Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kiểm tra cồn cát xuất hiện ở biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam): Có phải đê ngầm

Thứ Hai 08/04/2019 | 09:52 GMT+7

VHO- Liên quan đến thông tin cồn cát mới xuất hiện tại khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam), cuối tuần qua, đoàn công tác do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) của Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn đã cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các Sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra thực địa.

 Hình thái hiện tại của cồn cát mới hình thành

Theo những nghiên cứu ban đầu, cồn cát đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên chỉ là những bãi cạn, không nhô lên khỏi mặt nước. Đến khoảng tháng 2.2018, cồn cát bắt đầu nhô lên trên mặt nước và phát triển lớn dần, đặc biệt tốc độ bồi nhanh từ tháng 2.2019 đến nay. Diễn biến từ năm 2018 đến nay cho thấy kích thước và chu vi của cồn cát này không ngừng tăng lên từ sau đợt lũ cuối năm 2017.

Vẫn chưa xác định được nguyên nhân

Qua khảo sát, cồn cát xuất hiện đã gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đường thủy cho tàu thuyền hoạt động tại khu vực này. Đặc biệt là tàu cá ra vào khu neo đậu Hồng Triều và Cửa Đại gặp khó khăn do hiện tượng bồi lấp luồng lạch. Theo một số chuyên gia, hiện tượng cát tạo thành cồn cát và bãi bồi như hiện nay có thể là do đợt mưa lũ lớn của năm 2017, năng lượng thừa nên đưa cát từ thượng lưu sông Thu Bồn xuống. Hoặc là do xói lở bờ bắc Cửa Đại lấy đi lượng cát ở ven bờ phía bắc theo gió mùa đổ về lâu ngày bồi lấp.

Sau khi khảo sát thực địa cồn cát này, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài nhận định, cồn cát như một đê ngầm chắn sóng khổng lồ, từ đó giảm rất lớn tác động của sóng biển vào bờ. Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục PCTT vẫn chưa xác định được nguyên nhân hình thành cồn cát khổng lồ này. Qua kiểm tra thực địa, cồn cát này đang chịu sự tương tác của rất nhiều yếu tố từ hạ nguồn sông Thu Bồn đổ ra cửa biển và ngược lại từ biển trở vào. Sau chuyến khảo sát, đoàn công tác đã cắm mốc trong phạm vi 1 cây số để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến tình hình của khu vực bãi bồi.

 Thông số của cồn cát tại thời điểm ngày 31.3.2019

Trước mắt Tổng cục PCTT sẽ có văn bản gửi Bộ GTVT phối hợp trong việc xử lý luồng lạch đi lại. Đoàn công tác đề nghị tỉnh Quảng Nam cung cấp các tài liệu về cồn cát để Tổng cục PCTT nghiên cứu, từ đó có biện pháp, hành động cụ thể đối với cồn cát này. Đồng thời, sẽ định vị lại các mốc cắm một cách bài bản, theo dõi cụ thể hơn các vị trí cắm mốc để từ đó sẽ tiến hành nghiên cứu, xử lý đối với cồn cát. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ thực hiện mua các tài liệu theo dõi qua vệ tinh về cồn cát này để có sự đánh giá chính xác, đưa nhân lực, thiết bị vào Cửa Đại để đo vẽ cồn cát.

Theo ông Hoài, phải xác định lại cồn cát mới này tương tác với bờ như thế nào. Nếu kết hợp với việc xem đây là đê ngầm chắn sóng khổng lồ, làm giảm tác động sóng ở trong bờ thì chúng ta có hành động ứng xử khác. Còn nếu nó cản trở việc đưa cát từ Cửa Đại ra thì lại có biện pháp phù hợp. Tổng cục PCTT đang theo dõi sát sao diễn biến của cồn cát này, sau đó mới xác định được nguyên nhân hình thành từ đâu.

Xây dựng các phương án

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị, trước mắt phía Sở GTVT cần phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa Đại tiến hành cắm mốc luồng, các khu vực mất an toàn để báo hiệu cho ngư dân và tàu thuyền biết, tránh bị mắc cạn. Đề nghị phía Tổng cục PCTT thực hiện quan trắc diễn biến hình thái của cồn cát, kết hợp với kết quả đã quan trắc để xây dựng bộ dữ liệu phục vụ nghiên cứu cồn cát.

