Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - chống được không?”

Thứ Hai 08/04/2019 | 16:08 GMT+7

VHO-Là chủ đề tọa đàm do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức, diễn ra ngày 8.4 tại Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM. Theo các diễn giả, bạo lực học đường và dâm ô trẻ em đang diễn ra ở mức độ báo động, trong khi việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng đã gây bức xúc xã hội. 

Mức xử phạt 200.000 đồng trong vụ việc sàm sở cô gái ở Hà Nội là minh chứng cho sự thất bại của pháp luật
Thống kê từ Bộ Công an cho biết, mỗi năm Việt Nam phát hiện từ 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em. Thực trạng này đã đến mức báo động, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Các em học sinh là nạn nhân không chỉ hứng chịu sự đau đớn về thể xác mà còn ám ảnh tinh thần trong thời gian dài. 

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm

Thiếu tá, tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên chính Trường ĐH An ninh Nhân dân nói rằng, bạo lực học đường và dâm ô trẻ em đang diễn ra với tần suất liên tục, với các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man. Trong khi đó, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra “phản ứng ngược” từ cộng đồng, gây bức xúc xã hội. “Một số quy định của pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn, việc xử phạt không đảm bảo tính răn đe. Mức xử phạt 200.000 đồng với đối tượng Đỗ Mạnh Hùng trong vụ việc sàm sỡ cô gái ở Hà Nội là một minh chứng cho sự thất bại của pháp luật”, thiếu tá Lâm bức xúc.
Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TP.HCM, bạo lực học đường và dâm ô không phải là vấn đề mới nhưng “nóng” lên gần đây. “Vậy liệu rằng chúng ta có chống được không?”, ông Thắng đặt câu hỏi đồng thời trả lời rằng chúng ta phải có quyết tâm chống bằng được.
Theo các diễn giả, Việt Nam đang có cơ sở pháp lý đầy đủ, có hành lang bảo vệ nhưng phải chăng vì chúng ta đang thờ ơ, vì thế mà về lâu về dài đã biến thành tật xấu chung của xã hội - đó là sự im lặng trước tội ác. Do vậy, muốn chống được vấn nạn này phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về pháp luật. Các nhà trường nên lồng ghép chương trình giáo dục trẻ em vào nội dung giảng dạy,…

Thiếu tá, tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm chia sẻ với học sinh tại chương trình

Định hướng cho học trò tham gia mạng xã hội
Thiếu tá, tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm chia sẻ rằng, các thầy cô giáo phải là những người định hướng cho học trò trong việc tham gia mạng xã hội. Khi tham gia lên án về hành vi bạo lực học đường, dâm ô trẻ em, chúng ta phải tham gia đúng chuẩn, có trách nhiệm, thể hiện tinh thần xây dựng, không cổ súy cho hành vi xấu, không gây ra những việc làm phản cảm. “Sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa nhà trường - gia đình - lực lượng bảo vệ pháp luật… còn yếu. Nhiều vụ việc diễn ra cho thấy, có thể do gia đình sợ bị ảnh hưởng, do cơ quan chức năng thờ ơ, vô trách nhiệm, do nhà trường sợ bị ảnh hưởng đến thi đua, thương hiệu… nên nhiều vụ việc đã không được đưa ra ánh sáng”, thiếu tá Lâm bức xúc.
Nhìn nhận về vai trò trách nhiệm của nhà trường trong việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi nói bạo lực học đường, ông Huỳnh Thành Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho rằng, các nhà trường cần quan tâm tạo ra những sân chơi về kiến thức cũng như thể dục thể thao, những hoạt động võ thuật, đá bóng, thành lập những câu lạc bộ âm nhạc, truyền thông, để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh. 
Thiếu tá, tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm chia sẻ thêm, trong cách phản ứng, bày tỏ quan điểm trước những vấn nạn bạo hành, dâm ô như trong thời gian qua cũng cần phải hết sức tỉnh táo, thể hiện bằng “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” chứ không phải theo xu hướng “nhiệt tình cách mạng” mà thiếu đi tri thức và kỹ năng. Những bài share, like, comment không tỉnh táo, đúng mực đôi khi lại góp phần trong việc “tiếp tay” đó, bởi lẽ khi mà mình thể hiện sự bức xúc đối với hành vi của người khác một cách cay cú, cực đoan (dù đó là hành vi xấu, đáng lên án) thì điều đó cũng không có nghĩa là mình vô can. 

Võ sư Trần Trung Sơn hướng dẫn kỹ năng giúp học sinh phòng vệ các tình huống xâm hại tình dục

Tại chương trình, võ sư Trần Trung Sơn, huấn luyện viên Muay Thái Quốc gia chia sẻ kỹ năng giúp học sinh phòng vệ các tình huống xâm hại tình dục. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã chia sẻ và trả lời thắc mắc của học sinh liên quan đến các điều luật quy định hiện nay về xâm hại tình dục, dâm ô, bạo hành trẻ em…

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top