Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tu bổ và tôn tạo Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế): “Ngỡ ngàng” vì được xây mới?

Thứ Sáu 12/04/2019 | 10:25 GMT+7

VHO- Dự án thực hiện tu bổ và tôn tạo di tích Hộ Thành Hào (phía Nam của Kinh thành Huế) được thi công từ cuối năm 2018, nhưng mới đây nhiều người đã phải "ngỡ ngàng" khi thấy một phần kè dọc này đã bị dỡ bỏ và xây dựng kè mới với chiều dài gần 1.000m.

Điều này khiến cho dư luận bày tỏ lo ngại rằng khi công tác tu bổ trên đang đi "ngược" với những lưu ý chỉ đạo của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL).

Kè Hộ Thành Hào đã hư hỏng gần 80%

Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định số 1918/QĐ-UBND phê duyệt dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỉ đồng, thực hiện từ 2011-2015. Tổng thể dự án chậm tiến độ so với kế hoạch, bởi khó khăn về nguồn lực và công tác giải phóng mặt bằng. Đến ngày 26.10.2016, UBND tỉnh tiếp tục có quyết định số 2568/QĐ-UBND điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 31.12.2020.

Phần tu bổ và tôn tạo di tích Hộ Thành Hào nằm trong tổng dự án nói trên với các hạng mục kè đá, lòng hào, tuyến phòng lộ và các bến cổng. Trong đó sẽ tu bổ 10.443m chiều dài kè phía trong (tiếp giáp với tuyến phòng lộ), riêng mặt phía Nam sẽ tu bổ với chiều dài gần 2.500m. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (viết tắt là Trung tâm), chủ đầu tư dự án cho biết trước khi thực hiện tu bổ bờ kè của Hộ Thành Hào, Trung tâm đã có tổ chức lấy ý kiến của Hội đồng tham vấn các nhiệm vụ khoa học và nghệ thuật về các giải pháp thi công.

Đã có nhiều ý kiến đóng góp về chuyên môn và Trung tâm cũng đã tiếp thu. Sau đó Trung tâm đã gửi văn bản xin ý kiến Cục Di sản văn hóa về thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo kè Hộ Thành Hào. "Chúng tôi và đơn vị thi công cũng đã tuân thủ theo nội dung lưu ý của Cục Di sản văn hóa. Đó là lựa chọn một số đoạn kè còn tốt (được xây dựng bằng kỹ thuật truyền thống, đảm bảo đủ kích thước và ổn định khả năng chịu lực) để gia cố chân móng, tu bổ theo hiện trạng", ông Tuấn nói.

Đoạn kè Hộ Thành Hào gần 1.000m vừa được xây mới

Ông Tuấn cho biết thêm, qua khảo sát mặt Nam của Kinh thành Huế có 12 điểm tường thành bị nứt nghiêm trọng. Các điểm nứt này đều do sạt lở, sụt lún của kè Hộ Thành Hào. Chính vì thế, để bảo tồn và giữ gìn tường thành thì phải trùng tu, xử lý thật tốt các điểm sạt lở này. Trong đó, phương án thiết kế do kỹ sư Lê Văn Quảng, nguyên Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung phụ trách là khả thi.

Trao đổi với báo chí, kỹ sư Lê Văn Quảng nói rằng, Hộ Thành Hào là công trình phòng thủ được xây dựng từ năm 1803 đến 1830 trên nền đất yếu nên rất dễ bị sụt lún, sụp đổ. Kè của công trình này được thi công bằng hình thức xếp đá khan với loại đá gan gà dài từng phiến. Trải qua thời gian dài gần 200 năm, loại đá này bị phong hóa dẫn đến thiếu lực ma sát nên càng dễ sụt lún hơn. Phương án tối ưu để thực hiện thi công ở các đoạn bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng này phải là đổ bê tông cốt thép.

Thừa nhận có "sơ suất"

Theo lãnh đạo Trung tâm, quá trình tu bổ kè Hộ Thành Hào (đoạn Cửa Ngăn đến Nam Minh Đài) do Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung thi công có sự giám sát của Tổ giám sát- chủ đầu tư dự án. Việc thực hiện thi công đảm bảo đúng với bản vẽ thiết kế đã được lập và trình với Cục Di sản văn hóa. Tuy nhiên đơn vị thi công đã có một số sơ suất. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, phụ trách Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung thừa nhận rằng, quá trình tháo dỡ kè thực hiện chưa hợp lý. Đáng lẽ ra phải lựa chọn, phân loại, tháo dỡ đá khoa học hơn. Trong thời gian thi công các phần kè còn lại, đơn vị sẽ rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn.

"Đoạn kè vừa thi công với chiều dài khoảng 1.000m, chiếm gần 10% so với tổng chiều dài kè sẽ được tu bổ. Qua khảo sát các đoạn kè còn lại, có những đoạn tốt như đoạn kè từ Cửa Thượng Tứ đến Cửa Ngăn, sẽ giữ lại như phương án đề ra và cũng như nội dung mà Cục Di sản văn hóa lưu ý. Chúng tôi cũng tiếp thu các ý kiến của báo chí và sẽ có hướng thực hiện tốt hơn trong việc tu bổ các đoạn kè còn lại", ông Nguyễn Hoàng Tuấn nói.

Chiều qua 11.4, khi phóng viên có mặt tại khu vực Hộ Thành Hào (đoạn Cửa Ngăn đến Nam Minh Đài) thì đoạn kè này đã được xây mới gần xong, nhưng bãi tập kết bùn đất thì vẫn còn ngổn ngang. Trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế đồng thời là thành viên trong Hội đồng tham vấn khoa học của Trung tâm cho rằng, về việc tu bổ kè Hộ Thành Hào, các thành viên của Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến hợp lý về chuyên môn. Hội đồng cũng chỉ là tư vấn cho Trung tâm còn phía chủ dự án mới là đơn vị quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chủ dự án và đơn vị thi công thực hiện không đúng với nội dung phương án của dự án đã được duyệt thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm.

Cũng chính kỹ sư Lê Văn Quảng cũng chia sẻ rằng, phía đơn vị thi công dự án cần cẩn trọng hơn trong thi công. Người ngoài ngành họ thấy việc sử dụng máy móc để xúc, và đá gan gà thì rơi xuống hồ... khiến họ cảm thấy “xót” cho di sản cũng đúng thôi. 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top