Về lâu dài, theo ông Thanh, muốn xử lý cồn cát thì phải xét trong từng phương án, tình huống. Nếu chấp nhận cồn cát này tồn tại thì cần đánh giá việc hình thành cồn cát này trong tương lai có ảnh hưởng tiêu cực, hoặc tích cực, đến môi trường xung quanh, giao thông đường thủy nội địa, luồng tàu ra vào cửa Đại, cũng như tình trạng sạt lở biển hay không. Phải có giải pháp xử lý như thế nào đối với bãi cát này để tồn tại bền vững. Còn nếu muốn cồn cát không tồn tại thì phải có phương án xử lý cụ thể nhất để không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái khu vực biển Cửa Đại. Nếu xử lý thì lượng cát lấy đi bao nhiêu là vừa, lấy cát đi để phục vụ vào việc gì.

 Đoàn công tác Tổng cục PCTT và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khảo sát thực địa cồn cát

Theo đánh giá quan trắc của các nhà khoa học, trong thời gian 5 năm qua, mỗi năm biển Cửa Đại mất khoảng 350 nghìn khối cát. Cát mất ở bờ biển Cửa Đại chủ yếu tập trung vào cồn cát này. Trong phương án phục hồi bãi biển Cửa Đại có phương án bù cát. Nếu bù cát thì chắc chắn phải sử dụng lại nguồn cát từ biển Cửa Đại ra đi, đảm bảo tính kết dính bền vững bờ biển. Từ đó cũng nảy sinh một vấn đề là nếu bù đắp lại thì bao nhiêu là vừa, và việc lấy cát ở cồn cát này có ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực xung quanh, và lấy hết hay lấy từng phần…

PGS.TS Mai Văn Công, Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội cho rằng, đây là hiện tượng bình thường của tự nhiên. Cách đây 40 năm, Cửa Đại đã xuất hiện một lần bồi lấp cửa biển và nay hiện tượng này được lặp lại. Tuy nhiên, diễn biến của lần bồi lấp này diễn ra như thế nào cần phải quan trắc, nghiên cứu để có biện pháp xử lý thích hợp.

Xét về tự nhiên, nơi nào bị lở thì một thời gian sau tự nhiên sẽ bồi hoàn trở lại song diễn ra trong thời gian dài. Nếu căn cứ vào quá trình vận chuyển bùn cát tự nhiên thì toàn bộ khu vực bờ biển phía bắc của biển Cửa Đại bị sạt lở rất nặng. Nếu cứ đợi cho tự nhiên bồi hoàn lại khu vực bãi phải mất thời gian rất dài, thậm chí khó thành hiện thực. Để rút ngắn, chúng ta phải nghiên cứu đến khả năng sử dụng phương pháp nào cho phù hợp để nạo hút đưa lượng cát đã hình thành nên đảo trở lại vị trí cũ.

Công nghệ hiện tại đưa cát từ biển vào bờ vẫn là nạo hút, bơm theo đường ống đưa vào xả tại khu vực bãi dự kiến muốn tôn tạo. Cũng có thể hút lên xà lan sau đó vận chuyển vào xả lại khu vực bãi. Tùy theo vị trí đưa vào là chỗ nào, lấy tại đâu đưa vào vị trí nào thì cần phải đánh giá, nghiên cứu kỹ.

Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề này, Văn Hóa đã có bài phản ánh “Xuất hiện cồn cát, bồi lấp ở biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam): Du khách thích thú, chính quyền lo lắng” (ra ngày 29.3.2019)

 Phải xác định lại cồn cát mới này tương tác với bờ như thế nào. Nếu kết hợp với việc xem đây là đê ngầm chắn sóng khổng lồ, làm giảm tác động sóng ở trong bờ thì chúng ta có hành động ứng xử khác. Còn nếu nó cản trở việc đưa cát từ Cửa Đại ra thì lại có biện pháp phù hợp. Tổng cục PCTT đang theo dõi sát sao diễn biến của cồn cát này, sau đó mới xác định được nguyên nhân hình thành từ đâu.

(Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT)


KHÁNH CHI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top