Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhiều di tích cấp quốc gia “xếp hàng” xuống cấp ở Bến Tre: Biết rồi, nhưng phải chờ...

Thứ Tư 10/04/2019 | 10:27 GMT+7

VHO-Nhiều di tích cấp quốc gia ở tỉnh Bến Tre đang trong tình trạng xuống cấp nặng, hiện vật bị mất cắp xảy ra thường xuyên… là thực tế màchúng tôi vừa ghi nhận được từchuyến đi khảo sát tại địa phương này. 

Có mặt tại đình Tiên Thủy (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành) vào những ngày đầu tháng 4 vừa qua, chúng tôi không khỏi chạnh lòng xen lẫn buồn bã bởi nơi đây vắng lặng, hiu quạnh không một bóng người. Cửa đình thì khóa trái, tìm mãi không thấy người trong coi, bảo vệ. 

Đình Phú Lễ đang hư hỏng nhiều khu vực bên trong 

“Sợ đình sập bất cứ lúc nào” 
Nhờ những dân sống bên cạnh di tích liên lạc với người phụ trách trông coi di tích, một lát sau chúng tôi mới được ông từ đến mở cửa dẫn vào. Ông tên Lễ, năm nay đã ngoài 80 tuổi nên không còn nhanh nhẹn vì thế ông nuôi hai con chó to để phụ trông coi đình. 
Mang trong mình những giá trị kiến trúc truyền thống ở thế kỷ 19, từ xa đình Tiên Thủy dường như vẫn trầm mặc, cổ kính cùng với rêu phong thời gian như là nhân chứng sống kể lại thông điệp của quá khứ… Cũng chính những giá trị kiến trúc ấy cùng với những giá trị lịch sử-văn hóa đang hiện rõ trên từng hoành phi, câu đối, cửa võng… nên đình Tiên Thủy đã được xếp hạng cấp quốc gia. Thế nhưng khi bước vào bên trong và chỉ bằng con mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đình. Hệ thống mái đã bị xô lệch gần như toàn bộ. Nhiều cây cột, vì kèo gỗ đã bị mối xâm thực rỗng tếch trong lòng, chỉ còn lớp vỏ bên ngoài… Ông Lễ tâm sự, “nhìn bề ngoài thì ai cũng thấy đình còn vững chãi để chống chọi với thiên nhiên, nhưng vào bên trong thì mới thấy đau lòng”. 

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hệ thống cấu kiện gỗ của di tích đã bị mối mọt xâm thực, không còn khả năng chống đỡ. Ngoài ra, di tích quốc gia đình Tân Thạch (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành), đình Bình Hòa (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm) … cũng đang rơi vào tình trạng xuống cấp với những mức độ nghiêm trọng khác nhau. 
Trở lại đình Tiên Thủy, ông Lễ cho biết mùa nắng còn đỡ chứ đến mùa mưa thì như cái máng xối, ngói rơi tung tóe. “Nói thật tôi cứ nơm nớp lo sợ không biết đình bị sập bất cứ lúc nào. Chúng tôi đã đề xuất xin chủ trương chống xuống cấp nhưng cho đến nay chưa thấy động tĩnh gì”. 
Thường xuyên mất trộm 
Theo những người trông coi di tích đình mà chúng tôi vừa dẫn ra ở trên, bên cạnh nỗi lo thường trực di tích bị hư hỏng, xuống cấp thì còn một nỗi sợ khác là nạn trộm cắp cổ vật. Nhiều ngôi đình mà chúng tôi tới khảo sát đã bị kẻ trộm “ghé thăm” như cơm bữa, thậm chí chúng còn ngang nhiên cho xe ô tô lấy đi nhiều hiện vật quý. 

 

 Ông Võ Văn Sợi vừa chỉ, vừa kể lại vụ trộm cạy cửa hòm sắc phong 

Tại đình Bình Hòa, ông Võ Văn Sợi, người trông coi di tích này đã gần 20 năm qua cho biết, do thường xuyên bị kẻ gian vào lấy trộm cổ vật nên ông phải nuôi một đàn chó dữ 5 con để phụ trông coi. Các cánh cửa vào đình đều được ông khóa nhiều lớp, lắp hệ thống chuông báo động… Theo ông Sợi, đình Bình Hòa bị mất trộm hiện vật rất nhiều lần, trong đó có một số lần may mắn tìm lại được nhưng chỉ là số nhỏ. Ông kể, có lần kẻ gian lẻn vào lấy hộp đựng sắc phong, khi mang ra ngoài được một đoạn thì chúng bỏ lại. Ông phát hiện và báo cáo công an đến lập biên bản lại. Lần khác, kẻ gian là một người nghiện ma túy vào trộm bị phát hiện thì leo lên mái đình, lực lượng công an đến bắt giữ kịp thời. “Tuy nhiên, không phải lần nào cũng phát hiện được, trong đó lần bị trộm lớn nhất là sau khi tu sửa đình gần đây. Khi bàn giao công trình xong khoảng 5 tháng, trộm đã vào lấy đi 2 bộ bát tiên (16 tượng), 7 tượng trong bộ thất hiền và một số hiện vật khác”, ông Sợi kể lại. 
Tại đình Tiên Thủy cũng bị trộm vào lấy hiện vật, trong đó có 2 tấm long trụ lớn được chạm rồng gắn ở cột đình. Ông từ cho biết, do đình nằm gần sông nên người dân đoán là trộm đã cho ghe đến gỡ 2 tấm long trụ này đi, vì đường ô tô không vào được, mà xe nhỏ thì không thể chở nổi. Còn tại đình Tân Thạch, ông Trương Quang Đông, Hội trưởng Hội Bảo tồn đình cho hay, do không có người ngủ tại đình nên để tránh mất mát Hội phải đem những hiện vật quý đi gửi nơi khác. Nhiều di tích nơi đây cũng phải áp dụng biện pháp này. 

 Trao đổi với chúng tôi về những thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Trưởng ban quản lý di tích tỉnh Bến Tre cho biết: “Trước thực tế xuống cấp của một số ngôi đình như Văn Hóa phản ánh, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và làm việc với UBND huyện Châu Thành, nơi có đình Tiên Thủy; UBND huyện Ba Tri, nơi có đình Phú Lễ để bàn biện pháp để khắc phục. Nhưng do nguồn vốn rất hạn hẹp nên gặp nhiều khó khăn trong việc chống xuống cấp. Bản thân tôi với trách nhiệm là người đứng đầu ban quản lý di tích cũng thấy vô cùng trăn trở”. 
Cũng theo ông Hùng, mới đây Ban quản lý di tích có làm việc với Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở VHTTDL. Ban đã nêu lên thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và nói rằng, nếu không được trùng tu cấp thiết thì người dân kêu lắm. Tuy nhiên những biện pháp “cứu chữa” di tích vẫn phải trông chờ vào ngân sách nhà nước hoặc phải kêu gọi xã hội hóa. 

 

 TÙNG THƯ 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top