Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên thủ đô gió ngàn: Kỳ vọng một công trình nghệ thuật xứng tầm

Thứ Tư 10/04/2019 | 10:36 GMT+7

VHO- Sau hai năm triển khai, phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”, hạng mục quan trọng trong Dự án xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Thái Nguyên đang đi đến những giai đoạn cuối.

Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) gồm những tên tuổi hàng đầu trong giới điêu khắc, hội họa, các chuyên gia văn hóa, lịch sử vẫn đang tiếp tục thẩm định, đóng góp ý kiến để hoàn thiện công trình được đánh giá không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt đối với Thái Nguyên mà còn với cả nước.

Một mảng phù điêu khắc họa hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đảm bảo ý nghĩa biểu trưng và tính thẩm mỹ của công trình

Phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” là công trình quy mô lớn, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ. Đồng thời, bày tỏ lòng tri ân của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai khối phù điêu được thiết kế, xây dựng hai bên quảng trường, chính giữa là cột cờ Tổ quốc. Bằng ngôn ngữ điêu khắc, cụm phù điêu thể hiện truyền thống cách mạng, văn hóa và những dấu ấn bản sắc các dân tộc, thành tựu của TP Thái Nguyên trên đường hội nhập. Dự án xây dựng phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp Thái Nguyên gồm 2 phần: Bức phù điêu khắc họa hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ gắn liền với sự phát triển lớn mạnh của QĐND Việt Nam và phù điêu với chủ đề Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Bức phù điêu bên trái có chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ” với các hình ảnh khắc họa Việt Nam giải phóng quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tình quân dân. Bức phù điêu khắc họa chân dung Đại tướng chúc mừng lực lượng bộ đội sau chiến thắng đợt tiến công lần thứ 3 chiến dịch Điện Biên Phủ ; hình ảnh cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ - cát - tơ - ri. Bức phù điêu bên phải, mặt trước có chủ đề “Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển” với các hình ảnh khắc họa sự phát triển của công nghiệp hóa, khoa học kỹ thuật; khối đại đoàn kết các dân tộc; khối y tế - giáo dục, sản xuất nông - lâm nghiệp...

Cũng trên các mảng phù điêu, dấu ấn văn hóa Thái Nguyên được khắc họa nổi bật với hình ảnh hồ Núi Cốc, múa lân sư rồng, hát The của đồng bào dân tộc Tày, lễ hội Lồng Tồng; hát Soọng Cô của người Sán Dìu; nét đẹp văn hóa Trà; múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay; múa Rối của dân tộc Tày, lễ hội cấp sắc của dân tộc Dao và nhiều hình ảnh văn hóa, kiến trúc nhà sàn, nét đẹp văn hóa sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Theo ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên, công trình phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” sẽ tạo điểm nhấn trên quảng trường mang tên người, thu hút ngày càng đông du khách đến với Thái Nguyên.

Ngày 8.4, lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có mặt tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp để cho ý kiến đối với công trình. Ghi nhận nỗ lực của đơn vị thi công trong đảm bảo tiến độ, lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đề nghị HĐNT, đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện một số chi tiết để đảm bảo ý nghĩa biểu trưng và tính thẩm mỹ của công trình.

 Hội đồng nghệ thuật thẩm định mẫu đất phù điêu "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên" tỉ lệ 1:1

Hình tượng Đại tướng được khắc họa càng có hồn thì tỉ lệ thành công càng cao

Nhấn mạnh ý nghĩa, giá trị của cụm công trình, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MTNATL (Bộ VHTTDL), Phó Chủ tịch HĐNT cho biết, hội đồng đã dành nhiều tâm huyết để cùng với Thái Nguyên tạo nên một công trình mang dấu ấn văn hóa nghệ thuật, tài sản để lại cho nhiều thế hệ. Phù điêu là công trình đầu tiên được triển khai xây dựng mẫu đất tỉ lệ 1:1 ngay tại thực địa, tạo thuận lợi để hình dung diện mạo công trình ngay tại nơi “đứng” của cụm phù điêu sau này.

