực tiếp đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người ở Việt Nam hiện nay (được quy định trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP) đã không còn phù hợp với xã hội hiện tại, không bao quát được hết các hành vi vi phạm và mức xử phạt đã không còn đủ sức răn đe, giáo dục chung đối với xã hội.

Đã đến lúc các nhà làm luật, các nhà quản lý phải thay đổi, phải nghiên cứu, đánh giá lại các hiện tượng xã hội, để từ đó đề ra các quy định pháp luật phù hợp, điều chỉnh, xử lý đối với các hành vi phát sinh nhằm bảo vệ tốt nhất quyền con người đối với mỗi cá nhân, công dân.

Rõ ràng, các nhà làm luật Việt Nam đang nợ xã hội một chế định liên quan đến "quấy rối tình dục" và "tấn công tình dục khi chưa đến mức phải xử lý hình sự".

Nhiều người đang hiểu sai về "dâm ô"

uật sư Lê Cao cho rằng:

"Thời gian qua, liên tiếp xảy ra tình trạng có người dùng các hành vi có tính dâm ô đối với trẻ em nhưng người ta lại cố tìm cách đẩy hành vi này sang một biểu dạng khác để không thể xử lý hình sự.

Luật quy định dâm ô đã đủ yếu tố cấu thành của tội danh, nhưng nhiều người thi hành luật đòi hỏi phải đi tìm khái niệm dâm ô là gì. Họ đã đi tìm lại quy định đã hết hiệu lực từ hai mươi năm nay để áp cho hiện tại, đồng thời suy diễn rằng dâm ô phải là hành vi “như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em” thì mới đủ yếu tố cấu thành tội dâm ô.

Như trường hợp người đàn ông đã có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy tại quận 4, TPHCM, liệu ai có thể nghĩ rằng đó không phải là biểu hiện của sự dâm ô, biểu hiện của việc dùng các hành vi để nhằm thỏa mãn các nhu cầu mang tính dâm dục?

Chúng tôi cho rằng chính tư tưởng suy luận sai lệch này về mặt khoa học pháp lý đã dẫn đến cách vận dụng pháp luật sai, bỏ lọt tội phạm và dẫn đến quyền của trẻ em không được bảo vệ".

Theo Dân Việt

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top