Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

"Tấm Cám" cải biên hút lòng khán giả

Thứ Sáu 24/05/2019 | 15:19 GMT+7

VHO-Vở kịch Tấm Cám của sân khấu Lệ Ngọc, một sân khấu xã hội hóa hiếm hoi ở Hà Nội hiện đang được công diễn tại các rạp Đại Nam, Hồng Hà, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội...trong dịp quốc tế thiếu nhi 1.6. Tác phẩm có ngày được diễn 3 suất, phục vụ hàng chục ngàn lượt khán giả đã tạo được hiệu ứng lớn dịp đầu hè năm nay… Vở kịch cũng sẽ tham dự Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhi thế giới tại Nhật Bản vào năm sau.

Vở kịch Tấm Cám được đạo diễn xử lý không gian rất đẹp

Dựng kịch từ một câu chuyện cổ tích đã quá quen thuộc, quen thuộc đến mức từng lời thoại cũng đã được các em nhỏ ghi nhớ… là lợi thế nhưng cũng là cái khó cho ê kip sáng tạo. Làm sao để sân khấu hóa thành công, không khiến người xem nhàm chán bởi đã biết rõ cốt truyện, hiểu rõ từng chi tiết…  là thách thức không nhỏ. Dù vẫn kể đủ những diễn biến chính của tích truyện để các em nhỏ có thể dễ dàng kể lại cốt truyện, nhưng ê kip sáng tạo đã có những cải biên so với tích truyện, được đánh giá là khá thích hợp.

Đạo diễn Chua Soo Pong khéo léo khi để các diễn viên nhí là những người mở ra không gian cho vở kịch, giúp các em tập trung vào câu chuyện, đồng thời cũng tạo được sự hào hứng khi các bé được thấy những người bạn cùng lứa tuổi của mình vào vai Tấm, Cám lúc nhỏ. Đây cũng là phần mà sự tương tác với khán giả tỏ ra rất thích hợp. Đạo diễn đã rất am hiểu tâm lý các em khi đẩy nhanh tiết tấu, đưa vào nhiều đoạn ca múa… Ông lý giải "Chúng tôi đã đưa những bài hát, vũ điệu vào diễn xuất như một phần quan trọng của một vở diễn dành cho trẻ em. Chúng tôi cũng có một số thủ thuật để khiến vở diễn trở nên đặc biệt dễ nhớ. Sau khi các em xem xong, có thể ca hát nhảy múa để nhớ lại được những động tác, bài hát đã được xem… và từ đó, những mong muốn giúp các em có được các bài học luân lý đã được khán giả nhỏ ghi nhận. Câu chuyện này có ý nghĩa không chỉ đối với trẻ em mà còn với tất cả mọi người như làm sao để trở thành người tốt, làm sao để có thể giúp đỡ người khác, để không trở thành kẻ ích kỷ…".

Phép xử lý ước lệ của sân khấu châu Á đã khiến câu chuyện trôi chảy, tiết tấu nhanh mà vẫn không bỏ qua những tình tiết hấp dẫn. Đó là những trường đoạn như khi cái ác hoành hành, mẹ Cám đẵn gốc cau để giết Tấm, giúp Cám thay chị làm vợ hoàng tử hay từng chi tiết trong xử lý không gian, thời gian ở cảnh biến hóa của cô Tấm trong lốt chim vàng anh, quả thị… 

Đặc biệt, điều mà những phiên bản sân khấu ở các vở diễn Tấm Cám khác vẫn không dám bỏ là vai ông Bụt, đại diện cho phép nhiệm màu của nhà Phật giúp Tấm vượt qua những thời khắc sinh tử thì ở Tấm Cám của sân khấu Lệ Ngọc đã mạnh dạn bỏ đi nhân vật này mà thay bằng sự an ủi, giúp đỡ của bà mẹ đã mất của Tấm. Sự cải biên này nhiệt liệt được ủng hộ từ nhà hoạt động sân khấu, nhà báo cho tới công chúng khán giả. Bởi trong tâm thức người Việt, Bà Mẹ luôn là cứu tinh của con, là bệ đỡ cho con…