NĐK Lưu Danh Thanh, Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên HĐNT nhận định, điểm nhấn quan trọng của cụm phù điêu là hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bài toán từ đầu là phải khắc họa hình tượng của người đẹp nhất, một hình tượng sống trong lòng dân. Ở góc độ này, công trình đã đạt được 90% yêu cầu. Ông Thanh cũng nhấn mạnh, bên cạnh hình tượng Đại tướng, phù điêu đã khắc họa sinh động những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc ở Thái Nguyên. Bằng bút pháp đồng hiện, các mảng phù điêu đã thể hiện những điểm nhấn tiêu biểu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc như lễ hội, các vũ điệu, trang phục... Ông cũng lưu ý đơn vị thi công chú ý các phần chạm nổi trên mặt phù điêu nhằm tạo độ bền vững, không bồng bềnh dễ tạo sai lệch lúc chuyển chất liệu.

Khẳng định đây là một trong những công trình phù điêu lớn nhất ở Việt Nam tính đến nay, NĐK Nguyễn Vũ An, nguyên giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cụm phù điêu chiếm một diện tích và khối lượng công việc lớn. Với việc thi công mẫu đất ngay tại thực địa đã giúp hình dung đến 90% diện mạo công trình sau này. “Bố cục nghệ thuật và các mảng miếng, đường nét, hình khối đã được các nghệ sĩ điêu khắc thể hiện tương đối thành công, chỉ còn một số chi tiết về cấu trúc, nhân vật, bối cảnh... chưa chuẩn xác đã được chỉ rõ để tiếp tục điều chỉnh. Đặc biệt, hình tượng chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được khắc họa khá đẹp về thần thái, sắc diện...”.

Nhấn mạnh phù điêu là công trình có giá trị vĩnh cửu, không được phép sai sót, nguyên Phó Cục trưởng Cục MTNATL, NĐK Lê Vân Hải nhấn mạnh, hình tượng Đại tướng được khắc họa càng có hồn thì tỉ lệ thành công của tổng thể công trình càng cao. Bên cạnh đó, toàn cảnh các mảng phù điêu nhìn chung đã đạt yêu cầu về chất lượng nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ. “Trên cơ sở phần thể hiện bằng chất liệu đất sét tỉ lệ 1:1, HĐNT cơ bản đánh giá cao tính thẩm mỹ và giá trị biểu trưng của công trình phù điêu đã được thể hiện. Về một số ý kiến cần điều chỉnh các chi tiết nhằm đảm bảo thẩm mỹ và kỹ thuật, các nghệ sĩ sẽ tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện tốt nhất trước khi chuyển chất liệu”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết.

NĐK Lưu Danh Thanh lưu ý thêm, khâu chuyển sang chất liệu đá đòi hỏi các yếu tố khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật rất cao. Từ chất liệu đất do các nhà điêu khắc thể hiện sang chất liệu đá do các thợ đá thực hiện thường rất dễ bị sai lệch. “Đất có thể sửa được chứ đá thì không. Do vậy, đây là một khâu đặc biệt quan trọng, đòi hỏi đơn vị thi công phải thực hiện vô cùng tỉ mỉ, cẩn trọng”, theo ông Lưu Danh Thanh. 

 Trên cơ sở phần thể hiện bằng chất liệu đất sét tỉ lệ 1:1, HĐNT cơ bản đánh giá cao tính thẩm mỹ và giá trị biểu trưng của công trình phù điêu đã được thể hiện. Về một số ý kiến cần điều chỉnh các chi tiết nhằm đảm bảo thẩm mỹ và kỹ thuật, các nghệ sĩ sẽ tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện tốt nhất trước khi chuyển chất liệu.

(Họa sĩ Vi Kiến Thành)

 

 HOÀNG VY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top