Những cấn cá trong việc trả thù của cô Tấm đối với mẹ con Cám, những người từng khiến nàng chịu muôn vàn cực khổ, thậm chí bị họ giết chết nhiều lần… trong câu chuyện cổ khá tàn khốc cũng được lược bỏ, giúp các em nhìn xã hội lành mạnh hơn, trong sáng hơn. Việc trả lại công bằng cho cô Tấm được hoàng tử thực hiện bằng lời truyền: bắt mẹ con nhà Cám phải chuộc tội bằng cách làm thật nhiều việc tốt…

Sân khấu được đầu tư khá công phu, sử dụng hết thế mạnh của âm thanh, ánh sáng cùng diễn xuất ăn ý giữa các diễn viên nhiều thế hệ từ NSND Lệ Ngọc (mẹ Cám) cùng các diễn viên chuyên nghiệp của nhiều Nhà hát như Thu Thủy, Lê Bình, Đức Tâm… (Nhà hát Tuổi trẻ) Thu Hà, Thanh Hường… (Nhà hát kịch VN) đến nhà thiết kế Sĩ Hoàng, cùng dàn diễn viên nhí hết sức đáng yêu. Sân khấu Lệ Ngọc đã có sức cuốn hút đủ để nhà thiết kế thời trang danh tiếng Sĩ Hoàng không chỉ nhận lời thiết kế trang phục mà còn bỏ thời gian bay từ tp Hồ Chí Minh ra để tập luyện và biểu diễn. Hay vai Tấm của diễn viên Kim Oanh, người đang có độ hot cao khi vào vai chính trong phim Cô gái trong thành phố… Rồi những vai nhỏ như vai bà già kể chuyện và già Đa của nghệ sĩ Minh Phương… Tâm niệm với việc bồi dưỡng thế hệ trẻ tương lai, NSND Lệ Ngọc khi làm giám khảo cuộc thi Tài năng đã phát hiện và mời các em nhỏ Như Khôi (thần đồng toán học, phó chủ tịch Hiệp hội trẻ em nhận đóng vai Cám lúc nhỏ) Tuệ Lâm và Phương Như (Tấm lúc nhỏ)….

NSND Lệ Ngọc rất ấn tượng trong vai Mẹ Cám

Không dựa vào việc gây cười vô lối, cũng không cần tới chiêu trò giả gái như ở nhiều sân khấu khác… nhưng vở diễn vẫn rất hấp dẫn đối với các em. Các khán giả nhỏ hết sức nhiệt thành tham gia tương tác cùng diễn viên. Cả khán phòng luôn bừng bừng trong âm thanh hỏi đáp, cùng đọc lời thoại… Không khí đáng yêu tràn ngập ấy khiến người làm nghề an tâm hơn với câu hỏi: liệu tương lai sân khấu sẽ ra sao. Có được lớp khán giả từ nhỏ, nuôi dưỡng tình yêu với sàn diễn, nuôi dưỡng những thế hệ kế cận… từng chút, từng chút sẽ giúp cho sân khấu đứng vững hơn trong tương lai, khẳng định được vị thế của mình với thế hệ trẻ. Những người yêu mến sân khấu không khỏi tự hỏi, các nhà hát công lập đã và đang hoạt động ra sao khi nhiều vở diễn không có khán giả, luôn kêu rằng sân khấu mất chỗ đứng, trong khi các sân khấu xã hội hóa như Sân khấu Lệ Ngọc lại tạo được những hiệu ứng tốt như vậy, hoàn toàn lại không được hưởng bất kỳ khoản kinh phí nào từ Nhà nước? Bài toán mãi chưa tìm được lời giải này cần nhờ vào sự hoàn chỉnh hơn của các chính sách hỗ trợ cho những nhà đầu tư nghệ thuật.

Vẫn còn cần những chỉnh sửa cần thiết để vở diễn hoàn thiện hơn. Dù đầu tư tốt nhưng trang trí sân khấu còn khá đơn điệu và có những chi tiết chưa thực sự hợp lý. Hay việc thay ông Bụt thần tiên thực hiện sự giúp đỡ cho Tấm bằng bà mẹ đã mất của Tấm, dù được ủng hộ vì rất hợp lý nhưng hình tượng người mẹ chưa được tô đậm… Nhưng tin rằng, những cố gắng của những người tâm huyết với khán giả nhỏ, với sự nâng đỡ cho các thế hệ trẻ như NSND Lệ Ngọc sẽ góp phần không nhỏ giúp sân khấu tìm lại chính mình…

CAO NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top